Bị đốt áo, cắt giày vẫn cháy bỏng với… nhảy
Cho đến thời điểm này, ở Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn còn có những định kiến không hay về nghề nhảy múa.
Cách đây 15 năm, khi mà phong trào hiphop mới bắt đầu được biết đến ở Việt Nam, cũng như nhiều cô cậu học trò trót mê mẩn những động tác vũ đạo bụi bặm và cá tính ấy, tôi đã đăng ký theo học một lớp break dance tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô.
Lớp khai giảng với 50 học viên, nhưng sau một tháng chỉ còn lại 5 người, trong đó có tôi. Lý do là bởi nguyên một tháng đầu, chúng tôi chỉ tập trung "phá" cơ, người ngợm lúc nào cũng đau nhức ê ẩm. Một số không chịu được, nghỉ. Số khác vì thiếu kiên nhẫn, nghỉ nốt.
5 đứa còn lại được ghép thành một nhóm và bắt đầu được tập những bước cơ bản. Sau này, khi hiphop ở Việt Nam định hình một cách rõ rệt hơn (thời đó chỉ gọi chung là break dance), tôi mới biết rằng mình đã được học cả waving, popping, locking và robotics, một thứ một ít.
Sau 6 tháng tập luyện, nhóm chúng tôi đứng trước cơ hội được đi diễn tại một câu lạc bộ. Tuy nhiên, đó cũng là lúc cả 5 đứa phải đối mặt với một trở ngại lớn từ phía gia đình. Không một bậc phụ huynh nào đồng ý cho con em mình tiếp tục luyện tập, chứ chưa nói đến chuyện đi nhảy kiếm tiền. Và sau một thời gian cứng đầu chống đối, trốn nhà đi tập, lần lượt từng thành viên trong nhóm đầu hàng. Nhóm tan rã ngay trước show diễn đầu tiên.
15 năm sau, dù cho xã hội đã phát triển hơn trước nhiều, cuộc sống cũng thay đổi một cách chóng mặt, thế nhưng còn nhiều bậc làm cha làm mẹ vẫn giữ nguyên thành kiến nghề nhảy múa, coi đó như là một cái gì đấy không đứng đắn, đàng hoàng.
Tuy nhiên, so với chúng tôi ngày trước, giới trẻ bây giờ tỏ ra mạnh mẽ hơn, thậm chí là liều hơn trong việc theo đuổi đam mê của mình. Phần lớn đều cố gắng thuyết phục gia đình dần dần, một số khác bốc đồng hơn, sẵn sàng... bỏ nhà ra đi nếu bị cấm đoán.
Nhớ lại những ngày đầu đi nhảy chuyên nghiệp, Châu, thành viên của vũ đoàn MTE đã từng bị bố mẹ đuổi khỏi nhà. "Ba mẹ làm vậy vì nghĩ rằng em sẽ không chịu được khổ mà quay về. Thế nhưng lúc đấy em cũng lì, ở nhờ nhà bạn và tiếp tục luyện tập, đi diễn. Sau hai tháng, ba mẹ mới gọi em về và đồng ý cho em tiếp tục công việc của mình." Châu kể.
Trong khi đó, với Yam Huỳnh, vì vào nghề từ khi còn là học sinh cấp 3, thế nên cô từng gặp không ít cấm cản từ phía gia đình. Không ít lần, cô vũ công này đã bị ba dọa... cho ra đường. "Khi ấy, em cố gắng làm tốt cả việc học lẫn đi diễn để lấy lòng người lớn. Thấy em làm tốt, dần dần mọi người cũng thay đổi thái độ." Yam Huỳnh vui vẻ chia sẻ bí quyết của mình.
Vũ công đang lên của giới hiphop Hà thành, kẻ đã thắng như trẻ tre ở thể loại free style trong hàng loạt cuộc thi lớn nhỏ năm 2011, Nguyễn Ngọc Thịnh cũng có thời bị gia đình cấm cản quyết liệt khi bén duyên với nhảy múa. Và dù không ít lần bị đốt áo, cắt giầy, thậm chí là cả những trận đòn thừa sống thiếu chết, thế nhưng anh chàng có biệt danh là Antei Nguyễn vẫn không thể nào "cai" được hiphop.
Cuối cùng, với sự giúp đỡ nhiệt tình của biên đạo Hà Lê, Thịnh mới được gia đình đồng ý cho ra Hà Nội để luyện tập, trau dồi thêm. Một thân một mình bơ vơ nơi xứ người ở tuổi 13, phải tự mưu sinh bằng những công việc nặng nhọc, thế nhưng hiện tại, sau 5 năm Bắc tiến, Antei Nguyễn đã trở thành một dancer đầy tài năng của làng hiphop Việt.
Không chỉ các vũ công tay ngang mới phải đối mặt với trở ngại từ phía gia đình, ngay cả những diễn viên múa dù được đào tạo bài bản cũng bị cha mẹ làm khó. Minh Hiền đến với múa được 8 năm, trong đó có 5 năm học tại trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau khi ra trường, bằng những nỗ lực của mình, Hiền được nhận vào một đoàn múa có tiếng, rồi dần tạo dựng được vị trí của mình, được đảm nhận vai trò soloist.
Mặc cho những thành công mà Hiền gặt hái được, cha của cậu vẫn chưa thể chấp nhận việc con trai mình là một vũ công. Là một sĩ quan quân đội, ông luôn tìm cách để đưa Hiền đến với cong đường binh nghiệp.
Tuy nhiên, may mắn cho Minh Hiền khi có một người mẹ luôn ủng hộ niềm đam mê của cậu con trai một. Không chỉ động viên con, tạo cơ hội cho con luyện tập, cô còn nhiều lần đóng vai trò cầu nối, đứng giữa hòa giải cho hai cha con Minh Hiền.
Từng là một nhà xã hội học, cô Hằng hiểu được rằng tốt nhất là nên cho con mình được sống với đúng đam mê của nó. Bởi "nó sẽ hạnh phúc khi được làm những công việc mà nó yêu thích và tâm huyết!".
Trao đổi cùng cô về việc vẫn còn quá nhiều ông bố bà mẹ có thành kiến với nghề nhảy múa, cô bảo: "Có lẽ, họ vẫn chưa thực sự hiểu được rằng thứ nhất, đây là một loại hình nghệ thuật và thứ hai, nó cũng là một nghề. Một nghề đáng được tôn trọng trong xã hội."
Khi được hỏi rằng liệu giới trẻ có dễ bị sa ngã khi theo nghề này hay không, cô Hằng vừa cười vừa trả lời: "Như Hiền nhà tôi, nếu không tập, không diễn thì nó chỉ có... ngủ. Vậy thì thời gian đâu mà sa ngã cơ chứ."
Cho đến bây giờ, thỉnh thoàng tôi vẫn nhớ lời "dặn dò" của bố ngày trước: "Tập trung vào mà học, đừng làm trò vô bổ nữa!". Quả thật, nếu như cha mẹ nào cũng có suy nghĩ như cô Hằng thì có lẽ, con đường sự nghiệp của các vũ công trẻ ở Việt Nam sẽ trở nên bằng phẳng hơn rất nhiều. Bởi trở ngại từ gia đình vẫn luôn là một trợ ngại lớn nhất và khó vượt qua nhất đối với nhiều người.
Ở Việt Nam, nguồn thu chính của các vũ công đến từ việc đi diễn. Với những người hoạt động trong vũ đoàn, thu nhập mỗi tháng là không ổn định. Hiện tại, với một sô ca nhạc bình thường, các vũ công được trả từ 80.000 đồng cho đến 150.000 đồng.
Đi diễn ở các event với bài vở được dàn dựng công phu hơn, cát sê khoảng từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng một người. Tháng nào diễn nhiều thì tiền nhiều và ngược lại. Thành viên nào lỡ gặp chấn thương thì coi như không lương tháng đó.
Trong khi đó, các diễn viên múa đang công tác tại các đoàn múa thì được trả lương hàng tháng. Nhưng vì là lương tính theo hệ số nhà nước nên cũng không cao, tính ra từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng. Ngoài ra, họ còn được nhận thêm từ việc đi diễn cho các chương trình. Mặc dù vậy, thu nhập hàng tháng cũng chỉ ở mức đủ sống, khó dư dả.
Một số vũ công giỏi còn có thể kiếm thêm nhờ việc đi dạy. So với đi diễn thì khoản tiền này vừa ổn định, lại vừa cao hơn hẳn. Ngoài ra, không ít người tiếp tục học thêm nghề khác để có một công việc "dự phòng", đảm bảo cho tương lai. |
Theo Linh Phạm
Vietnamnet