Bi-a, bia và... bi ai
Vẫn chỉ là ba chữ cái: A, B, I mà khi ghép lại thành không ít câu chuyện phức tạp trong giới sinh viên.
“Riêng nói về chơi bi-a thì bọn thành phố cũng không thể nói tài với bọn em được” - Việt Hoàng, chàng SV năm thứ hai nói với vẻ tự đắc khi đang “bắn” tại một quán bi-a gần khu ký túc xá Mễ Trì. Theo lời của mấy người bạn, tìm Việt Hoàng sau giờ lên lớp rất dễ, chỉ cần đến mấy bàn nỉ là thấy ngay.
Trong lúc bạn bè ngược xuôi lo học hành, làm thêm thì Việt Hoàng tìm được một cách tăng thu nhập cho mình bằng những lần đi đánh bi-a. Thời còn học phổ thông, Việt Hoàng đã “nếm” không ít “đòn” của bố vì chuyện trốn học để nhập vào thế giới mê hoặc của những đường cơ.
Chơi trò này phải có khiếu, không phải cứ chơi nhiều là có “chiêu” hay. Việt Hoàng được “trời” ban cho cái khiếu ấy, ở nhà thì bố mẹ còn “kiềm toả” chứ khi cậu lên học ĐH thì không còn ai cản được cậu nữa...
Ngay từ buổi đầu tiên xuất hiện ở quán bi-a này, các “con chiên” của quán đã bị các ngón quăng quật của Việt Hoàng mê hoặc. Mà cũng phải vào những quán bi-a có tiếng của Thủ đô như quán Núi Trúc, Sành Điệu, Tự Do, Nguyên Hồng... thì Việt Hoàng mới biết những đường cơ tuyệt luân của cậu được “dân” chơi gọi bằng những chiêu độc: “bốc đầu”, “trô giật”... chứ hồi còn ở quê, Hoàng gọi chung nó là những ngón “xin tiền”.
Từ chỗ đánh đơn, tự chọn cặp đến chỗ phân hoá thành từng trường phái thách thức nhau... Rồi thì một số nhóm cờ bạc biết đến tên tuổi Việt Hoàng, mỗi khi có thách đấu theo kiểu nhóm “đồng hương”, nhóm cùng lớp, hoặc chỉ đơn giản là tốp này thách với tốp kia họ liền mời Việt Hoàng tham gia.
Mãi về sau, khi cậu lộ chân tướng là anh chàng hay chạy “sô” nên nhiều “trận” không được nhóm đối thủ thừa nhận. Cậu đành quay sang gạ gẫm người chơi ở bất cứ chỗ nào có quán bi-a. Hôm nào nhìn thấy ví đối thủ có vẻ “sung túc”, Việt Hoàng còn “câu” bằng cách thua mấy ván liền rồi mới ra tay “cá kiếm”.
Thế giới bi-a không còn là trò riêng của phái mạnh. H.L - cô sinh viên xinh đẹp của Học viên Tài chính vì chơi bi-a quá sành và mê bàn nỉ hơn tất cả mọi thứ trên đời khiến anh chàng người yêu không chịu được đành phải đánh bài chuồn.
Nói đến những chuyện buồn từ “sòng” bi-a, sinh viên ĐH Nông nghiệp I Hà Nội vẫn hay nhắc tới T.K (quê Bắc Giang). Năm thứ nhất đại học, T.K là một anh bạn dễ mến, phong nhã hào hoa. Nhưng mải hút vào thế giới của bi-a rồi chuyển sang cờ bạc sát phạt lẫn nhau, T.K trở thành một kẻ khác hẳn.
Cậu có thể yêu, kết bạn lung tung, miễn là có thể “vay” được tiền để ném vào các “sòng” bi-a. Thoạt đầu, cô người yêu “thật” của K. tỏ ra nghi ngại vì K. hầu như không còn sĩ diện khi vay tiền người yêu nhiều lần mà không hề nhắc đến chuyện trả. Đến khi chuyện vỡ lở thì mới có nhiều bạn bè của hắn, cả những cô bạn mới chỉ quen sơ sơ... biết “bộ mặt” thật của gã sinh viên nghiện bi-a như ma tuý này.
Từ một sinh viên khá, K. trượt dần thành kẻ lưu ban rồi nghe đâu sắp bị nhà trường đuổi học.
Tuy chỉ là “cờ bạc kiểu sinh viên” nhưng tốc độ “bần cùng hoá” của những tay chơi bi-a nhanh đến chóng mặt. Ngồi một buổi chiều bên bàn bi ở ĐH Nông nghiệp I, tôi để ý một anh chàng có kiểu đầu nhuộm đỏ như diễn viên Hàn Quốc. Lúc ngồi ngoài uống nước, móc ví trả tiền thấy có dăm bảy tờ polyme loại mệnh giá 50.000 đồng.
Sau khi ghé vào “sòng” bi-a trở ra (khoảng chưa đầy hai tiếng), anh chàng chỉ còn một tờ duy nhất dùng để... ghi một con đề “giải đen”. Đứng dậy ra về, cậu phải xin ông chủ tiền chén trà vì trong ví đã rỗng tuếch.
Trong giới “ét-vê” còn thì thầm vào tai nhau về một vài sinh viên con “quan” có lần thua bi-a mất cả mấy chục triệu. Việt Hoàng, một tay chơi của ĐH Kiến trúc, phát biểu: “Bất cứ chỗ nào có bi-a là có cờ bạc. Sinh viên thường chơi “bi-a tá lả” vì nó đơn giản và dễ chơi”.
Những chuyện phức tạp trong giới sinh viên vốn đa diện nhiều chiều, kể sao cho hết. Hải Hà, sinh viên ĐH Ngoại Ngữ kể: “Tôi có một đứa bạn cùng lớp gần một năm nay không phải xin tiền nhà nhờ vào việc… chơi lô chơi đề!” Còn Sơn Ngọc (học rất khá) lại tuyên bố xanh rờn: “Cờ bạc ấy à, không thử tý cho biết thì cuộc đời đến bao giờ mới khá lên được?! Nếu vừa chơi thể thao mà lại có thể cá cược được nữa thì càng thú vị, vì nó sẽ tạo động lực để có thêm niềm say mê...”.
Có một sự thực là trong thế giới của những trí thức tương lai đang tồn tại một lối sống dửng dưng trước sa ngã của bạn bè, ham thích những trò đen đỏ trên những đồng tiền bố mẹ chắt chiu. Họ là típ người từ chối tương lai? Biết bao giờ thì những chuyện bi ai của các “sòng” bi-a mới tới hồi kết.
Theo Nguyễn Hồng Hải
Giáo Dục và Thời Đại