“Bệnh” mới của sinh viên: Cô đơn!

Thụy, sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bao năm qua vẫn “một cõi đi về” khi chưa có ai đến gõ cửa trái tim. Khuôn mặt dễ thương, đôi mắt tròn xoe của cô nàng lúc nào cũng hiện lên một nỗi buồn man mác khó tả.

Tối thứ bảy, trong khi bạn bè có đôi cả thì Thụy "ôm gối trên giường xem ti vi, đọc báo, rồi lăn ra ngủ. Lắm lúc không ngủ được lại ngồi dậy suy nghĩ. Cuộc đời sao cô đơn quá, không có người yêu, bạn bè cũng thiếu nốt, tìm một đứa tâm sự khi buồn cũng không".

 

Ai cũng bảo sinh viên hiện nay rất năng động, tự tin. Điều đó đã thể hiện ở nhiều khía cạnh của xã hội. Nhưng có một “căn bệnh” mới của sinh viên hiện nay: Cô đơn!

 

Vũ (ĐH Kỹ thuật Công nghệ), sau những giờ lên học đường lại cưỡi xe lên thư viện. Hôm nào thư viện không mở cửa, cậu tạt ngay vào quán net "chát chít" với... khắp mọi miền. Ngày lễ hay ngày nghỉ, cậu một mình dạo phố và... ngắm nghía xe cộ. Không một người bạn sẻ chia, cậu cứ lặp lại điệp khúc buồn ấy và chỉ mong sao mau đến Tết hay nghỉ hè để "tháo chạy" về với gia đình ở mãi tỉnh Hòa Bình.

Từ vùng quê Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) lên TPHCM, Uyên vừa học năm nhất ở Học viện Hành chính Quốc gia, vừa học năm 3 ở ĐH Văn Hiến. Dù học hai trường, việc học tập và sinh hoạt rất bận rộn nhưng lúc nào Uyên cũng thấy cuộc sống sao buồn quá! Năm 1 ở trường mới chưa quen lẫn thuộc tên các bạn trong lớp là chuyện thường, nhưng năm 3 ở trường cũ cũng vậy khi Uyên bảo: "Mình chỉ chơi với một vài người thôi!". Các hoạt động Đoàn, giao lưu văn nghệ dường như vẫn chưa có sức lôi cuốn cô SV này.

Thu (ĐH Văn Hiến) lại rơi vào hoàn cảnh éo le khác. Bạn nữ này vốn kín tiếng, lầm lì suốt ngày nên có rất  ít bạn. Tuy nhiên, mọi "động tĩnh" của lớp, Thu lại lên "mật báo" với cán bộ khoa. Bạn bè bị mời lên "uống nước trà, nghe giáo huấn". Thế là phong trào "không chơi với Thu" lan rộng ra khắp lớp. Giờ ra chơi, bạn bè trong lớp tụm năm, tụm ba nói cười vui vẻ thì Thu "một mình một bóng" lẳng lặng lên thư viện đọc báo hay thu mình trong một góc nào đó.

Liều thuốc cho cô đơn

Bạn trẻ ước mơ gì?

 

- 82,6% thanh, thiếu niên Việt Nam mong có gia đình hạnh phúc.

-  77,4% mơ có việc làm yêu thích

- 77,7% thích làm điều mình muốn.

 

(Theo điều tra quốc gia về thanh thiếu niên của Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Unicef)

Nếu như Thụy, Vũ... đến giờ vẫn chưa chữa được "bệnh", với những tiếng thở dài, ánh mắt nhìn xa xăm thì có nhiều bạn đã thoát khỏi tình trạng này.

Uyên đã có bạn khi ở trọ chung với Tâm (Học viện Ngân hàng). Người quê Bến Tre, kẻ ở Vũng Tàu nhưng từ khi chuyển đến, hai người đã thấy "hợp cạ" nhau. Thế là "từ phương trời chẳng hẹn quen nhau", Uyên đã tìm được một người tri âm để sẻ chia và tâm sự. Dần dà, cảm giác trống vắng trước đây đã nhường chỗ cho một tình bạn nảy nở.

Còn Thu (ĐH Văn Hiến) giờ đã tham gia tích cực các hoạt động Đoàn, Hội và nhất là CLB thư pháp, văn học của khoa. Tại những nơi này, Thu đã gặp những người bạn mới, những niềm vui mới. Rút kinh nghiệm những lần trước, Thu trở nên dạn dĩ, chân thành và cởi mở hơn với bạn bè. Bạn bè cũng cảm thông với cá tính "trẻ con" ngày xưa của Thu. Lớp cô nàng vừa cắm trại ở Vũng Tàu, chính Thu là cây văn nghệ "đinh" với ca khúc Lòng mẹ ngọt ngào và da diết.

Theo PGS.TS Trần Tuấn Lộ, Trưởng khoa Tâm lý học (ĐH Văn Hiến TPHCM),  vấn đề cô đơn trong xã hội nên hiểu theo hai nghĩa hẹp và rộng. Thứ nhất, nghĩa hẹp có liên quan đến tình yêu. Chưa có người yêu là một trạng thái tâm lý do chưa gặp, bị từ chối... gây nên cô đơn. Thứ hai, nghĩa rộng là trạng thái do ít người hoặc không ai hiểu mình. Họ cảm thấy lẻ loi, cuộc sống không hòa nhập được, cô độc. Do tâm lý họ khép kín (hướng nội nhiều), nhu cầu - năng lực hướng ngoại kém. Có khi họ phạm sai lầm, bị xã hội từ chối...

Với vai trò của một thủ lĩnh sinh viên, anh Phạm Quang Dũng, Bí thư Đoàn kiêm Chủ tịch Hội SV ĐH Giao thông vận tải cho biết: "Mình cũng từng rơi vào trường hợp cô đơn như thế khi là cậu SV năm nhất từ An Giang lên TPHCM nên rất hiểu. Theo mình, đây là cảm giác của đa số SV mới vào trường". Theo Dũng, các hội thao, giao lưu văn nghệ giữa SV mới - cũ là rất cần thiết. "Mình tin với nỗ lực chung của Đoàn, Hội, SV sẽ ý thức tham gia để triệt tiêu căn bệnh này" - Dũng khẳng định.

Anh Phạm Tăng Lộc, Phó bí thư Đoàn kiêm Chủ tịch Hội SV ĐHKHXH&NV TPHCM cũng đồng tình với ý kiến trên, khi vai trò của Đoàn - Hội rất cần thiết để SV không còn cảm giác cô đơn nữa. Tại đây cũng tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi để thu hút SV tham gia. CLB Sống đẹp trực thuộc Thành Đoàn của trường là địa chỉ để bạn trẻ tìm đến.

Ngoài ra, các hoạt động xung kích vì cộng đồng, những hoạt động thanh niên như Mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, SV 3 tốt sẽ đưa ra những tấm gương tiêu biểu, giúp SV xích lại gần nhau hơn.

Theo Phạm An Hòa
Thanh Niên