Bè phái nơi giảng đường

“Lớp chỉ bằng phân nửa hồi cấp III nhưng cứ rệu rã như chẳng phải là lớp. Học chung gần hai năm rồi mà có khi người ngoài hỏi quê một đứa trong lớp thì người được hỏi mặt cứ nghệt ra vì cũng chẳng rõ; có đứa còn chỉ nói chuyện với nhau một vài lần”, Lam cho biết.

Lớp của Lam (PVBC&TT) chỉ có 32 người nhưng sơ sơ đã chia làm bốn nhóm được thân mật đặt tên là nhóm “Ký túc xá”, nhóm “Tư sản”, nhóm “Bàn đầu”, nhóm “Hai bàn giữa”. Lam thuộc vào nhóm ký túc xá và đang ở trong ký túc.

 

“Nhảy cóc” vào lớp của Lam, Hường thực sự ngạc nhiên. Lớp có hai dãy bàn đều nhau nhưng một bên chỉ có 11, 12 người ngồi, trong khi bên kia gần như là gấp đôi.

 

Thầy cô giáo nào vào lớp cũng thắc mắc vì nhìn lớp cứ trống trống, nhưng nếu có giáo viên nào đề nghị người ở nhóm này sang ngồi bên kia thì họ sẽ tìm đủ mọi lý do để từ chối hoặc miễn cưỡng sang ngồi một vài tiết đầu rồi đâu lại vào đó.

 

Không hiếm sinh viên vào đại học không tìm được cho mình một người bạn. Hoặc là thân với một vài người, hoặc là nhảy đại vào một nhóm nào đó cho đỡ buồn.

 

Rồi nhóm ở ngoài thì không ưa nhóm ở trong KTX. Ngược lại nhóm KTX, nhóm nhà lá, nhóm vườn lại xì xầm về lối sống của những “sinh viên quý tộc” mà mỗi lần lên sàn nhảy thì mỗi đứa rút ví không dưới 300 nghìn đồng và lúc nào cũng sẵn những chiếc điện thoại đời mới, xe máy thời thượng…

 

Cứ thế, lớp tưởng vui mà lại không vui, những thành viên trong lớp ngoài mặt cố tỏ ra bình thường nhưng trong lòng lại dửng dưng, ngoài nhóm của họ ra không cần biết đến ai nữa hết, thậm chí gặp nhau trên giảng đường cũng không thèm chào nhau. Chỉ khổ thân lớp trưởng và bí thư chi đoàn, cứ mỗi lần muốn tổ chức cho lớp đi chơi đâu đó là lại loạn hết cả óc lên vì tìm địa điểm và đóng tiền.

 

Nhóm “quý tộc” quan niệm “ăn chơi thì sợ gì tốn kém” nên hét: “Mỗi đứa 300 nghìn”. Lập tức tiếng phản đối rộ lên cùng những cái nguýt dài của thành viên nhóm khác: “Ăn cướp ra tiền chắc, 100 nghìn thôi, đi đâu gần gần”. “Thế thì đi làm gì, ở nhà ngủ cho nó sướng”, một thành viên của nhóm “quý tộc” hùng hổ.

 

Cứ thế lớp ào lên như cái chợ vỡ, địa điểm nhóm này đồng ý thì nhóm kia lại phản đối, theo nhóm kia thì lại có nhóm xị mặt ra tuyên bố bỏ cuộc. Cuối cùng giải pháp tối ưu nhất bao giờ cũng là không đi nữa, ai muốn đi thì tự lo lấy mà đi.

 

Chính vì thế mà sinh viên suốt bốn, năm năm học đại học chỉ có một cái ảnh chung duy nhất của cả lớp khi mới chân ướt chân ráo nhập trường để thỉnh thoảng lôi ra chỉ cho bạn: “Lớp mình đó. Chán như con gián”.

 

Theo H.V
Tiền Phong