Bắt sóng tình yêu kiểu... Thổ Nhĩ Kỳ

Erdem Aslan, 24 tuổi, SV Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất đang học tại ĐHQG Hà Nội chuyên ngành Công nghệ thông tin, chia sẻ về lối sống, tình yêu của giới trẻ tại quốc gia có hơn 90% dân số theo đạo Hồi.

Bạn đến Việt Nam lâu chưa? Tại sao lại chọn Việt Nam để học?

 

Tôi đến Việt Nam được 5 năm rồi. Tôi rất thích Việt Nam vì mọi người hay cười nói, thân thiện và quý mến người nước ngoài. Tôi rất khoái khi dù không quen biết, nhưng họ vẫn gọi mời “vào đây, vào đây”. Nhiều năm sống ở Việt Nam, tôi chưa phải cãi nhau với ai dù rất nóng tính.

 

Tôi thấy Việt Nam có văn hoá giống Thổ Nhĩ Kỳ, đều trọng người già, trẻ nhỏ và trọng tình đoàn kết, xem gia đình là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Ở nước tôi, nếu không có gia đình bạn sẽ không thể làm được gì tốt.

 

Khi bắt đầu học tiếng Việt bạn cảm thấy thế nào?

 

Tôi muốn quay về Thổ Nhĩ Kỳ. Dù cô giáo, thầy giáo ở khoa tiếng Việt trường ĐH KHXH&NV TPHCM nơi tôi học rất quan tâm. Sau 2 tuần học tiếng đầu tiên, tôi vẫn vật lộn với từ xin lỗi, viết được nhưng nói không ai hiểu.

 

Tôi thực sự nản chí. Tôi gọi điện về nói chuyện với bố mẹ: Con đã đến Việt Nam rồi, gia đình đã giúp đỡ nhiều, nhưng con không nói được tiếng Việt vì khó quá. Con muốn về. Bố tôi trả lời: Tuỳ con.

 

Sau đó bố liên lạc với bạn làm việc ở Việt Nam nhờ giúp đỡ. Bạn bố tôi đến trường hỏi thầy cô về khả năng học tiếng Việt của tôi. Thầy cô khẳng định tôi sẽ nói tiếng Việt tốt và khuyên gia đình không nên để tôi quay về nước.

 

Thầy giáo nói tôi có khả năng bắt chước, không ngại nói nên sẽ học được tiếng Việt (hồi ở trong nước tôi từng làm diễn viên trên sân khấu 2 năm, hay bắt chước, nhái giọng). Một tháng sau tôi bắt đầu học khá hơn, tự tin hơn và quyết định ở lại.

 

Bắt sóng tình yêu kiểu... Thổ Nhĩ Kỳ - 1
Erdem Aslan. 

 

Yêu là đính hôn

 

Theo bạn, giới trẻ Việt và Thổ Nhĩ Kỳ có gì khác nhau trong biểu lộ cảm xúc, tình yêu không?

 

Hồi mới đến, tôi rất ngạc nhiên khi thấy các đôi nam nữ ở Việt Nam ôm hôn nhau, biểu lộ tình cảm ngay nơi công cộng như công viên, đường phố. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, yêu theo kiểu đạo Hồi, các bạn không ôm nhau, hôn nhau trên đường. Nếu yêu một ai đó, họ thường để trong lòng nhiều hơn là biểu lộ cảm xúc để người khác biết.

 

Không biểu lộ cảm xúc sao bắt được sóng tình?

 

Nếu si mê ai đó, bạn trẻ Thổ Nhĩ Kỳ tìm mọi cách để lấy nhau luôn. Họ không kéo dài thời gian yêu. Ở Thổ Nhĩ Kỳ có phong tục bố mẹ không muốn con gái mình đi gặp những người con trai.

 

Họ cho phép người con trai đến thưa chuyện hỏi yêu con gái họ. Nếu con gái họ thuận yêu sẽ được cho phép đăng kí kết hôn luôn, vài năm sau đó cưới cũng không sao. Bạn trẻ ở nước tôi thường không giấu được bố mẹ chuyện tình cảm, yêu đương.

 

Lễ đính hôn và đám cưới ở nước theo Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ có gì khác biệt không?

 

Ngày lễ đính hôn đã rất đặc biệt. Hai nhẫn được nối với nhau trên một sợi dây đỏ, người lớn trong gia đình hai họ tổ chức lễ cắt dây đeo nhẫn cho đôi bạn trẻ, tiếp sau đó là tiệc mừng.

 

Đám cưới diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên chuyển đồ của cô dâu sang nhà trai cùng tiệc tùng. Ngày thứ hai, thanh niên trong làng thi chạy từ nhà chú rể đến nhà cô dâu, ai về đích đầu tiên sẽ nhận được quà của chú rể. Ngày thứ ba rước cô dâu về nhà chú rể.

 

Trong suốt ba ngày, cả cô dâu, chú rể đều cùng nhau nhảy múa, ăn mừng với bạn bè, gia đình. Đám cưới thường tiêu tốn rất nhiều tiền.

 

Cảm ơn bạn

 

Theo Hải Yến

TPO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm