Bắt mạch “bệnh ì” của công chức trẻ
Khi bắt mạch căn bệnh này, nhiều thành viên trên diễn đàn thống nhất, đối tượng “bị bệnh” chủ yếu là công chức nhà nước, trong đó, phụ nữ chiếm đa số. Nguyên nhân dẫn đến “chứng bệnh ì” cũng khá đa dạng...
“Vắng cô thì chợ vẫn đông”
Lịch làm việc của Minh hai năm nay cứ trình tự là, buổi sáng tới cơ quan vừa ăn sáng vừa lướt web xem đủ các thể loại tin tức, văn hóa xã hội đến gần chín giờ. Sau đó đủng đỉnh làm việc đến mười một giờ thì ngừng lại chơi game đến tận giờ ăn trưa...
Ngủ trưa xong, cô lại dậy lướt web cho tỉnh ngủ, rồi thong thả làm nốt công việc. Tầm bốn giờ lại tranh thủ chơi games trong lúc chờ hết giờ để đi về...
Trong suốt thời gian nhẩn nha làm việc, Minh không bỏ qua bất cứ đề tài "buôn dưa lê" nào trong phòng. Phòng làm việc của Minh lúc nào cũng sực nức mùi hoa quả chín, mùi thức ăn...
Công việc được giao, vốn đã sẵn kinh nghiệm nên chỉ cần sử dụng chưa đến một nửa thời gian trong ngày là cô có thể làm xong. Thậm chí, có lần bị ốm nặng, nghỉ suốt một tuần ở nhà nhưng cũng chẳng có cú điện thoại nào gọi đến hỏi về công việc. Đến lúc Minh đi làm, vẫn thấy mọi việc "chạy" đều... Thế là Minh bắt đầu có tâm lý "vắng cô thì chợ vẫn đông", chán nản, tự ti và hay cáu bẳn.
Cô bắt đầu làm việc một cách trễ nải hơn, không muốn nỗ lực, không có nhu cầu thăng tiến và tránh tất cả những cuộc gặp gỡ, hội hè với bạn bè thời đại học. Những báo cáo công việc hàng tuần của cô, nhiều khi nộp chậm cũng không thấy có ai nhắc nhở, phê bình. Những "công to việc lớn" hay các sự kiện đình đám mà cơ quan tổ chức hoặc tham gia Minh đều không hay biết và chẳng mấy quan tâm nếu không có ai đó trong phòng vô tình kể lại.
Đem tâm trạng của mình ra chia sẻ với một cô bạn thân, Minh được biết cô bạn cũng đang trong cảnh ngộ tương tự, đó là thấy mình tụt hậu so với thời cuộc nhưng không biết làm gì để thay đổi.
Tốt nghiệp Học viện Tài Chính nhưng không xin được đúng chuyên ngành nên cô bạn của Minh được chồng xin cho vào làm việc văn phòng cho một cơ quan Trung ương. Ngoài thời gian chăm sóc gia đình và lên cơ quan cho đúng giờ, cô được thảnh thơi ra ngoài lượn lờ các shop thời trang, cùng nấu nướng, nhậu nhẹt với chị em trong phòng.
Vốn có chút khiếu văn nghệ, cơ quan lại thường xuyên tổ chức giao lưu, kêt nghĩa với các đơn vị cơ sở nên cô thường xuyên được cử làm MC, suốt ngày lo tập tành, rút kinh nghiệm... Từ ngày đi làm, cô cũng tránh gặp lại bạn học cũ vì không biết sẽ trả lời thế nào nếu chẳng may có người hỏi "chuyên môn chính bây giờ là gì?"...
Tuy nhiều lúc bất mãn vì túi tiền eo hẹp so với bạn bè làm Tài chính ở các doanh nghiệp và thấy mình thừa thãi, vô dụng trong cơ quan nhưng để "bung" ra thì cô lại e ngại sợ không theo kịp lớp trẻ mới ra trường vì "vừa ăn, vừa chơi bao năm nay quen mất rồi".
Cô tâm sự, cả phòng có lần vui chuyện đã đặt ra phương châm tám chữ vàng "Đui, mù, điếc, lác", "Ngậm miệng ăn tiền" (tiền lương) để sống và làm việc.
“Bắt mạch” bệnh ì
Trên topic "có tình trạng gọi là bệnh ì trong cuộc sống không?" (diễn đàn webtretho), thu hút đông đảo thành viên tham gia, bạn tranlangtu kể lại câu chuyện:
"Ông chú tôi là tiến sĩ bên Pháp về công tác tại Viện Khoa học, gặp một cô trẻ trung hồn nhiên khoe: chúng em làm nhàn lắm bác ạ, đi muộn một tí chẳng sao, chả có việc gì làm, trưa tranh thủ đi chợ nấu cơm ngon canh ngọt cho gia đình, thấy bác đúng giờ quá đâm ra bọn em ngại!
Ông chú đành lắc đầu và hay kể lại như một minh chứng cho sức ì của nền kinh tế Việt Nam bắt nguồn từ lối làm việc này. Có thể phần nào ông chú chưa hiểu rõ thực tế, nhưng rõ ràng cách làm việc này tạo sức ì của cả một bộ máy chứ không chỉ riêng cho các cá nhân".
Khi bắt mạch căn bệnh này, nhiều thành viên trên diễn đàn thống nhất, đối tượng "bị bệnh" chủ yếu là công chức nhà nước, trong đó, phụ nữ chiếm đa số. Nguyên nhân dẫn đến "chứng bệnh ì" cũng khá đa dạng, do môi trường, thói quen, do tính cách...
Chấp nhận làm trái nghề để có thời gian chăm sóc chồng con, Nguyệt đã "chia tay" với công việc bận rộn ở sân bay để về làm ở một tòa án cấp quận. Chuyển từ môi trường bận rộn, năng động, thường xuyên phải làm tăng ca về một cơ quan nhà nước ổn định, Nguyệt không khỏi ủ ê, bứt rứt, thừa chân, thừa tay.
Bởi vì, để giải quyết những công việc vặt vãnh không tên trong cơ quan, cô chẳng cần phải vận dụng đến những kiến thức được đào tạo từ trường Luật. Hơn nữa, phòng làm việc của Nguyệt có tới mười lăm người, trong lúc chỉ cần năm, sáu người là công việc cũng đủ trôi chảy. Thế là cô đành an ủi, nhờ rảnh rỗi như vậy nên mới có thời gian chăm sóc gia đình và chấp nhận lấy hạnh phúc gia đình làm mục đích cuộc sống.
Cô cho biết, so sánh với các bạn học, thì đa phần, những người mắc chứng ì như cô đều do thời gian dài làm ở công ty Nhà nước. Môi trường ổn định, thu nhập ổn định nên dễ nảy sinh tâm lý "an phận", ngại phấn đấu. Bước từ môi trường kinh doanh năng động sang cơ quan hành chính nhà nước, cô càng thấy rõ mình như một cỗ máy già nua, ì ạch và chậm chạp.
Thuốc chữa “bệnh ì”
Tuy nhiên, ý muốn thay đổi chỉ manh nha trong Nguyệt bắt đầu từ khi hai đứa con đến tuổi đi học, được gửi bán trú và cô có thời gian rảnh rang cho riêng mình. Mãi đến lúc đó, Nguyệt mới tá hỏa nhận ra, lâu nay mình không còn giữ bất kỳ mối liên hệ nào với bạn bè bên ngoài và suốt cả năm trời, ngoài chồng con, cô chẳng còn gọi điện hay nhận điện thoại của ai khác.
Đặc biệt, mỗi khi ngồi nói chuyện phiếm với chồng, ý kiến cô đưa ra toàn bị chồng gạt đi vì cho là "biết gì mà nói". Thế là Nguyệt nung nấu ý định cải thiện tình trạng ì, nhưng lại băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu. Đổi việc một lần nữa thì cô không dám mạo hiểm nhưng cô cũng biết mình khó lòng tiếp tục làm những việc không tên như lâu nay suốt mấy chục năm còn lại.
Những người "thức tỉnh" căn bệnh ì như Nguyệt nếu không tìm ngay ra giải pháp lại dễ rơi ngay vào một căn bệnh khác, đó là loay hoay, lúng túng để tìm hướng giải thoát. Có những người dũng cảm tìm được hướng đi riêng, nhưng không ít lại rơi vào căn bệnh khác nặng nề hơn, đó là trầm cảm vì bế tắc.
Ngay cả với Minh, cô vẫn nhớ rõ, nhiều năm trước cô đã vạch ra rất nhiều chiến lược thay đổi, thậm chí kiên quyết thực hiện nhưng cứ lần lữa mãi. Nào là, tranh thủ thời gian rảnh rỗi ở cơ quan để đi "bổ túc" kiến thức Ngoại ngữ, tin học mong tìm một cơ hội khác... Nào là xoay xở xin đi học Thạc sĩ nâng cao trình độ. Nhưng rồi, rà soát lại kiến thức, tự thấy mình cao chưa tới, thấp chưa qua, Minh lại thêm băn khoăn không biết phải nên chọn cho mình một khóa ngoại ngữ nào vừa hợp túi tiền, vừa hợp trình độ. Và đến nay, cô vẫn duy trì lịch làm việc đều đều như cũ trong lúc loay hoay đi tìm một con đường...
Cô bạn Minh thì nhất quyết chọn hướng giải quyết khác. Tranh thủ sự ủng hộ của chồng, cô thỉnh thoảng lại xung phong đi vùng sâu vùng xa mỗi khi cơ quan có lịch trình công tác, thay vì viện cớ để trốn ở nhà như trước kia...
Đi nhiều, mở rộng tầm mắt, cô bắt đầu tiếc mấy năm ì ạch vừa qua. Và mỗi lần đi về, cô lại háo hức chuẩn bị cho chuyến đi mới sắp tới.
Theo Lê Nhung
Vietnamnet