Bao giờ Việt Nam có giải Nobel?
Vấn đề được đặt ra sớm quá chăng? Đúng thế, sớm quá! Trong vài ba chục năm đầu thế kỷ 21, trừ trường hợp ngoại lệ đột xuất, khó có thể một người Việt Nam nào giành được phần thưởng khoa học “cao siêu” như thế. Nhưng, sao chúng ta không được quyền nuôi kỳ vọng?
Trung Quốc - nước bạn phương Đông gần gũi - từ năm 1998, đã bắt đầu thực hiện kế hoạch Công trình sáng tạo mới với những bước đi cụ thể, những khoản đầu tư thích đáng, nhằm hướng tới giải thưởng Nobel, huy chương Fields.
Mặc dù có những mặt hạn chế, Khổng giáo hơn hai nghìn năm qua đã ra sức đề cao lòng hiếu học và tinh thần hào kiệt. Tinh thần ấy được thể hiện ở bốn mặt: Xả thân vì nghĩa lớn; trau dồi chính khí hạo nhiên (giàu sang không thể quyến rũ, nghèo hèn không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục); hùng tâm tráng chí ngang trời dọc đất dựng vĩ công đại nghiệp; sáng tạo khai phá, không chịu để lề thói cũ trói buộc.
Chiến lược Khoa giáo hưng quốc, bao gồm cả việc hướng tới giải thưởng Nobel, huy chương Fields, đang được Trung Quốc triển khai. Nhà khoa học cần có tư tưởng đúng, chí khí lớn, có tinh thần hào kiệt thì mới mong vươn tới đỉnh cao. Duy ý chí là sai. Nhưng nuôi chí lớn là đúng.
Từ lúc còn là một học sinh xuất sắc đến khi trở thành một nhà bác học hàng đầu, là cả một con đường thiên lý xa tít mù khơi! Biết bao nhiêu chông gai trên con đường dài dằng dặc ấy! Sự cạnh tranh và chọn lọc tự nhiên chưa bao giờ kém khốc liệt cả! Các học sinh giỏi toán thời ấy, về sau, hầu hết đã trở thành tiến sĩ, một số là tiến sĩ khoa học, phó giáo sư, giáo sư, nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới. Như thế cũng đáng mừng lắm rồi. Nhưng chưa ai đạt được đỉnh cao chót vót: Giải thưởng Nobel, huy chương Fields. Và đó là điều có thể lý giải.
Cho đến nay, đã có 6 nhà bác học mang dòng máu Trung Hoa được tặng giải thưởng Nobel về vật lý, hoá học: Lý Chính Đạo (Tsung-Dao Lee), Dương Chấn Ninh (Chen Ning Yang), Đinh Triệu Trung (Samuel Chao Chung Ting), Lý Viễn Triết (Yuan Tseh Lee), Chu Đệ Văn (Steve Chu) và Thôi Kỳ (Daniel C. Tsui). Và 1 người được tặng huy chương Fields: Khâu Thành Đồng (Shing Tung-Yau). (Đó là chưa kể ông Cao Hành Kiện - một người Hoa sống ở Pháp - được tặng giải thưởng Nobel Văn chương).
Nhưng tất cả các nhà bác học về khoa học chính xác gốc Hoa vừa nhắc tới ở trên đều sống và làm việc tại Mỹ, được cộng đồng khoa học thế giới biết tiếng qua họ tên đã được "Mỹ hoá" (mà tôi ghi trong dấu ngoặc đơn). Hiện tượng ấy cho thấy: Bộ óc của người Trung Hoa hoàn toàn có thể đạt tới đỉnh cao nhất của khoa học chính xác. Nhưng, đồng thời, cũng cho thấy: Nếu những bộ óc đó làm việc ở lục địa Trung Hoa hay Hồng Kông, Đài Loan, trong các phòng thí nghiệm chưa phải là tiên tiến nhất, không khí nghiên cứu chưa phải là thuận lợi nhất, thì vẫn chưa thể đạt tới những thành tựu đột phá.
Chính vì thế mà ngày nay, Trung Quốc mới ra sức cải thiện điều kiện làm việc cho các nhà bác học ở trong nước. Bên cạnh việc nêu cao "hùng tâm tráng chí", nước bạn đang thực hiện kế hoạch Công trình sáng tạo mới, ra sức thiết lập cơ chế vận hành mới, mở cửa, cạnh tranh, ưu tiên về đãi ngộ, đánh giá công trình theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng 8 cơ sở nghiên cứu trọng điểm được trang bị tối tân, tuyển chọn minh bạch, công bằng theo các tiêu chí chính xác 100 nhân tài người Hoa trẻ tuổi ở trong nước và cả ở nước ngoài để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ mũi nhọn.
Số người này mỗi người được nhận 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 4 tỉ đồng Việt Nam) cho 3 năm đầu nghiên cứu. Số tiến sĩ dưới 35 tuổi được trợ cấp mỗi người 80 nghìn nhân dân tệ (160 triệu đồng Việt Nam) trong ba năm. Đang đào tạo 1.000 nhà khoa học trẻ xuất sắc để lãnh đạo nền khoa học Trung Quốc trong thế kỷ 21. Sau năm 2005, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc sẽ có 30 nghìn người được lựa chọn kỹ càng để đưa vào biên chế và 30 nghìn người khác làm việc theo hợp đồng. Năm 2004, những người lãnh đạo các viện nghiên cứu tuổi dưới 45 đã chiếm hơn 60% tổng số...
Lực lượng khoa học đông đảo và có tổ chức chặt chẽ đó chính là mảnh đất làm nảy sinh những tài năng sáng tạo kiệt xuất, giành giải thưởng Nobel, huy chương Fields cho Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Tác giả - nhà báo Hàm Châu (phải), phỏng vấn nhà vật lý Mỹ từng đoạt giải thưởng Nobel Jack Steinberger. |
Mới đây, nhà bác học người Hoa Dương Chấn Ninh đã lưu ý mọi người về hiện tượng hai năm liền hai nhà bác học người Hoa được tặng giải thưởng Nobel về vật lý: Chu Đệ Văn - năm 1997 và Thôi Kỳ - năm 1998. Ông đánh giá rất cao tình hình phát triển cực kỳ mau lẹ của nền khoa học và công nghệ ở lục địa Trung Hoa mấy thập niên gần đây, một kỳ tích trong lịch sử nhân loại mà chỉ có thời Minh Trị Thiên hoàng ở Nhật Bản mới so sánh nổi.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trong nước nên chú ý nhiều hơn đến việc lập ra những "trung tâm nghiên cứu ở cấp siêu việt thế giới", chứ không phải chỉ làm những việc tương đối dễ dàng. Theo ông, việc các nhà khoa học lục địa Trung Hoa giành giải thưởng Nobel chỉ là vấn đề thời gian, rất có thể xảy ra trong vài thập niên đầu của thế kỷ 21. Ông hy vọng mình có thể sống đến ngày ấy...
Có lẽ cũng nên nói thêm điều này: Hàn Quốc hiện cũng đang phấn đấu rất "dữ dằn" nhằm giành cho được giải thưởng Nobel, huy chương Fields. Họ tràn đầy ý chí, mà lại rủng rỉnh tiền để chi cho công việc tốn kém này. Từ năm 1993, Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết Châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Center for Theoretical Physics, viết tắt là APCTP) đã được thành lập tại Seoul, tạo điều kiện tốt nhất để nghiên cứu vật lý lý thuyết và đào tạo các tài năng vật lý trẻ cho các nước thành viên, tất nhiên, trước hết là cho nước sở tại Hàn Quốc. Giáo sư Dương Chấn Ninh - người Mỹ gốc Hoa, giải thưởng Nobel - được bầu làm Chủ tịch trung tâm này.
Hội đồng tổng hợp được lập ra để giúp Chủ tịch Dương Chấn Ninh, gồm 17 thành viên, do Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu - người Việt Nam - đứng đầu. APCTP hiện có 10 nước và lãnh thổ thành viên: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Có người cho rằng, mảnh đất càng cằn cỗi thì thiên tài càng phát triển mạnh! "Luận điểm" ấy có thể đúng ở một vài trường hợp, trong một vài lĩnh vực, như văn học chẳng hạn. "Mảnh đất cằn cỗi" của cuộc nội chiến ở Nga hồi đầu thế kỷ 20 đúng là "đất dụng võ" của Mikhail Sholokhov, khi ông viết nên bộ tiểu thuyết sử thi kiệt tác Sông Đông êm đềm, được tặng giải thưởng Nobel Văn chương năm 1965. Nhưng sẽ không còn đúng nữa, nếu ta dùng "luận điểm" ấy để khảo sát lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ hiện đại. "Khái quát hoá vội vàng" dễ dẫn tới chỗ quả quyết một cách vũ đoán...
Việc giành được giải thưởng Nobel về vật lý, hoá học, sinh lý học - y học hay huy chương Fields về toán học phụ thuộc chủ yếu vào sự lớn mạnh của cả đội ngũ đông đảo các nhà khoa học ở trình độ cao, trên cơ sở một nền kinh tế phát triển, một nền khoa học tiên tiến của cả một đất nước, chứ không phải chỉ vào sự cố gắng lẻ loi "đơn thương độc mã" của dăm ba chàng kỵ sĩ ruổi ngựa trên hoang mạc gọi là "khoa học". Chính vì vậy, trong thế kỷ 20, Mỹ là nước giành được nhiều giải thưởng Nobel nhất, chứ không phải ở những "mảnh đất cằn cỗi"!
Theo Hàm Châu
Báo Lao Động