Báo động ngôn ngữ mạng xã hội của Gen Z: Văng tục "thả ga"

Văn Hiền

(Dân trí) - Xa rời đời sống thực, "chửi bới", văng tục "thả ga" trên mạng xã hội là thực trạng đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay. Văn hóa "ngôn ngữ mạng xã hội" của Gen Z cần được bàn đến một cách nghiêm túc.

"Sốc" vì tiếng Việt bị biến dạng

Đi cùng với tốc độ phát triển quá nhanh của internet, các trang mạng xã hội và việc hấp thu các yếu tố của ngôn ngữ nước ngoài là điều tất yếu. 

Nhu cầu muốn thể hiện bản sắc, cái tôi riêng dẫn đến ngôn ngữ "chat", tiếng lóng đã xuất hiện trong quá trình giao tiếp và ngày càng có xu hướng lan rộng trong giới trẻ ở cả thành thị và nông thôn, trở thành nỗi lo, thực trạng đáng buồn trong xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Sau khi đăng tải một comment "dở khóc, dở cười" của bạn trẻ này, bài viết đã nhận được hơn 5,3 nghìn lượt thích, hơn 300 lượt bình luận. Không những sai về kiến thức Toán học mà còn lệch lạc cả về tiếng Việt.

Cụ thể, chuẩn của comment là "1m80 bẻ đôi được chưa" nhưng lại được "teen code" thành "đựt ckua". Và thật đáng buồn với một sinh viên năm 2 vẫn tính toán 1m80 bẻ đôi thành 40cm chứ không phải kết quả chính xác bằng 90cm.

Báo động ngôn ngữ mạng xã hội của Gen Z: Văng tục thả ga - 1
"Vl" cũng là một từ được giới trẻ sử dụng rất nhiều và khi nói đến nghĩa có lẽ người nghe phải đỏ mặt.

Là một trưởng phòng hành chính nhân sự của một công ty truyền thông, anh Hoàng Thanh Tùng (Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa hết "bàng hoàng" khi trao đổi với ứng viên bằng tin nhắn.

Theo chia sẻ của anh Tùng, bạn ứng viên dùng từ "rape" để thay cho từ "trả lời". "Mình đã dùng Google Dịch để tra từ rape theo như bạn ứng viên này nói, và kết quả trả về nghĩa là "hiếp dâm". Mình đã quyết định loại ứng viên này chứ không nhận vào công ty vì lý do dùng ngôn ngữ quá sai lệch", anh Tùng nói.

Báo động ngôn ngữ mạng xã hội của Gen Z: Văng tục thả ga - 2
Rất nhiều người đã đồng tình với cách làm của anh Tùng đối với bạn ứng viên này.

Ngay cả trong khi nhắn tin với bạn bè, ngôn ngữ sai lệch với chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực tiếng Việt cũng không còn, thay vào đó là những ngôn từ "lóng" vô tội vạ.

Khi dịch được những từ ngữ trong đoạn chat cũng khiến ai nấy phải "lắc đầu" về văn hóa sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ trên mạng xã hội.

Báo động ngôn ngữ mạng xã hội của Gen Z: Văng tục thả ga - 3
Đoạn chat trao đổi giữa hai bạn trẻ khi hẹn nhau đi ăn tối.

Bạn H.M.H (Sinh viên năm 3, một trường đại học tại Hà Nội) chính là chủ nhân của đoạn chat trên. "Mình hoàn toàn cảm thấy thoải mái vì đó là những câu từ bình thường khi hai đứa mình trao đổi hay trò chuyện. Cũng biết là xấu nhưng nó "ngấm vào máu" rồi thì làm sao mà sửa được", nữ sinh viên cho hay.

"Đồn như lời" là một cụm từ tương tự như vậy, cụm từ này nhanh chóng được sử dụng phổ biến không chỉ trong thế giới mạng. Một nhạc sĩ và một nữ ca sĩ đã đem nó vào tác phẩm của mình để MV "Như lời đồn" được phát hành và nhận không ít "gạch đá" từ giới chuyên môn lẫn công chúng. 

Một trường hợp ngược lại, là tiếng chửi thề từ MV ca nhạc nhanh chóng khiến cộng đồng mạng thấy thú vị, và tiếp nạp nó thành ngôn ngữ của mình, như trường hợp bài hát "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" của một nhóm rap nổi tiếng. Và rồi cụm từ "anh đếch cần gì nhiều ngoài…" trở thành câu cửa miệng, thành ảnh chế… của giới trẻ trên mạng.

Thay vì gặp nhau ngoài đời thực để thăm hỏi, nói chuyện thì không ít bạn trẻ suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính để nói chuyện. Không cần biết đó là chủ đề gì, nội dung ra sao, những thành viên tự xưng "vua chém gió" (theo cách gọi của cộng đồng mạng) sẵn sàng xông vào cuộc tranh luận và sử dụng những comment "bẩn" vô tội vạ.

Thực tế phần lớn bạn bè trong "friends list" Facebook của giới trẻ là những người lạ ở ngoài đời, trong số này có những ông "vua chém gió" tha hồ "dụng võ" ở bất kỳ "trạng thái" của ai. Ở những diễn đàn mở, các phần tử này cũng không ngại quăng những bình luận không hề liên quan đến nội dung đề ra nhằm chọc phá.

Cần thay đổi văn hóa ngôn ngữ trên mạng ảo

Bạn Nguyễn Vân Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: "Tình trạng gen Z sử dụng tiếng "lóng" rất nhiều, tạo thành một thói quen xấu và lệch lạc, nhiều khi lên mạng đọc phải một đoạn "chat" của Gen Z, mình cũng phải ngỡ ngàng với "ngôn ngữ không đụng hàng" của các bạn ấy. Học cái tốt thì rất khó, nhưng học điều xấu thì lại rất dễ bởi "nghe quen tai, nói quen miệng".

Báo động ngôn ngữ mạng xã hội của Gen Z: Văng tục thả ga - 4

Bạn Nguyễn Vân Anh.

"Thế giới ảo hay thế giới mạng Internet - nơi mà các Gen Z tha hồ sử dụng các ngôn từ của riêng mình mà không phải chịu sự quản lý của bất kỳ ai. Sẵn sàng văng lời tục tĩu, thô thiển để dìm hàng lẫn nhau qua mạng, chính vì lỗ hổng lớn này đã gây ra nhiều cuộc ẩu đả, nặng hơn là những "cái chết" đáng thương tâm", Vân Anh nhấn mạnh.

Là một diễn viên trẻ được nhiều Gen Z biết đến, Lê Tuấn Thành cũng vô cùng bức xúc khi đối mặt với những câu từ thiếu văn hóa của giới trẻ trên mạng xã hội. Tuấn Thành lý giải việc này đều do sự thiếu kiểm soát người dùng trên mạng ở Việt Nam.

Tuấn Thành cho biết: "Mình rất thích mạng xã hội Facebook, nhưng cũng rất bực mình vì một số người "rơi từ trên trời xuống" cứ vào "like" và bình luận tùy tiện trên trang cá nhân của mình. Phản đối hay đồng tình không phải là vấn đề người viết muốn hướng tới, mà quan trọng hơn là văn hóa khi bình luận. Thật đáng tiếc khi phải loại một số thành viên ra khỏi danh sách bạn bè".

Báo động ngôn ngữ mạng xã hội của Gen Z: Văng tục thả ga - 5

Lê Tuấn Thành.

"Sự phát triển của mạng xã hội là khách quan nhưng tiếp nhận như thế nào là tùy thuộc vào chủ quan mỗi người. Gia đình và nhà trường cũng cần quản lý việc sử dụng internet của con. Lắng nghe xem các em đang thực sự cần gì và chia sẻ những tâm tư, cảm xúc với các em thay vì để các em phụ thuộc vào mạng xã hội. Xa lánh đời sống thực để trở thành các "cư dân mạng" là thực trạng xấu trong giới trẻ hiện nay. Nên biết cách tiết chế thời gian và cả cảm xúc cho thế giới ảo", Thành nói.

Hãy là người dùng mạng xã hội có văn hóa

Bạn Bùi Trà My, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Việc xuất hiện những mâu thuẫn trong ngôn ngữ giao tiếp, đặc biệt là trên mạng xã hội là do suy nghĩ của những cá nhân đó chưa nhận thức được việc cần phải làm đẹp cho văn hóa dân tộc nói chung và cho cả bản thân nói riêng qua ngôn từ của mình hoặc đơn giản chỉ là chưa kiềm chế cái mong muốn phóng túng bản năng trong người là nói tục".

Báo động ngôn ngữ mạng xã hội của Gen Z: Văng tục thả ga - 6
Trà My khẳng định chúng ta khó có thể tự xây dựng được môi trường tranh luận nghiêm túc và văn minh nếu không xử lý triệt để.

Tuấn Thành thì lại cho rằng: "Những gì chia sẻ trên mạng xã hội là sự phản ánh con người, tính cách, lối sống của bạn. Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, mỗi người trẻ nên là một người dùng thông minh, có văn hóa, rèn cho mình cách ứng xử, tương tác thật chuẩn mực. Hãy thực hiện đúng những quy tắc: nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng, tế nhị, tôn trọng người khác… Có như thế thì người dùng sẽ không sa vào những vấn đề tiêu cực, hệ lụy xấu từ mạng xã hội".

Dù rằng việc ngôn ngữ lệch chuẩn về đạo đức trên mạng xã hội đang diễn ra ngày càng nhiều nhưng các chế tài hay việc đưa ra chỉ thị xử phạt những người có phát ngôn đó là chưa rõ ràng. Luật sư Võ Đan Mạch - Giám đốc công ty Luật TNHH Tapha (TPHCM) chia sẻ: "Quy định hiện hành vẫn còn khá bỏ ngỏ và nhiều khoảng trống nên chưa thể xử lý triệt để hành vi nói tục, chửi bậy "văng mạng" trên mạng xã hội".

Chia sẻ về khả năng và những biện pháp để cải thiện ứng xử trên mạng xã hội, TS. Nguyễn Quang Hòa (Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Giải quyết việc ngôn ngữ thiếu văn hóa trên mạng xã hội là bất khả thi bởi thành phần nhóm người sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Có thể là những người thiếu giáo dục hoặc không có giáo dục, những dân "giang hồ",… do đó nếu ta nói về học sinh, sinh viên có thể nhờ đến giáo dục từ nhà trường còn việc để "giáo dục" những đối tượng "bất hảo", hay những người không được đi học,… gần như là rất khó".

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học Hoa Lư, ngôn ngữ cần hiểu như là một thứ "tài sản" toàn dân, luôn vận động và biến đổi nhưng phải theo chiều hướng tốt lên, đáp ứng được thị hiếu người dân và biểu hiện của nền văn hóa.

"Việc sử dụng ngôn ngữ mạng như "con dao hai lưỡi", dùng nhiều sẽ thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Do vậy, các nhà quản lý giáo dục - văn hóa, các chuyên gia nghiên cứu… cần sớm có các cuộc khảo sát về mức độ sử dụng và tác động của ngôn ngữ mạng trong đời sống hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp để định hướng giới trẻ", nữ thạc sĩ chia sẻ.

Ý kiến của bạn ra sao về vấn đề này, hãy để lại bình luận bên dưới nhé!