Bạn trẻ phải biết sợ nghèo để vươn lên!
(Dân trí) - Tiến sĩ Vũ Hữu Kiên, giảng viên đào tạo cao cấp tổ chức Lao động quốc tế ILO nói trước sinh viên Thủ đô rằng các bạn trẻ đừng bao giờ để cái nghèo đeo đuổi mình, phải biết sợ cái nghèo để vươn lên, nhưng không bất chấp mọi giá để làm giàu mà sử dụng trí tuệ và nghị lực tạo thành sự nghiệp.
Buổi tọa đàm “Sinh viên Thủ đô sáng tạo, khởi nghiệp” được tổ chức tại Học viện Ngân hàng ngày 7/1 trong khuôn khổ Festival sinh viên Thủ đô lần thứ IV năm 2017.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhóm khởi nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp, các bạn sinh viên, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, doanh nhân thành đạt... Tại đây, các bạn sinh viên được lắng nghe kinh nghiệm của các chuyên gia khởi nghiệp, đặt câu hỏi thiết thực để định hướng khởi nghiệp.
Trước câu hỏi về hướng đi nào cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và làm cách nào để giảm thiểu tỉ lệ thất bại trên con đường khởi nghiệp, Tiến sĩ Vũ Hữu Kiên, giảng viên đào tạo cao cấp tổ chức Lao động quốc tế ILO nói rằng một trong nguyên nhân đầu tiên khiến người trẻ khởi nghiệp thất bại là do không hiểu rõ bản thân. Các bạn không xem xét kĩ thế mạnh của bản thân là gì nên mắc sai lầm. Nguyên nhân thứ hai chính là tinh thần không kiên định đến cùng, sợ thất bại, nhụt chí sớm. Mới gặp thất bại một, hai lần có bạn đã vội nản lòng.
Tiến sĩ Kiên nhấn mạnh: “Cần phải nhớ là chiến đấu đến cùng, đừng bao giờ sợ nghèo, đừng để cái nghèo lấn át chúng ta, cũng đừng bằng lòng “thôi thế được”. Đừng bao giờ tắt hi vọng và đừng bao giờ để cái nghèo đeo đuổi mình. Phải biết sợ cái nghèo, thậm chí là biết nhục để vươn lên. Nhưng cũng không bất chấp mọi giá để làm giàu mà sử dụng trí tuệ và nghị lực của mình tạo thành sự nghiệp”.
Tiến sĩ Kiên cũng chỉ điểm cho các bạn sinh viên: “Các bạn nghĩ xem trời cho mình thế mạnh gì? Đâu là thế mạnh của bạn? Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực cũng phải biết chọn cho mình cái tốt nhất gì? Biết rõ mình là ai thì mới có hướng đi đúng. Cũng giống như ca sĩ Chế Linh không thể hát hay được bài hát của Thanh Hoa mà Thanh Hoa cũng không thể hát hay nhạc của Trọng Tấn. Vì thế các bạn hãy phát huy sở trường thế mạnh của mình để phát triển”.
Cùng giải đáp thắc mắc của sinh viên về việc làm thế nào để khởi nghiệp thành công, anh Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Nexttech cho rằng: “Rất nhiều bạn không có sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là việc điều tra thị trường. Các bạn cứ “cắm đầu, căm cổ” làm nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường lại không chấp nhận. Như thế đã là thất bại”.
Anh Hòa Bình lấy ví dụ cho các bạn sinh viên từ câu chuyện thực tế của chính anh: “Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ khi là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi khởi nghiệp hành trang của tôi hoàn toàn không có gì ngoài một chiếc xe máy cũ và niềm đam mê.
Những năm học cấp ba, tôi theo chuyên toán nhưng cũng mê tin học. Đã đam mê cái gì thì lúc nào cũng nghĩ về nó. Vì đam mê nên cứ khi có thời gian rỗi tôi lại ngồi viết phần mềm sau đó tôi đem sản phẩm tham gia cuộc thi Trí tuệ Việt Nam.
Bất ngờ là tôi được giải nhưng điều quan trọng hơn tôi nhận ra rằng tôi đang tạo ra cái gì đó có ích cho xã hội. Vì thế tôi tiếp tục viết phần mềm rồi tạo ra thu nhập cho cá nhân từ đây”.
Qua câu chuyện này, anh Bình muốn nói về việc muốn thành công cần kiên định theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng đứng trước một cơ hội khởi nghiệp các bạn phải đánh giá thật kỹ càng.
Anh nói: “Các bạn có thể tham khảo chuyên gia, những người có kinh nghiệm để họ đưa ra lời khuyên, phân tích ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, bản thân các bản cũng phải kiên định, không được “ba phải”.
Mai Châm