Bạn trẻ mếu dở khi bị hỏi người yêu dịp Tết
(Dân trí) - Ngày Tết là thời điểm nghỉ ngơi, sum vầy đồng thời cũng cũng là dịp để gặp gỡ mọi người sau một năm xa cách. Tuy nhiên, đây cũng là lúc lúc nhiều bạn trẻ phải đối mặt với những lời hỏi thăm “khó trả lời”.
Mới 22 tuổi, vừa ra trường đi làm được vài tháng nhưng dịp Tết năm nay Trịnh Thị Nhâm (cựu SV trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội) lại liên tục “bị làm khó” bởi chuyện tình cảm.
“Năm ngoái mình còn đang đi học thì mọi người hỏi: “Có người yêu chưa”. Đến năm nay, mình vừa ra trường, đi làm được vài tháng thì bị người thân hỏi: “Sắp cưới chưa?”.
Trong khi đó, mình vẫn chưa có người yêu, lại bị hỏi mấy vấn đề này thật ngại. Thậm chí có những cô bác trong làng còn nhiệt tình đến mức giới thiệu con cái họ cho mình.
Không chỉ vậy, bố mẹ nghe khách hỏi thế cũng “thuyết giáo” cho mình một trận về việc: “Con bắt đầu phải nghĩ nghiêm túc cho mối quan hệ của mình rồi, không thể yêu đương vô tư như thời sinh viên được. Bố mẹ thấy con nhà bác …cũng được, con thử làm quen xem sao”.
Với tâm lý tuổi còn nhỏ, “bay nhảy” chưa thỏa thích nên hiện tại Nhâm không muốn nghĩ đến chuyện yêu đương, cưới xin. Bởi vậy, những quan tâm của mọi người lại trở thành “gánh nặng” cho cô bạn.
Tết là dịp sum họp nhưng không ít bạn trẻ ngại ở nhà do bị hỏi liên tục về người yêu, công việc, học tập...
Còn Hoàng Thuận (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) thì Tết năm nào cũng ngượng ngùng bởi những câu hỏi về học tập, công việc: Kết quả cao không? Có được học bổng không? Sắp tới xin việc ở đâu?
“Ngày còn học cấp 3, kết quả học tập mình khá tốt nên không ngại trước những lời quan tâm đó. Tuy nhiên, từ khi lên đại học mình lười, ham game nên bỏ bê việc học, thành ra điểm số, tình trạng học lại bê tha lắm.
Trước những câu hỏi ấy, mình chỉ biết cười trừ cho qua chứ cũng chẳng biết phải trả lời thế nào cho phải. Thậm chí, có lúc ngại quá, mình đành phải “lánh mặt” vào bên trong, không dám ra tiếp khách cùng bố mẹ”, Thuận nói.
Vì tuổi tác không còn nhỏ nên Nguyễn Linh (1987) mấy năm nay rất ngại về quê vào dịp Tết. Bạn bè năm nay đều lấy vợ, gả chồng hết nên giờ đây Linh lại là “đối tượng” để mọi người thi nhau thăm hỏi, quan tâm.
Linh bày tỏ: “Ở quê mình, con gái tuổi này chưa cưới đã bị coi là “ế”. Cả năm đi làm xa có bị người thân ở nhà gọi điện giục lấy chồng thì cũng trả lời “vâng, dạ” rồi cúp máy là xong. Nhưng về nhà chục ngày, họ hàng, khách khứa đến chúc Tết hỏi liên hồi.
Tưởng đối phó qua loa với khách là xong, không ngờ khi họ ra về hết, bố mẹ vì sốt ruột lại “thưởng” cho mình một “bài ca muôn thuở”. Nghe mãi mình đau đầu, mệt mỏi lắm, chỉ muốn vùi trong chăn ngủ suốt ngày hoặc đi đâu đó cho thoải mái”.
Không chỉ áp lực về tình cảm, chuyện công việc cũng khiến Linh không muốn ló mặt ra khỏi phòng để gặp ai. Tính thích tự do, không chịu được gò bó khiến bạn “nhảy” liên tục từ công ty này sang công ty khác.
“Công việc tốt không? Thu nhập bao nhiêu một tháng? Công việc ổn định không? Sao cháu nhảy việc nhiều thế, lúc nào mới ổn định, lấy chồng được?” là các câu hỏi Linh nghe nhiều nhất trong dịp Tết này.
Bạn dở khóc, dở cười chia sẻ: “Năm sau mình vẫn chưa yêu ai thì chắc phải thuê lấy một anh chàng đóng giả người yêu mang về ra mắt bố mẹ, họ hàng cho đỡ bị giục. Chứ như vậy, ngại cả về quê ăn Tết”.
Dịp Tết là kỳ nghỉ dài, tượng trưng cho khoảng thời gian ấm áp, sum vầynhưng đối với nhiều bạn trẻ, đây lại là “nỗi ám ảnh”. Hy vọng sang năm mới các bạn gặp nhiều may mắn để Tết đến, Xuân về có được niềm vui trọn vẹn!
Hoàng Dung