Bạn trẻ đi lễ chùa
(Dân trí) - Vào những ngày lễ Tết, mồng 1 hay rằm, người đi lễ chùa đông nườm nượp, đa phần là trên tuổi trung niên. Thế nhưng, đâu đó, chúng ta vẫn thấy bóng dáng của những bạn trẻ 8X, 9X. Họ đến đây, mỗi người một vẻ.
Ở Hà Nội, có lẽ ngôi chùa thu hút nhiều người trẻ nhất và người qua lại cũng đông nhất là chùa Hà (Cầu Giấy). Nổi tiếng vì “cầu duyên rất thiêng” nên mỗi dịp mồng 1 hay rằm, có thể thấy khá nhiều cặp dập dìu cúng lễ.
Vũ Thiệp (ĐH Công nghiệp) và Sáng (Khoa Văn, ĐHSP Hà Nội) quen và yêu nhau từ những lần đi tình nguyện hè. Không biết gần chùa hay là do sở thích mà tháng nào, dù bận đến mấy chàng và nàng cũng cố gắng mua lễ đi cầu duyên. Sáng cười bảo: “Có lẽ nhờ đi cầu nguyện suốt mà dù sóng to gió lớn từ gia đình bọn mình cũng vượt qua”.
Không chỉ những đôi uyên ương mà những bạn trẻ cô đơn cũng thường vào chùa cầu nguyện, mong mỏi một tình yêu đẹp. Trần Hảo (ĐHSP Hà Nội) là một ví dụ. Ngay từ năm thứ nhất từ quê ra, nghe tiếng chùa Hà, nàng đã nhanh chóng trở thành khách thường xuyên của chùa. Tới năm thứ 3 thì nàng có người yêu thật. Và đó là một tình yêu đẹp mà bạn bè của Hảo cũng phải ghen tỵ.
|
Nhiều bạn thích đi chùa Dâu, chùa Bút Tháp tận hưởng không khí trong lành, sự thoải mái. (Ảnh: Blog Cò) |
Nhiều bạn sinh viên ở ĐHSP, ĐH Quốc gia Hà Nội lại tìm một nơi thanh bình hơn. Đó là chùa Thánh Chúa ngay phía sau khuôn viên hai trường. Ngôi chùa này mang lại cho các bạn một sự thoải mái và bình yên lạ. Thanh (Khoa Văn, ĐHSP) nói: “Mỗi khi cảm thấy không thoải mái, nhất là dịp thi cử mình lại rủ bạn bè vào chùa thắp hương. Xong xuôi, cảm giác nhẹ nhàng và vui vẻ lắm. Mình nghĩ đi chùa làm mình thấy tâm hồn thanh sạch hơn rất nhiều”.
Lê (ĐH Thương mại) lại thích đi chùa vì mục đích khác. Thông minh nhưng lận đận trong thi cử vì những điều giời ơi đất hỡi nên cậu đi chùa cầu cho… sự học. Hơn nữa, chàng lại cực thích thú khi được nghe các Phật tử cầu kinh. “Tiếng cầu kinh khác xa những âm thanh đời thường. Mình cảm giác mình như đang đi vào cõi tâm linh vậy. Cảm giác dễ chịu lắm”.
H. Thảo - nhân viên một công ty nhân sự cũng tự nhận là một người “tâm linh”. Bận bịu với công việc hay ốm đau, Thảo cũng tìm cách đi chùa cho bằng được. Với Thảo, đi chùa cúng lễ là nhu cầu chả khác gì chuyện ăn mặc hàng ngày. Nơi mà cô thích tới nhất là Phủ Tây Hồ: “Phủ đông người đến lắm nhưng không gian rộng, đứng trước mặt nhìn hồ thấy lòng mình thảnh thơi hơn. Mình cũng không cầu gì nhiều đâu, sức khỏe, sự an lành. Thế là đủ”.
Tuy nhiên, trong giới trẻ không ít người coi việc đi đền chùa cũng như việc bói toán vậy. Họ đi chùa để cầu tiền tài, danh vọng và cửa Phật là nơi có thể giúp họ. H.An trong một lần đi chùa Trấn Quốc cầu cho mình được điểm số cao nhất khoa không may làm rơi đĩa hoa quả dâng Phật. Vừa ra khỏi chùa, nàng hấp tấp tìm ngay đến một bà thầy bói trung tuổi ở Bờ Hồ để xem thế nào. Không biết được bói thế nào nhưng ngay ngày hôm sau nàng chuẩn bị lễ lạt, với một phong bì và đi… “giải xui”. Ai khuyên An đừng tin chuyện nhảm nhí thì nàng cũng trợn mắt lên bảo: “Mày biết gì mà nói. Tao không thế này, Phật đày tao chết!?”.
Thành Vinh - ĐH Xây dựng thì lại đi chùa để cầu mình… trúng lô. Chả là cu cậu đang “mết” lô, đề với giấc mộng “kiếm vốn sau này làm ăn” cho nên mồng 1 hay rằm, thường xuyên thấy Vinh ở một ngôi chùa phố Hoàng Mai. Có một lần, Vinh đi về và khoe với chúng tôi: “Hôm nay đến chùa, thấy 2 con xe mang biển y hệt nhau dựng gần chỗ: 5530, kiểu gì cũng chơi con 30 mới được. Nhất định được”.
Hôm sau, thấy chàng ta gọi điện hỏi: “Mày còn tiền không? Tao vay tiền ăn vài hôm. Lỡ cống nạp tiền ăn tiền nhà cho “con em” hôm qua rồi mà lại mất trắng”.
Một điều đáng buồn nữa cũng thường bắt gặp ở những bạn trẻ đi chùa đó là cách ăn mặc và nói năng của họ. Nhiều người, không biết có phải nghĩ “thoáng” quá mà vào những nơi linh thiêng thì ăn vận áo hai dây, quần ngố, thậm chí váy… quá ngắn. Thỉnh thoảng có một nhóm học sinh rẽ vào thì ăn nói bỗ bã râm ran khiến những người lớn tuổi hết sức khó chịu.
Cuộc sống cần những đức tin. Văn hóa đi lễ chùa là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam nói riêng, người phương Đông nói chung. Nhưng nhiều bạn trẻ lại không ý thức được điều đó và biến chuyện đi lễ chùa thành một thứ “mê tín” của riêng họ.
H.P