Bẩn lắm ăn, ở kiểu sinh viên

(Dân trí) - Với trợ cấp hàng tháng ít ỏi họ không có nhiều lựa chọn cho nơi ăn chốn ở của mình, nhưng có những sinh viên biết bẩn cũng chẳng thèm… né.

Bạ đâu ăn đấy

Hàng quán vỉa hè luôn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên vì giá cả hợp với túi tiền nên họ chẳng thèm bận tâm đến vấn đề vệ sinh. Mà ai chẳng biết hàng ăn vỉa hè lấy đâu ra việc sạch sẽ nhưng với sinh viên thì “miễn là rẻ”. Hình ảnh sinh viên ăn mất vệ sinh có thể thấy ở bất kỳ chỗ nào, ngay cả ở những nơi mà ít ai có thể nghĩ người ta có thể ngồi ăn tại đó thế mà với sinh viên vẫn thật ngon lành. 

Buổi chiều, vào giờ tan học, những hàng bún đậu ở vỉa hè trước cổng trường ĐH Thương mại lại tấp nập sinh viên “sa chân” vào thưởng thức. Chỉ nhìn ngoại cảnh đã không thể hình dung nổi sao sinh viên có thể “chiến” ngon lành tại đó. Những gánh bún đậu đặt trệt ngay giữa vỉa ngang với tầm chân của rất đông người đi bộ qua lại. Đó là cũng là giờ cao điểm, con đường Hồ Tùng Mậu hay tắc nghẽn, xe cộ tràn lên cả vỉa hè kéo theo bụi khói luôn lên cả những gánh bún đậu nhưng sinh viên nào thèm bận tâm.

“Cận cảnh” vào những gánh bún đậu thì càng thấy ghê hơn. Tất cả các đồ dùng được bày la liệt giữa nền vỉa hè, chỉ có những suất bún đậu đã chế biến mới được ưu tiên đặt trên chiếc ghế nhựa thấp. Đó là những lúc vắng khách, còn khi “quá tải” thì suất bún đậu nọ cũng chỉ chiếm chệ trên chiếc mâm nhựa nhỏ rồi đặt giữa nền đường. Cảnh sinh viên ngồi ăn cũng đến là khổ, phải cúi đầu xuống hẳn gần mặt đường.
 
Bẩn lắm ăn, ở kiểu sinh viên - 1
Sinh viên ăn uống, miễn là rẻ, sạch chưa cần tính đến

Ghê nhất là xô nước dùng để rửa đĩa bát. Hàng nào cũng vậy, chỉ một xô nước nhỏ cho việc rửa bát đĩa nên xô nước nào cũng vênh váng mỡ và cả những sợi bún khách ăn thừa. Cô bán hàng tranh thủ thò tay vào dùng chiếc giẻ xoa xoa đĩa bát, lấy ra lau lại bằng chiếc giẻ khô khác cũng chẳng sạch sẽ, là xong. Lúc vội, người bán hàng chỉ nhúng đầu sử dụng của đôi đũa, vảy vảy là xong. Những hình ảnh này, những sinh viên ngồi ăn ở đây thấy rõ hơn ai hết nhưng dường như điều này đã trở thành vô nghĩa đối với họ.

Đi cùng nhóm bạn “chiến đấu” trong một quá ốc ngồi bệt ở ngõ Đê Tô Hoàng (Hai Bà Trưng) ra, Lê - cô sinh viên trường ĐH Bách khoa thật thà: “Đúng là… không sạch thật nhưng giờ cái gì chẳng bẩn nên giá cả là ưu tiên hàng đầu. Ăn mất vệ sinh mới là... sinh viên”.

Đúng là “giá cả ưu tiên hàng đầu” mà rất đông sinh viên ngồi ăn tại quán ốc này “quên” mất nó nằm cách điểm tập kết của hàng chục chiếc xe rác chỉ vài bước chân. Kèm theo đó vấn đề vệ sinh thực phẩm cũng bị buông xuôi khi cô chủ quán tên Nga cho hay: “Quán chủ yếu bán cho sinh viên nên… làm thế nào cũng được. Sinh viên dễ tính, đâu có xét nét như người khác”. Rồi cô Nga chứng minh luôn lời mình nói: “Như những bát nước chấm này, người khác ăn xong mình chỉ nhúng vào nước là xong, cô cậu nào cũng thấy mà vẫn “Cô ơi, nhanh nhanh lên”.

Bẩn thay những xóm trọ… mặc kệ

Việc ăn uống đã vô tội vạ như thế, chỗ ở của sinh viên cũng chẳng sáng sửa hơn. Với số tiền trợ cấp của mình với bao nhiêu khoản chi tiêu, trước hết sinh viên phải tìm những phòng trọ giá bèo. Đó thường là những phòng trọ ẩm thấp, xập xệ với những điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh.

Tất cả các sinh hoạt của sinh viên tại các xóm trọ như nấu ăn, tắm giặt, vệ sinh đều diễn ra một chỗ trong không gian chật hẹp, ẩm thấp. Có lúc một phòng vệ sinh, một phòng tắm dùng chung cho cả hàng chục sinh viên. Tại bể nước ở nhiều xóm trọ là cảnh “hỗn hợp”người đang rửa rau, người giặt đồ, người khác lại đang dội nước tắm. Sinh viên biết thế là bẩn nhưng có muốn tránh cũng chẳng được.
 
Bẩn lắm ăn, ở kiểu sinh viên - 2
Ngay nơi mình ở rất bẩn nhưng sinh viên vẫn… mặc kệ.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề vệ sinh tại xóm trọ sinh viên có thể khắc phục nhưng họ vẫn mặc kệ vì cho rằng là “cảnh cha chung”. Có những xóm trọ, có phân công vệ sinh, nhiều sinh viên vẫn không chịu làm hoặc làm qua loa cho xong việc.

Đi từ cổng vào, tại một xóm trọ có 8 phòng ở khu vực Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) chỉ toàn rác là rác. Những túi bóng rác ẩm ướt nằm là liệt trước từng phòng trọ, ra đến khu vực vệ sinh thì đến sinh viên cũng phải bịt mũi chứ đừng nói người lạ vào. Bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh và một khoảng cho sinh viên viên giặt gũi chỉ hơn 10m2 đều đặc rêu xanh ẩm mốc. Những xô rác lỏng bỏng nước chất đầy, tràn ra cả nền giếng không hề được chuyển đi. Hình như 18 sinh viên sống ở đây đều thấy đó không phải là việc của mình, dù đơn giản nhất là việc xách rác ra phía trước để đổ.

Nguyệt, sinh viên trường ĐH Hà Nội, trọ tại đây nói: “Mọi người đều như thế tại sao mình phải dọn. Sống chung mà, mỗi mình mình muốn sạch cũng chẳng xuể nên tốt nhất là… mặc kệ”.

Bài và ảnh: Hoài Nam