Bạn là “người nổi tiếng” hay “SV tầm thường”?
(Dân trí) - Trong thời đại số đã có rất nhiều các trang website thể hiện tính kết nối xã hội cao. Từ đó giúp các bạn trẻ định vị bản thân trở nên khá dễ dàng. Nhưng cũng từ đây các giá trị thực cũng đang bị quay cuồng trong vô vàn nickname hay chuẩn mực ảo.
Làm sao để mỗi người biết được giá trị của bản thân?
Làm sao để nhận biết?
Khởi đầu mọi con đường đi tới thành công, tựu chung đều từ một chữ: “Biết.”
Trước hết, phải biết mình là ai, biết mình muốn gì, như thế nào để đạt được điều mình mong muốn. Biết mình , tin vào những điều mình có, hiểu và lắng nghe bản thân, để khắc phục những điều đang còn thiếu, chưa đủ bằng cách rèn luyện hằng ngày.
Có thể thấy, sự tiếp nhận thông tin nhiều và nhiễu của giới trẻ hiện nay làm ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân. Nhiều bạn trẻ muốn khẳng định mình bằng những giá trị được cho là “hot” như “hot boy”, “hot girl” hay “hot blogger”.
Chính điều này khiến giới trẻ đặt cái tôi của mình quá cao mà quên đi giữa đời thực mình chưa tạo ra được những giá trị đích thực. Nguyễn Minh Ánh, sinh viên năm thứ hai ĐH Ngân Hàng nhìn nhận: “Em thấy nhiều bạn cứ cho mình là giỏi, đi đâu cũng thể hiện cái tôi. Nhiều lúc muốn khuyên mà không biết nói như thế nào”.
Chỉ thành công khi bạn biết mình đang ở vị trí nào.
Mặt trái, lại có những bạn đọc và biết về quá nhiều người nổi tiếng, lại thêm dành thời gian đáng lẽ ra nên hướng đến việc học tập và xây dựng các mối quan hệ đời thực, lại chìm vào những trang web ảo.
Điều đó dẫn đến nhiều bạn nảy sinh tâm lý tự ti và chưa biết cách thể hiện bản thân mình với những giao tiếp trực diện. Hoàng Luận, sinh viên CNTT, Trường Đại học KHXH&NV TP HCM cho rằng: “Nhiều lúc em chỉ muốn lên mạng để được làm ông chủ, quản lý hàng trăm nhân viên. Nhưng đến lúc trở lại đời thường thì thấy mình chỉ là một thằng sinh viên tầm thường”.
Khắc phục thế nào?
Nathaniel Branden, chuyên gia bậc thầy nghiên cứu các vấn đề về lòng tự trọng của con người đã thể hiện quan điểm của mình trong cuốn sách nổi tiếng “The Six Pillars of Self-Esteem” (sáu trụ cột của lòng tự trọng)
Ông cho rằng: “Lòng tự trọng cũng có nghĩa là tin vào giá trị của bản thân mình. Muốn thế bạn cần tin vào chính mình, hãy rèn lòng tự trọng của bản thân thường xuyên. Các bạn cần sống có ý thức, tự nhận biết bản thân, có tinh thần trách nhiệm cao, tự quyết đoán, thể hiện mục đích sống rõ ràng, cuối cùng là cá tính nhân hiệu trọn vẹn”.
Nói về giá trị bản thân, anh Đặng Quốc Bảo Châu, Trưởng phòng huấn luyện kinh doanh, chi nhánh miền Nam công ty Nestle cũng cho rằng: “Các bạn trẻ hãy thử ví giá trị bản thân mình như một mặt hàng cần người khác chú ý. Muốn thế cần làm sao để có một giá trị bản thân toàn thiện và phải biết cách để thể hiện điều này trước nhà tuyển dụng”.
Sự nghiệp chỉ đến với người biết sắp xếp kế hoạch bản thân.
“Phải tin vào chính mình. Biết cách nói, cách giao tiếp với người tuyển dụng cũng như khi mình là người bán hàng, muốn bán món hàng mà khách cần mua, thì phải tin và hiểu về món hàng đó để có thể tư vấn và làm người mua thích dùng.
Mỗi người đều có những khả năng riêng biệt, bạn hãy khéo léo sử dụng để nhà tuyển dụng thấy được phẩm chất từ chính bạn”, anh Châu nhấn mạnh
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lý Trường Chiến, Chuyên gia cao cấp Tư vấn về Tái cấu trúc, quản trị chiến lược và phát triển nguồn lực chia sẻ thêm: “Chúng ta nên chia quãng thời gian phát triển trong cuộc đời như thế nào cho hữu ích. Con người có thể khác nhau về hình thể, giàu nghèo, đẹp xấu… nhưng có một điều rất công bằng, đó là tất cả đều có khoảng thời gian 24h/1 ngày như nhau.
Quản lý thời gian tốt là kỹ năng cần thiết. Việc quan trọng, không nên để nước tới chân mới nhảy. Và sự học là liên tục, phải chuyên cần rèn luyện mỗi ngày để liên tục kết nối những gì mình làm với ước mơ của mình”.
Hoài Lương - Hoàng Anh