Bạn gái học cách thoát hiểm trước nguy cơ bị xâm hại

Là con gái, bạn có nhiều nguy cơ bị xâm hại, lợi dụng hơn cánh con trai nếu không đề phòng. Để ứng phó và vượt qua những trường hợp đó, chúng ta phải làm gì?

1. “Đèn báo hiệu nhấp nháy”: Những địa điểm bạn gái nên đề cao cảnh giác

 

Khi đi bộ ở cung đường vắng, có 1- 3 nam nhân lạ đi theo phía sau với tốc độ nhanh chậm đều phụ thuộc vào tốc độ của mình. Để nhận biết, bạn chỉ cần đi thật nhanh sau đó đột ngột đi chậm lại để xem phản ứng của đối tượng phía sau.

 

Chú ý kĩ nếu cảm giác được đối tượng từ giữ khoảng cách nhất định, sau càng ngày càng đến gần mình thì nên có động thái sẵn sàng đối phó.

 

Khi mình ở nơi “chật chội - đông người”, ví dụ: trên xe buýt, xe ô tô khách, khu vực lấy thức ăn tập thể; khu vực chờ mua vé xem phim... Những nơi bạn buộc phải đứng sát thật sát vào những người xa lạ và sự đụng chạm, cọ quẹt là hiển nhiên.

 

Nhưng bạn nên tinh ý nhận ra đâu là “buộc phải đụng chạm” và đâu là “cố dựa dẫm”. Khi đang ở nhà sách,thư viện: chú ý, nếu có kẻ bệnh hoạn đến gần dúi vào giữa trang sách bạn đang đọc vài tấm hình “kinh dị”; hoặc hắn có thể nói vài câu tục tĩu khi bạn đang mải đứng đọc sách một mình.

 
Nữ sinh học cách thoát hiểm trước nguy cơ bị xâm hại

Các bạn gái cần tỉnh táo bảo vệ chính mình trước nguy cơ có thể xảy đến. (ảnh mang tính minh họa) 
 

2. “Báo động đỏ”: Nhận ra những dấu hiệu bất thường, bạn phải đối phó rồi. Làm thế nào để thoát hiểm đây?

 

Cái nút bấm báo động để lôi cuốn sự chú ý của nhiều người khác khi mình không đủ sức la to. Đây là vật dụng nhỏ gọn nhưng hiệu quả, hơn nữa nếu kẻ xấu thấy chúng ta liên tục huýt còi, tự động sẽ có sự rối trí, đề phòng sợ nhiều người nhận ra hành vi xấu. Đây là thời cơ thích hợp để bạn bỏ chạy.

 

Khi phải chen vào nơi đông người; những nơi này dễ bị sờ ngực; chạm mông, chạm đùi, bẹo má, vuốt tóc, bạn nên đeo ba lô trước ngực; hoặc cầm sách báo khu vực trước ngực theo thế “khoanh tay”; xoay người ngó thẳng vào mắt những người xung quanh để tìm thêm đồng minh và xác định kẻ cần đề phòng.

 

Nếu có kẻ tấn công, chạm vào người bạn, hãy quay mặt về phía hắn để luôn nắm bắt được hành động của đối phương, đừng sợ hãi quay lưng đi. Nếu đối tượng tiếp tục có hành vi sàm sỡ; lập tức nắm chặt tay hắn và la to lên cho đám đông hỗ trợ.

 

3. Nếu bạn đã trở thành… nạn nhân:

 

Vừa bị quấy rối:

 

Mạnh dạn trao đổi với một người lớn mà bạn tin tưởng nhất (mẹ; cô giáo; dì, ngoại, nội, ba, bác…) để được giải tỏa ức chế tâm lí. Người bạn lớn của bạn sẽ hướng dẫn bạn việc cần làm để vượt qua sự ám ảnh đó.

 

Nếu không tin tưởng người quen, hãy liên hệ các chuyên gia tư vấn ở khắp cả nước (trong tất cả tòa soạn báo dành cho tuổi mới lớn; báo dành cho phụ nữ; các trung tâm tư vấn...). Thật ra bạn sẽ được hướng dẫn nói ra sự sợ hãi; tập luyện cách vượt qua nỗi sợ hãi và cách để sống vui, sống khỏe.

 

Sau khi bị xâm hại thân thể:

 

Bản thân cần đi gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ thêm (đến trực tiếp hoặc gọi điện thoại 1088 xin gặp trung tâm tư vấn). Không nên giấu diếm, sợ hãi.

 

Nếu gia đình đủ điều kiện kinh tế; nên xin phép cho chuyển nơi ở khác hoặc nơi học tập khác. Nếu gia đình khó khăn thì chuyên viên tư vấn sẽ hướng dẫn bạn hòa nhập lại cùng cộng đồng. Dĩ nhiên không ai muốn nhớ, nhưng tự mình quên không phải là chuyện dễ.

 

Chuyên viên tư vấn tâm lí Tuyết Mai - Hồng Hà

 

Theo Mực Tím