Bác sỹ "nghìn like" tọa đàm giúp bạn trẻ hiểu đúng về nCoV

(Dân trí) - Theo bác sĩ Khánh, triệu chứng bị nhiễm nCoV rất đa dạng nhưng phổ biến là ho, sốt, khó thở. Tuy nhiên, không phải người nào cứ bị ho, sốt là nghĩ đến dịch bệnh này.

Nhằm tuyên truyền cho đoàn viên thanh thiếu nhi Thủ đô về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng, tránh hiệu quả dịch bệnh, Ban thường vụ Thành đoàn tổ chức tọa đàm trực tuyến “Virus Corona - hiểu đúng, hành động đúng”.

Chương trình được live stream trực tiếp trên fanpage của Thành đoàn Hà Nội. Khách mời của Tọa đàm là anh Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội và Bác sỹ Trần Quốc Khánh - Bác sỹ khoa phẫu thuật cột sống bệnh viện hữu nghị Việt Đức, người được mệnh danh là bác sỹ “nghìn like” với châm ngôn sống đã trở thành cảm hứng cho nhiều người trẻ: Sống là để cho đi.

Bác sỹ nghìn like tọa đàm giúp bạn trẻ hiểu đúng về nCoV - 1

Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội và bác sĩ Trần Quốc Khánh, khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức tham dự tọa đàm

Ba yếu tố để xác định có bị nhiễm nCoV

Tọa đàm đã thu hút hơn 50.000 lượt xem, tiếp cận hơn 100.000 người với gần 200 bình luận và hàng trăm lượt chia sẻ của đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô.

Nhiều góc nhìn và thông tin hữu ích về virus Corona (nCoV) đã được bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ tới các bạn trẻ. Trong đó, những dấu hiệu một người nghi ngờ bị nhiễm nCoV được các bạn trẻ đặc biệt quan tâm.

Theo bác sĩ Khánh, triệu chứng bị nhiễm nCoV rất đa dạng nhưng phổ biến là ho, sốt, khó thở. Tuy nhiên, không phải người nào cứ bị ho, sốt là nghĩ đến dịch bệnh này.

“Có ba yếu tố để nghi ngờ người bị nhiễm nCoV đó là: Triệu chứng lâm sàng (ho, sốt, tức ngực, khó thở); yếu tố dịch tễ (đi từ tâm dịch về, tiếp xúc với người bị bệnh…) và cần loại trừ các nguyên nhân khác.

Khi xác định được cả ba yếu tố trên, chúng ta mới nghĩ đến việc có bị nhiễm nCoV hay không. Lúc này, người bệnh cần liên hệ trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám.

Nếu xa trung tâm y tế quá, bạn hãy tự phòng tránh bằng việc đeo khẩu trang, cách ly tại chỗ, hạn chế tiếp xúc với người thân”, bác sĩ Khánh chia sẻ.

Một trong những ảnh hưởng lớn của nCoV là gây ra tình trạng khan hiếm máu tại các bệnh viện do người dân lo sợ bị lây nhiễm dịch bệnh. Trong khi đó số lượng bệnh nhân cần tới máu để chữa trị rất lớn.

Vì thế, bác sĩ Khánh khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang mà hãy chung tay cùng các bệnh viện, hiến máu tình nguyện để cứu sống người bệnh.

Cũng theo bác sĩ Khánh, nhiệt độ càng lạnh nCoV càng dễ tồn tại và lây lan. Bên cạnh đó, thời tiết mưa, độ ẩm thấp cũng là yếu tố để loại virus này phát triển. Vì thế, những ngày mưa lạnh, mọi người nên hạn chế ra ngoài, tránh đến những nơi đông người.

Người dân và đoàn viên, thanh niên cũng nên dùng thực phẩm có tính nóng như: Tỏi, gừng, sả (nên dùng tươi) và bổ sung vitamin C qua các loại quả như chanh, cam, bưởi… Tuy nhiên, với vitamin C, chúng ta nên tìm hiểu kỹ để dùng đúng liều lượng, không dùng lúc đói và trước khi đi ngủ.

Đồng hành cùng thanh niên

Bên cạnh những thông tin hữu ích từ bác sĩ Trần Quốc Khánh, anh Nguyễn Đức Tiến, Phó  Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội cũng cung cấp thêm nhiều góc nhìn đa chiều.

Theo anh Tiến, ngay khi Chính phủ chính thức công bố dịch, Đoàn Thanh niên thành phố với tinh thần xung kích đã triển khai nhiều biện pháp để giúp người dân hiểu và phòng chống nCOV.

Buổi tọa đàm hôm nay là một trong những hoạt động ý nghĩa đó để giúp mỗi bạn bạn đoàn viên, thanh niên hiểu đúng, hiểu đủ, tự biết bảo vệ mình. Mỗi người có bảo vệ được bản thân mới có thể bảo vệ gia đình và cộng đồng.

Đoàn Thanh niên thành phố cũng triển khai các biện pháp đồng bộ từ thành phố tới cơ sở như: Phát khẩu trang miễn phí, phun thuốc… Dịp cuối tuần đúng vào rằm tháng giêng, Đoàn Thanh niên 30 quận, huyện, thị trên địa bàn thành phố đều ra quân phát khẩu trang miễn phí, phun thuốc, vệ sinh các công trình bằng dung dịch sát khuẩn để người dân yên tâm đi lễ.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở Đoàn có sáng kiến để chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh như: Đoàn Thanh niên Tổng công ty May 10 tăng ca sản xuất khẩu trang; Đoàn trường Thủy Lợi, Phenikaa phát dung dịch sát khuẩn miễn phí đến người dân; Đoàn Thanh niên EVN Hà Nội tổ chức hiến máu tình nguyện, …

Thời gian tới, Đoàn Thanh niên thành phố sẽ chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Hội tiếp tục tổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện để giúp đỡ người bệnh.

Đặc biệt, Đoàn Thanh niên thành phố sẽ dành sự quan tâm, đồng hành với thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp, chế xuất với những hoạt động cụ thể như: Phun thuốc tại các khu nhà trọ, phát khẩu trang miễn phí…

Anh Nguyễn Đức Tiến hy vọng, những hoạt động này sẽ giúp thanh niên công nhân yên tâm công tác, tránh tình trạng vì hoang mang, lo sợ mà không trở lại làm việc ảnh hưởng tới thu nhập gia đình cũng sự phát triển của các doanh nghiệp.  

Bên cạnh những giải pháp trên, Thành đoàn Hà Nội cũng rất quan tâm, định hướng cho đoàn viên, thanh niên chống lại những tin giả về dịch bệnh nhất là trên mạng xã hội.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội đề nghị, đoàn viên, thanh niên cần tìm hiểu kỹ, thường xuyên cập nhật thông tin chính thống. Đặc biệt, đoàn viên, thanh niên hãy tiếp nhận thông tin có chọn lọc.

“Chúng ta hãy hiểu đúng - hành động đúng, không hoang mang lo lắng để tiếp tục góp sức trẻ vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng Thủ đô và đất nước giàu mạnh”, đó là thông điệp mà anh Nguyễn Đức Tiến, Phó  Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội gửi tới các bạn đoàn viên, thanh niên; và cũng chính là thông điệp mà Tọa đàm muốn gửi tới đoàn viên, thanh thiếu nhi, Nhân dân Thủ đô.

M.C