Anh văn hè phố “ký sự”

“Ceiling là trần nhà, còn roof là mái nhà. Vậy các em có biết nhà mình có mấy roof và mấy ceiling không?”, câu hỏi của anh chàng Việt kiều Đăng Khôi làm không khí lớp học sôi nổi hẳn. “Two, thầy ơi!”, “Không, one mới đúng!”, những mái đầu khét nắng hăm hở thảo luận.

Đó là không khí lớp Anh văn dành cho trẻ em hè phố, có hoàn cảnh khó khăn của dự án Tương lai, thuộc Hội bảo trợ trẻ em TPHCM trong con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng 8...

 

“Let's go” 20.000 ngàn đồng

 

"Đó chỉ là học phí tượng trưng để bù đắp chi phí sách vở và xăng xe cho thầy cô, chứ nhiều lúc chúng tôi chỉ thu 10 ngàn đồng, thậm chí miễn học phí cho các em hoàn cảnh quá khó khăn", anh Bùi Tá Nhựt phụ trách chương trình Anh văn buổi tối của dự án cho biết.

 

 Trụ sở hiện tại mà chương trình "ngụ cư" là do tổ chức giáo dục Úc EFD (Education For Development) tài trợ thành lập vào năm 2003. Với 3 lớp học chia làm 2 ca vào các tối thứ hai, tư, sáu theo chương trình Let's goStreamline, chương trình đã trở thành ngôi nhà ấm cúng cho trẻ em có hoàn cảnh cơ nhỡ.

 

Nhìn cậu lớp trưởng trong lớp cô Diệu cặm cụi ghi chép từ vựng vào vở, có lẽ khó hình dung gương mặt ấy lại "vật lộn" với cuộc mưu sinh ban ngày trên hè phố. Còn cậu nhóc tóc xoăn trong lớp "thầy" Khôi thì hồn nhiên nói: "Bọn em thích học tiếng Anh để lỡ ra đường có gặp ông Tây nào thì cũng biết đường giao tiếp".

 

Và có dịp "học ké" một buổi tại đây mới thấy cả "trò" và "thầy" đều nhiệt tình phát biểu cũng như "táy máy" hỏi han những điều chưa biết.

 

Sống ở Mỹ từ nhỏ, về Việt Nam chưa lâu nên Khôi vừa dạy tiếng Anh, vừa chia sẻ những kiến thức trong cuộc sống bằng tiếng Việt với học trò. "Ở Việt Nam, các em học mấy tiếng mỗi ngày? Có hay chơi thể thao không?", anh chàng "lơ lớ" hỏi tiếng Việt để học trò trả lời bằng tiếng Anh. Rồi thầy trò còn chia đội chơi trò đố vui, điền ô chữ với phần thưởng là những chiếc kẹo xinh xinh mà Khôi sục sạo trong siêu thị.

 

Té ra lớp Anh văn ở đây cũng "xịn" đâu kém gì trung tâm bên ngoài khi không chỉ có 3 thầy cô người Việt nhiệt tình đứng lớp thường xuyên mà có cả các tình nguyện viên nước ngoài đến giúp sức, trong đó có người bỏ tiền riêng thuê xe ôm đến lớp hay mua sách tặng học trò... Bởi lẽ hầu hết đều đến bằng tấm lòng yêu trẻ, nói như thầy Đỗ Văn Nam, người gắn bó với lớp học từ những ngày đầu thì: "Vì hoàn cảnh đặc biệt nên nhiều em khá nhạy cảm, mà nếu không khéo trong cư xử dễ làm các em tổn thương. Mình chỉ biết đến với các em bằng tấm lòng, pha trò hay kể chuyện trong lúc dạy để thu hút chú ý, giúp các em trang bị chút ít vốn liếng ngoại ngữ".

 

Và chuyện hai chàng tình nguyện

 

Nếu đến vào tối thứ sáu mới thấy ngoài Khôi còn có một anh chàng người Đức cao lêu nghêu, bập bẹ giao lưu tiếng Việt với học trò sau giờ học, hỏi ra mới biết tên anh chàng là Siegfried.

 

Sang Việt Nam gần một tháng để tìm cơ hội lập công ty nghiên cứu về năng lượng mặt trời, Siegfried lọ mọ đến tổ chức Christina Nobel để xin làm tình nguyện viên và được giới thiệu về chương trình Anh văn của dự án Tương lai. Thế là "alê hấp", ban ngày vừa lo việc cho công ty, buổi tối tranh thủ đến dạy Anh văn.

 

Chìa tập giấp in từ máy tính, anh cho biết lấy từ những giáo trình mua ở Đức, Hawaii và thiết kế riêng cho lớp. "Nếu có cơ hội học tập, chắc chắn cuộc sống các em sẽ đỡ khổ hơn, nhưng các em lại không có nhiều điều kiện, phải lo kiếm sống trước mắt. Vì thế mình chỉ giúp phần nhỏ, hy vọng sau này các em sẽ khá hơn. Người Việt Nam thân thiện và đôn hậu rồi sẽ biết cách vươn lên...", Siegfried bộc bạch.

 

Cùng suy nghĩ, Khôi lại mở lòng rất đơn giản: "Bố mẹ cho Khôi cuộc sống tốt hơn, được học hành tử tế thì bây giờ cũng phải biết cho lại chứ!". Và anh chàng nhớ lại ấn tượng lần đầu về Việt Nam năm 2000 với bố, thấy nhiều nơi còn khó khăn, thế là tự nhủ khi tốt nghiệp, đi làm vài năm sẽ quay về quê hương làm chút gì đó cho nhiều người bớt khổ.

 

Đó là lý do anh chàng tạm ngưng công việc cho một công ty bảo hiểm ở Los Angeles để dành 6 tháng về thăm thân nhân và làm tình nguyện ở TPHCM. Khi hỏi tại sao lại có quyết định "lạ lùng" như vậy, anh chàng chỉ cười toe: "Mai mốt sang đó lại đăng ký việc mới, cũng ổn mà! Có thể nhiều người cho rằng mình hơi điên, nhưng mình nghĩ cứ làm đủ sống, kiếm đủ tiền thì đi làm từ thiện, không cần nhà cao cửa rộng hay xe hơi xịn, vậy thôi!".

 

Theo Vân Anh
Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm