Anh em gốc Việt sáng lập dịch vụ ngủ trưa di động “có một không hai”

(Dân trí) - Hai chàng trai Kevin Phạm (SN 1985) và Ken Phạm (1992) đã biến ý tưởng táo bạo về thời gian “chợp mắt” tái tạo năng lượng buổi trưa cho nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên… thành dịch vụ ngủ trưa động.

Say giấc trưa trên chiếc xe lưu động tiện nghi


Kevin – chàng trai gốc Việt sáng lập dịch vụ ngủ trưa di động độc đáo.

Kevin – chàng trai gốc Việt sáng lập dịch vụ ngủ trưa di động độc đáo.

Chỉ với gần 13 USD (khoảng 290 nghìn đồng), khách hàng sẽ có 45 phút thoải mái ngủ trên chiếc xe tải tiện nghi của dịch vụ Nappify.

“Cha đẻ” của dịch vụ độc đáo này là Kevin Phạm. Kevin đến Mỹ năm 2003, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường ĐH công lập California State-Fullerton (CSU Fullerton, Mỹ). Anh và em trai nảy ra ý tưởng mở dịch vụ ngủ trưa di động hồi năm ngoái, sau khi được truyền cảm hứng về ý nghĩa quan trọng của giấc ngủ trưa.

“Ngủ trưa rất có lợi cho sức khỏe và nhan sắc, làm giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông do thiếu ngủ. Nappify ra đời để mang giấc ngủ trưa hữu ích đến cho mọi người. Nếu ai đó chưa có thói quen ngủ trưa, chúng tôi sẽ giúp họ hình thành để nâng cao hiệu quả công việc”, Kevin chia sẻ về ý tưởng của mình.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, chiếc xe tải tiện nghi Nappify đã được khai trương tại thành phố Santa Ana, bang California để cung cấp dịch vụ ngủ trưa cho người Mỹ.

Chiếc xe dài 5m, được Kevin đầu tư với chi phí 40.000 USD, được thiết kế với màu trắng in hình ảnh một người đang say giấc. Xe tải Nappify gồm 4 phòng, có trang thiết bị hiện đại như một căn phòng ngủ thực sự với điều hòa, tivi, bàn xếp, loa nghe nhạc, wifi, nước suối, tường cách âm.

Nhiều kênh truyền hình và tạp chí lớn của Mỹ như CBS, NBC, Fox, ABC7, Time đã đưa tin về sự ra đời của dịch vụ ngủ trưa di động đầu tiên trên thế giới này.


Phòng ngủ đầy tiện nghi bên trong chiếc xe tải Nappify.

Phòng ngủ đầy tiện nghi bên trong chiếc xe tải Nappify.

Ông chủ gốc Việt cho hay, các phòng ngủ trên xe đều có thiết bị đánh thức khách hàng bằng đèn thông minh do nhân viên điều khiển. Theo đó, khi hết 45 phút, ánh đèn nhẹ sẽ sáng dần lên thay đổi màu sắc theo ý thích của khách hàng để đánh thức họ dậy. Nếu muốn, khách hàng thể tiếp tục ở lại phòng để học tập hay làm việc, nhân viên Nappify sẽ dọn phòng sạch sẽ sau mỗi lượt khách.

“Tôi vừa là chủ vừa là người lái xe, tổ chức bãi đỗ, quảng cáo tại chỗ, điều hành dịch vụ cùng một nhân viên bán thời gian. Còn em trai Ken đang vừa học vừa làm theo, giúp tôi thiết kế xe và dịch vụ”, Kevin giới thiệu.

Chàng trai gốc Việt cho rằng ý tưởng khởi nghiệp này có độ rủi ro thấp vì chi phí đầu tư không quá tốn kém, không phải thuê địa điểm lớn, quản lý tương đối đơn giản lại không cần nhiều nhân viên.

Góp phần thay đổi “văn hóa” không ngủ trưa của người Mỹ

Ngày càng nhiều công ty ở châu Âu và Mỹ đánh giá, việc ngủ trưa ở văn phòng có ích với sức khỏe của nhân viên và tăng năng suất lao động. Họ sẵn sàng đầu tư xây dựng các khu nghỉ ngơi tiện nghi.

Chiếc ghế ngủ đặc biệt giúp nhân viên có thể ngủ trong tiếng nhạc du dương với mức giá từ 8.900 trở lên đã được Google, Procter & Gamble đầu tư. Hay SamSung mới đây đã quyết định cài đặt chiếc ghế ngủ EnergyPod của công ty MetroNaps với giá 13.000 USD ở trụ sở của họ tại Mỹ.


Kevin Phạm cắt băng tại lễ khai trương dịch vụ Nappify hôm 31/5.

Kevin Phạm cắt băng tại lễ khai trương dịch vụ Nappify hôm 31/5.

Kevin Phạm cho rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ, không có tiền hoặc không gian hoàn toàn có thể thử dịch vụ ngủ trưa di động trong xe Nappify với giá thành phải chăng để cảm nhận sức mạnh diệu kì của 30-45 phút ngủ trưa.

Mặt khác, so với ghế ngủ trưa, dịch vụ của Nappify làm sạch sẽ hơn vì có vệ sinh phòng lại có thể dừng đỗ mọi nơi mọi lúc theo nhu cầu chứ không bị bó buộc trong một khu vực văn phòng giới hạn sử dụng của khách và nhân viên.

“Các khách hàng nói rằng họ rất thích ý tưởng mới lạ của chúng tôi bởi nó giúp họ tỉnh táo và khỏe khoắn hơn...

Một người ngủ thử trong ngày khai trương đã quay lại vào hôm sau và trả tiền để ngủ rồi thưởng thêm cho nhân viên. Cậu ấy chỉ ngủ được 2 tiếng vào tối hôm trước do phải học bài để thi cuối kỳ ở trường. Cậu ấy rất cảm ơn Nappify vì đã giúp mình lấy lại sức lực để tiếp tục việc học”, chàng trai gốc Việt kể.


Kevin Phạm và em trai Ken Phạm (áo trắng – đồng sáng lập) bên chiếc xe ngủ di động của họ.

Kevin Phạm và em trai Ken Phạm (áo trắng – đồng sáng lập) bên chiếc xe ngủ di động của họ.

Với khởi đầu thành công, Kevin và Ken dự tính khi việc kinh doanh đi vào ổn định sẽ thiết kế thêm nhiều xe tải hơn với số lượng phòng ngủ gấp đôi nhưng vẫn đảm bảo xe gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển và dừng đỗ. Anh cũng muốn tạo ra một phần mềm giúp khách hàng hẹn giờ và vị trí mà họ muốn ngủ trưa.

Nappify cũng thông báo hành trình hoạt động của mình trên website và các trang mạng xã hội để khách hàng chủ động đặt trước chỗ ngủ. Theo kế hoạch, Kevin sẽ đưa Nappify đến các công ty và trường học địa phương để quảng bá và phục vụ mọi người.

Mùa hè này, Nappify kế hoạch lưu diễn vòng quanh miền Nam California, cố gắng gây dựng tiếng vang cho sản phẩm và hy vọng sẽ thuyết phục được mọi người rằng ngủ trưa không phải là biểu hiện của sự lười biếng trong một cường quốc không ngừng làm việc chăm chỉ để thành công. Trái lại, đó là lựa chọn thông minh giúp mỗi người tăng năng suất làm việc.

Đó sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng cho 2 anh em gốc Việt bởi họ biết rằng, Nappify là dịch vụ di động mới mẻ đi ngược văn hóa/ thói quen “không ngủ trưa” của người Mỹ. Nhưng rõ ràng, lợi ích của giấc ngủ trưa đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh. Và theo một báo cáo gần đây, buồn ngủ trong khi đang làm việc tiêu tốn của các doanh nghiệp Mỹ 18 tỷ USD mỗi năm do năng suất bị giảm.


Vị khách đầu tiên…

Vị khách đầu tiên…

Anh em gốc Việt sáng lập dịch vụ ngủ trưa di động “có một không hai” - 6

Lệ Thu

Ảnh: Thông Hồ