Anh chàng “nghiện” vẽ

Trốn nhà lên Sài Gòn ôn thi ĐH, phải mất 5 năm, Nguyễn Văn Thạnh mới đậu vào khoa Sư phạm, ĐH Mỹ thuật TPHCM. Được đào tạo làm thầy giáo nhưng ngay khi ra trường, Thạnh đã đủ tác phẩm để mở triển lãm cá nhân. Những bức tranh Thạnh vẽ được giới chuyên môn đánh giá cao.

“Nghiện” vẽ

 

Thạnh kể: “Từ nhỏ, mình đã thích vẽ. Để theo đuổi ước mơ họa sĩ, mình đã có những quyết định rất táo bạo. Đầu tiên là trốn nhà xuống thị xã để đăng ký học ở trường CĐ Mỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, khi bị gia đình yêu cầu học nghề… lái xe. Tiếp đến là bỏ quê lên Sài Gòn, vừa làm vừa ôn thi vào trường ĐH Mỹ thuật”.

 

Từ vùng quê nghèo, chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, Thạnh vừa học, vừa làm đủ việc như phụ hồ, chạy xe ôm, chép tranh thuê… Có thời điểm, sức khỏe suy yếu, Thạnh bị bệnh, liệt nửa người.

 

“Lúc đó, cha phải lên Sài Gòn đón mình về quê chữa bệnh. Tưởng chừng căn bệnh là dấu chấm hết. Nhưng may mắn, sức khỏe hồi phục. Lúc chưa khỏi hẳn, mình đã trở lại Sài Gòn ôn thi. Di chứng của căn bệnh khiến một bên tai của mình không còn nghe rõ. Nhưng mình chấp nhận tất cả, miễn được học vẽ”, Thạnh chia sẻ.

 
Nguyễn Văn Thạnh
Nguyễn Văn Thạnh
 

Không học chuyên ngành sáng tác, Thạnh tự mình mày mò nghiên cứu. Thạnh kể: “Học vẽ và nghiên cứu tranh tốn rất nhiều tiền. Đây là ngành học của nhà giàu. Thấy mình chịu khó tìm tòi và có ước mơ lớn nên gia đình “bấm bụng” bán ruộng vườn ở dưới quê để đầu tư. Nhiều lúc không có tiền, mình muốn bỏ lắm. Nhưng không thể bỏ được. Mình “nghiện” vẽ quá rồi!”.

 

Triển lãm khi mới ra trường

 

Lúc còn học, trong một lần có triển lãm ở trường ĐH Mỹ thuật, Thạnh đến xin được gửi tranh vào triển lãm nhưng nhận được cái lắc đầu với lý do: “Em học Sư phạm, có biết gì về vẽ đâu mà triển lãm!”. Câu nói chạm vào lòng tự ái. Thạnh đem tranh về, đặt quyết tâm khẳng định bản thân.

 

Ba tháng sau khi tốt nghiệp, Thạnh mở triển lãm tranh cá nhân riêng mình tại trường ĐH Mỹ thuật TPHCM. Bộ tranh được giới chuyên môn đánh giá cao.

 

Nhà lý luận, phê bình Mỹ thuật Phụng Quốc Phàm nhận xét: “Phòng tranh sơn mài đầu tiên của Văn Thạnh thấm đẫm hồn quê chân chất, đã tạo một trực cảm với giới thưởng ngoạn. Ngôn ngữ tạo hình không cần thông qua tính ẩn dụ. Những lay động không cần thông qua sự tinh lọc của cảm thức…”.

 

Một tác phẩm của Văn Thạnh
Một tác phẩm của Văn Thạnh

 

Từ đó, Thạnh nhận được tài trợ và những lời mời dự các triển lãm trong lẫn ngoài nước. Tiếng lành đồn xa, tài năng và niềm đam mê của Thạnh được GS Đặng Quý Khoa chú ý.

 

Từ Hà Nội, ông tự mình viết tặng Thạnh một bức thư tay như để động viên, tiếp thêm “lửa” cho chàng họa sĩ trẻ: “Em đã xác định đúng hướng đi của mình trong nghệ thuật hội họa. Qua vất vả và những hy sinh trong túng thiếu, sự dằn vặt trong suy tư và trong nghiên cứu, cái quan trọng nhất là em đã tìm ra chính mình để đi đúng hướng. Đó là một sự thành công quan trọng nhất”.

 

Thời sinh viên, Thạnh sống trong sự thiếu thốn, luôn đau đáu cái ăn cái mặc giữa khu ổ chuột. Nhờ đó, trong sáng tác, tác phẩm của Thạnh chuyển tải tiếng nói, tình yêu và sự chất phác của người nghèo.

 

Chàng họa sĩ trẻ muốn hình ảnh người nghèo hiện diện ở những nơi sang trọng nhất, giúp họ cơ hội được người khác chú ý, quan tâm hơn.

 

Theo Quốc Tuấn

Sinh viên Việt Nam