Ai fastfood thời... @?

Xé đôi miếng gà rán nóng trên chiếc đĩa sứ trắng, cô gái tóc nhuộm vàng ở bàn bên, đưa lên miệng nhai, mỡ gà tứa ra bóng loáng trên đôi môi son màu hồng nhạt. Trong khi đó, người bạn trai ngồi đối diện với cô lại lóng nga, lóng ngóng với con dao và chiếc nĩa, trước mặt anh là chiếc đùi gà còn nguyên.

Nhanh người… chậm ta 

 

Khung cảnh của một cửa hàng fastfood trong giờ trưa khá thoáng đãng, những khách hàng người Việt ngồi nhâm nhi chậm rãi. Hoàn toàn trái ngược với hình ảnh những ông Tây vào gọi món.

 

Khẩu phần ăn gồm: một đùi gà, một bịch khoai tây chiên, một ly nước ngọt khoảng nửa lít; đặt khay xuống bàn, đưa đùi gà lên miệng, nhai; vốc một nhúm khoai tây, rau ráu, nuốt; ly nước ngọt uống cạn một hơi. Kể từ lúc bưng khay đựng thức ăn lên bàn, đến khi hoàn tất khẩu phần này, những người khách xứ… fastfood chỉ mất 4 phút, 56 giây.

 

Ăn nhanh nhưng… ngồi lâu là điều phổ biến ở những người trẻ ăn fastfood. Trong khi đó, những khách Tây vào chọn món và ăn, chậm nhất chỉ khoảng 10 phút. 30 phút cho đến 1 tiếng đồng hồ là khoảng thời gian mà “thượng đế” người Việt hoàn tất một suất thức ăn nhanh.

 

Tốc độ trung bình là 15 phút/suất ăn, nhưng thời gian ngồi tán gẫu của những vị khách này gấp 3 lần so với thời gian ăn. Vài nhóm nhân viên văn phòng ăn xong ngồi nói chuyện với nhau chờ đến đầu giờ làm buổi chiều mới lục đục kéo nhau rời khỏi quán.

 

Ăn fastfood là sành điệu?

 

Theo một cuộc phỏng vấn “bỏ túi” với 20 người ở các nhóm đối tượng khác nhau: “Bạn thích ăn fastfood vì lẽ gì?” Giới công chức văn phòng trả lời: “Phục vụ nhanh, ở những tiệm thức ăn nhanh có không gian thoáng đãng, có thể tranh thủ ngồi nghỉ trưa đợi vào giờ làm”. Đây cũng là nơi tiếp khách phổ biến trong giờ trưa của giới văn phòng, nhất là những nhân viên của công ty nước ngoài vì khách hàng Tây của họ cũng hợp gu fastfood.

 

Trong 10 mẫu điều tra dành cho giới văn phòng tại những cửa hàng thức ăn nhanh, chỉ có 3 người thừa nhận hợp khẩu vị với loại thức ăn công nghiệp này. Lý do đơn giản, những năm du học ở trời Tây, họ đã quen với những món này, lâu không ăn, thấy… thèm.

 

Trung bình mỗi tháng, họ đi đến tiệm thức ăn nhanh 3 lần. 6 người còn lại cho rằng “vì phải tiếp khách, tiệm fastfood gần cơ quan, lâu lâu đổi món, ăn cho qua bữa…”.

 

Phiếu còn lại rơi vào người mới ăn fastfood lần đầu, anh Nguyễn Khoa, nhân viên của công ty Holcim Vietnam Ltd, nói: “Nếu không vì chuyện gì, chắc tôi không quay lại đây lần thứ hai, đơn giản là không hợp khẩu vị…”.

 

5 mẫu phỏng vấn tiếp theo dành cho giới học sinh, sinh viên, câu trả lời chung là: “Thích không khí và tác phong phục vụ ở những tiệm thức ăn nhanh, thực đơn thức ăn nhanh đa dạng và lạ miệng, quan trọng là giá cả có thể chấp nhận được, từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/suất ăn”.

 

Quốc An, một học sinh của trường trung học Marie Curie, nói: “Tôi chọn thức ăn nhanh vì đơn giản mình có vẻ … năng động, sành điệu hơn người khác!?” Trung bình, mỗi tuần nhóm đối tượng này đi ăn fastfood một lần.

 

5 mẫu phỏng vấn còn lại dành cho những bà mẹ trẻ và các “bé bự” thích ăn fastfood. Theo những bà mẹ trẻ, “chúng tôi tan sở, đón con học nội trú về nhà, ghé siêu thị mua lương thực, thực phẩm, tiện thể ăn luôn bữa tối”.

 

Những cửa hàng thức ăn nhanh chủ yếu phục vụ hai nhóm đối tượng và khách hàng khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Buổi trưa, những hiệu thức ăn nhanh chủ yếu phục vụ cho giới văn phòng. Trong khi đó, tại những cửa hàng toạ lạc ở những siêu thị như: Lotteria ở Co-opMart, Jollibee ở City Plaza hay Saigon Superbowl (TPHCM), lượng khách ở đây vào buổi trưa khá vắng vẻ. Ngược lại, vào khoảng 5 giờ chiều đến 8 giờ tối, lượng khách tham quan mua sắm ở những tiệm ăn này mới đông lên.

 

Khoan bàn về những tác động về sức khoẻ, về bữa cơm truyền thống đang ngày ít đi do fastfood. Cuộc thăm dò trên có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng điều đó cho thấy đã có một xu hướng tiêu dùng mới ở những người trẻ thời đại @ tại những đô thị lớn như TPHCM.

 

Theo Nghĩa Hoài
Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm