Á khôi cựu sinh viên Ngoại thương được tổ chức của Liên Hợp Quốc vinh danh

Khánh Hoài

(Dân trí) - Lý Tú Nhã, cựu sinh viên Đại học Ngoại thương TPHCM mới đây đã được tổ chức UN Women (thuộc Liên Hợp Quốc) khen ngợi và tôn vinh trên website và fanpgage chính thức với dự án về "Bắt nạt trực tuyến".

Không muốn mọi người chú ý với vẻ bề ngoài

Lý Tú Nhã là cựu sinh viên Trường đại học Ngoại thương TPHCM ngành Quản trị kinh doanh. Năm vừa qua, cô đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi tại ngôi trường danh tiếng này.

Trong suốt 4 năm đại học, Nhã đã tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa trong và ngoài trường bên cạnh việc giữ vững điểm số học tập loại giỏi.

Á khôi cựu sinh viên Ngoại thương được tổ chức của Liên Hợp Quốc vinh danh - 1
Lý Tú Nhã đoạt giải Á khôi trường Đại học Ngoại thương năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Nữ sinh này sở hữu hàng loạt danh hiệu khi còn là sinh viên như: Á khôi 2 Duyên dáng Ngoại Thương - Ftucharm (2018), Giải nhì Vietnam Cheerfest (giải đấu Cheerleading lớn nhất cả nước dành cho sinh viên vào năm 2018), Giải ba HTV Cup (2021),...

Mặc dù đoạt giải Á khôi tại ngôi trường được mệnh danh "đại học của hoa hậu" nhưng Nhã chia sẻ, cô không muốn được chú ý bằng vẻ bề ngoài, khuôn mặt. Ngược lại, cô muốn được mọi người ghi nhận tài năng, đóng góp và kinh nghiệm trong học tập, công tác xã hội và việc làm.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, Nhã luôn chăm chỉ để có kết quả học tập nổi bật trên giảng đường, đặc biệt, cô đã 3 lần đạt học bổng khuyến khích học tập trường Đại học Ngoại thương TPHCM, tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh bằng Giỏi (2021) và đạt điểm TOEIC 925.

Á khôi cựu sinh viên Ngoại thương được tổ chức của Liên Hợp Quốc vinh danh - 2
Lý Tú Nhã ra trường với tấm bằng Giỏi ngành Quản trị kinh doanh (Ảnh: NVCC)

Muốn đóng góp, tạo ra giá trị cho xã hội

Tú Nhã chia sẻ, cô cảm thấy việc đóng góp và tạo nên giá trị cho xã hội không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm đam mê.

Cô đem lòng yêu mến với thành phố Đà Lạt nhưng nhận thấy khu du lịch này dần bị khai thác quá đà, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, Tú Nhã và đồng đội của cô đã thực hiện dự án "Xanh lại Đà Lạt ơi!" quyên góp được 50 triệu tiền gây quỹ, 2.700 cây được trồng và 100 tình nguyện viên mục đích giúp cho môi trường mỹ quan Đà Lạt sạch, đẹp hơn.

Với mục tiêu đóng góp giá trị cho xã hội, nhất là cho thế hệ trẻ, hiện tại Nhã đang là quản lý của một trang thông tin chuyên sáng tạo nội dung video, talkshow, bài viết miễn phí phục vụ cho việc cập nhật và nghiên cứu về chủ đề quảng cáo, marketing.

Chia sẻ về quá trình làm việc, Tú Nhã thẳng thắn :"Trong vòng 1 năm 4 tháng, mình từ một nhân viên sáng tạo nội dung bình thường lên chức quản lý nội dung. Nhiệm vụ của mình ở vị trí mới cần phát triển cộng đồng, tăng số lượng người tham gia vào các hoạt động, kéo thêm nhiều người xem.

Để được làm quản lý, mình đã chứng minh thực lực và khả năng của bản thân bằng việc tăng 30 nghìn thành viên chỉ trong vòng 1 tháng. Hiện tại, mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc sáng tạo nội dung của trang tin. Mặc dù có nhiều áp lực nhưng bên cạnh đó là cơ hội giúp mình chứng minh thực lực".

Á khôi cựu sinh viên Ngoại thương được tổ chức của Liên Hợp Quốc vinh danh - 3
Lý Tú Nhã đảm nhiệm vị trí quản lý nội dung từ khi tuổi còn rất trẻ (Ảnh: NVCC)

Là một người khá trẻ với vị trí quản lý, cô nàng 23 tuổi chia sẻ rằng, cô luôn luôn trau dồi năng lực và kiến thức của bản thân. Cô cho rằng, về khả năng chuyên môn, người quản lý cần phải nắm vững kĩ năng chuyên ngành, kiến thức sâu rộng, sở hữu hệ sinh thái thông tin về truyền thông và quảng cáo.

Khi bước chân vào ngành marketing, Tú Nhã là một người trái ngành. Vì không có xuất phát điểm và định hướng đến với ngành này ngay từ đầu nên cô nàng đã tự mình trau dồi kiến thức chuyên ngành qua các khóa học online trên mạng, học qua trung tâm bên ngoài.

Chia sẻ về sự khó khăn khi đảm nhiệm vị trí quản lý trong độ tuổi còn khá trẻ, Nhã bộc bạch, kỹ năng quản lý và dẫn dắt đội nhóm luôn được đặt lên hàng đầu, luôn luôn vừa thực thi, vừa lãnh đạo, phân bổ công việc cho từng thành viên và biết điểm yếu, điểm mạnh, tìm hướng phát triển cho từng thành viên trong đội.

Được tổ chức UN Women vinh danh

Mới đây, website của UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ) khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đã vinh danh dự án mang tên "Hope"- dự án chống lại bắt nạt trực tuyến do Lý Tú Nhã làm trưởng nhóm.

Dự án "Hope" tham gia cuộc thi Cyber S - Thế hệ S, được phối hợp tổ chức bởi UN Women, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (CSDS) và CEDLink. Cuộc thi này nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ Việt về an toàn trên không gian mạng và bình đẳng giới.

Á khôi cựu sinh viên Ngoại thương được tổ chức của Liên Hợp Quốc vinh danh - 4

Dự án "Hope" của Lý Tú Nhã và đồng đội được UN Women vinh danh trên website và fanpage vừa qua (Ảnh: NVCC)

Trong số các dự án đạt giải, dự án chống lại bắt nạt trực tuyến "Hope" do Nhã làm nhóm trưởng được chọn làm ảnh bìa trên fanpage của UN Women. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức về bắt nạt trực tuyến từ đó xây dựng không gian mạng lành mạnh và an toàn cho giới trẻ.

Về lý do triển khai chiến dịch, Lý Tú Nhã chia sẻ: "Sau khi đăng ký tham gia chương trình, các nhà lãnh đạo trẻ đã trải qua một tuần tập huấn về 6 rủi ro liên quan đến an toàn trên không gian mạng và bình đẳng giới, gồm phát ngôn gây thù ghét; quấy rối trực tuyến; miệt thị ngoại hình; bắt nạt trực tuyến; tội phạm công nghệ và vi phạm bảo mật thông tin.

Nhóm chúng tôi quyết định lựa chọn chủ đề cyber bullying (bắt nạt trực tuyến - PV) vì đây là một vấn đề nổi cộm, diễn ra trên không gian mạng mỗi ngày nhưng chưa có được những nhận thức đúng đắn từ cộng đồng".

Tú Nhã cho hay, theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020, gần 31% tổng số học sinh THCS và THPT ở Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến.

Kết quả nghiên cứu do Chương trình Internet & Xã hội Việt Nam thực hiện cũng cho thấy: 78% trong số 1000 người được phỏng vấn từng trải qua hoặc nhận biết về tình trạng ngôn từ kích động, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam. Bắt nạt trực tuyến có thể xem là một vấn đề nhức nhối, gây ra nhiều tác động tiêu cực trên môi trường mạng.

Á khôi cựu sinh viên Ngoại thương được tổ chức của Liên Hợp Quốc vinh danh - 5

Đây là một trong những hình ảnh thực hiện cho dự án về bắt nạt trực tuyến của Lý Tú Nhã. (Ảnh: NVCC)

"Bắt đầu với ý tưởng 'làm thế nào để lan tỏa những thông tin giáo dục về bắt nạt trực tuyến một cách gần gũi, dễ tiếp cận với khán giả trẻ", chúng tôi quyết định lựa chọn mạng xã hội làm nền tảng truyền thông chính cho dự án.

Hope được triển khai trong vòng một tháng, chia thành 3 giai đoạn chính: nhận thức, giải pháp và truyền cảm hứng. Ở mỗi giai đoạn, chúng tôi phân phối đăng tải các định dạng nội dung phù hợp như video, hình ảnh, infographic... đồng thời thực hiện seeding bài đăng trong các nhóm cộng đồng.

Mục tiêu là tối đa hóa số lượt tiếp cận của dự án đến đúng đối tượng độc giả. Ở giai đoạn cuối của chiến dịch, bộ ảnh Thế giới ảo - Nỗi đau thật được tung ra nhằm cảnh báo về tình trạng bắt nạt trực tuyến và kêu gọi mọi người hãy cẩn trọng trước mỗi phát ngôn của mình trên môi trường mạng. Chỉ riêng trong tháng 11/2021, dự án Hope đã tiếp cận hơn 300.000 khán giả mục tiêu, riêng bộ ảnh đã nhận về hơn 20.000 lượt tương tác", Lý Tú Nhã chia sẻ.

Á khôi cựu sinh viên Ngoại thương được tổ chức của Liên Hợp Quốc vinh danh - 6

Bài viết đăng trên website của UN Women về dự án "Hope". (Ảnh chụp màn hình)

Được biết, bức ảnh được chọn làm ảnh bìa fanpage của UN Women Châu Á và Thái Bình Dương cũng chính là hậu trường ngày cả nhóm thực hiện bộ ảnh Thế giới ảo - Nỗi đau thật.