9X Việt viết thư pháp được báo nước ngoài ca ngợi
(Dân trí) - Đào Huy Hoàng là cái tên không chỉ quen thuộc với cộng đồng calligraphy (nghệ thuật thư pháp nước ngoài) ở Việt Nam, mà còn tỏa sáng ở cả nước ngoài, khi nhiều lần lên báo, tạp chí Thái Lan, Mỹ...
Thông tin cá nhân:
Họ và tên: Đào Huy Hoàng
Năm sinh: 1993
Cựu sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội
Hoạt động/Thành tích:
- Được mời giảng dạy các lớp Calligraphy tại 5 quốc gia Đông Nam Á: Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan.
- Là người thực hiện nhiều dự án thú vị cho các nhà hàng quốc tế, viết thiệp mời cho nhãn hiệu thời trang như Gucci, tham gia nhóm thiết kế bìa sách của Barnes & Noble,..
- Được các tạp chí, báo nước ngoài giới thiệu như tạp chí Pen World (Mỹ), 2 tạp chí “Văn hóa và Đời sống” (Thái Lan)
Tự luyện thành tài
Từ bé Hoàng đã bị thu hút bởi các nét chữ của ông nội. Lớn lên, tưởng chừng đã bị lãng quên bởi việc học tập, thì năm 2012, Hoàng tình cờ thấy cuốn sổ ghi chép của ông. “Từng chữ một được ghi chép cẩn thận, đầy tinh tế và đẹp một cách vô cùng đặc biệt. Mình bắt đầu tìm hiểu trên internet về nghệ thuật chữ viết, và phát hiện ra calligraphy chính là điều bản thân đang tìm kiếm”.
Hoàng chia sẻ thêm: “Calligraphy đối với mình là “nghệ thuật của sự chính xác”, từng nét chữ đều phải đúng và phải toát lên vẻ đẹp, qua rất rất nhiều thời gian luyện tập, mà vẫn giữ được nét con người trong đó. Vì vậy bộ môn này rèn luyện cho mình tư duy tỉ mỉ, đầu tư cho tất các các công việc khác”.
Hoàng đã bắt tay tự tập luyện, mua dụng cụ nhưng không đạt kết quả mong muốn. Một năm sau, Hoàng may mắn tham gia lớp học về kiểu chữ Roman của một chuyên gia calligraphy người Mỹ nổi tiếng thế giới, tổ chức ở Hà Nội.
Nhờ đó, Hoàng nắm được phương pháp đúng để tự nghiên cứu. Hoàng tìm mua dụng cụ và dành toàn bộ tâm huyết cho bộ môn này. Vì khó khăn trong việc tìm kiếm bút, Hoàng nghĩ ra việc tự làm nó. Trong quá trình ấy, Hoàng đã sáng tạo thêm nhiều kiểu bút thân gỗ, mạ vàng. Ấn tượng hơn cả là các chiếc bút của Hoàng chứa đựng sự đan xen những hình ảnh đặc trưng của châu Á, đặc biệt là nghệ thuật sơn mài.
Theo Hoàng chia sẻ, để theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này, đòi hỏi người viết phải kiên nhẫn đi từ những cái rất cơ bản.
Sau hơn một năm tập trung rèn luyện, cảm thấy khả năng của bản thân đã đủ chín để có thể truyền đạt cho người khác, cùng với mong muốn được phổ biến rộng rãi bộ môn calligraphy tới những người quan tâm, Hoàng bắt đầu tổ chức các lớp học calligraphy đầu tiên.
Cũng trong khoảng thời gian này, Hoàng chính thức được gia nhập vào IAMPETH, một tổ chức về calligraphy tại Mỹ, và bắt đầu đóng góp các tác phẩm đấu giá và quà tặng cho hội hàng năm.
Theo Hoàng, để trở thành “chuyên gia” calligraphy là phải vượt qua được bản thân và chắt lọc được kiến thức đúng. Trong thế giới mở như hiện nay, có rất nhiều thứ dễ gây xao nhãng và cũng có quá nhiều kiến thức khiến con người ảo tưởng.
“Vì thế khi bắt đầu luyện tập mình phải tìm về những cái vô cùng cơ bản, và đơn giản để đi lên từng bước. Quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian vừa để tập vừa để tự đánh giá bản thân. Đôi khi viết được một nét chữ đẹp đòi hỏi nhiều tháng trời tự mò mẫm, tự sửa sai”, Hoàng bày tỏ.
Đào Huy Hoàng trong bài viết của tạp chí Pen World (Mỹ)
Đối tác của các thương hiệu lớn, được vinh danh trên báo nước ngoài
Bên cạnh việc giảng dạy về calligraphy, Hoàng cũng tham gia thực hiện các tác phẩm cho các khách hàng cá nhân cũng như các tổ chức, và thiết kế các tác phẩm về chữ.
“Mình may mắn được tham gia thực hiện nhiều dự án thú vị cho các nhà hàng quốc tế, viết thiệp mời cho nhãn hiệu thời trang như Gucci, tham gia nhóm thiết kế bìa sách của Barnes & Noble,...”. Ngoài ra, Hoàng cũng dành nhiều thời gian để thực hiện các tác phẩm cá nhân hàng năm để đánh dấu sự trưởng thành của bản thân”.
Các cơ hội từ khách hàng quan tâm đến chữ viết đến với Hoàng từ sự hoạt động tích cực trên cộng đồng calligraphy quốc tế. “Họ tìm đến mình thông qua các kênh mạng xã hội. Họ hiểu được giá trị lao động của đôi tay nên sẵn sàng giao cho mình làm để có kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên khi đã thực hiện những đơn hàng mang tính cá nhân như thế, việc đưa ảnh lên mạng xã hội là không được phép và đó cũng là một quy tắc nghề nghiệp của mình”, Hoàng nói.
Hàng ngày Hoàng đều dành ra ít giờ đồng hồ để trau chuốt nét bút.
Song song với việc giảng dạy trong nước, Hoàng cũng đã nhận được những lời mời giảng dạy tại nước ngoài. Vào tháng 1/2015, Hoàng nhận đứng lớp tại hai quốc gia Singapore và Indonesia, với nhiều kiểu chữ khác nhau. Và vào tháng 9 cùng năm, Hoàng tiếp tục vòng quanh năm quốc gia Đông Nam Á: Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan trong vòng 7 tuần.
Năm 2016 sẽ là năm mà Hoàng tổ chức chuỗi các hội thảo giới thiệu calligraphy đến cộng đồng tại nhiều quốc gia hơn nữa: Hong Kong, Đài Loan, Australia và Mỹ. Hoàng cũng sẽ tham gia một số triển lãm trong và ngoài nước và tổ chức nhiều buổi trò chuyện để giới thiệu, phổ biến bộ môn calligraphy tới nhiều người hơn nữa, giúp mọi người có được những hiểu biết sâu rộng hơn về bộ môn mà bản thân đang theo đuổi.
Tài năng của Hoàng đã thu hút được tru yền thông ở nước ngoài. Hoàng cho biết: “Tháng 6/2015, Hoàng được chị Deborah - một thành viên của hội IAMPETH, và nhà báo cho tạp chí Pen World - đã liên lạc trực tiếp với mình để phỏng vấn qua skype và đưa câu chuyện của mình đến nước Mỹ”.
Mới đây, trong dịp sang Thái Lan dạy học, Hoàng gặp gỡ và trò chuyện với một nữ nhà báo nổi tiếng xứ sở Chùa Vàng, chuyên viết kí và kí họa chân dung nhân vật. Hoàng được đề nghị khắc họa chân dung trên 2 tạp chí “Văn hóa và Đời sống” để giới thiệu, truyền cảm hứng đến người dân Thái.
Calligraphy: Thư Pháp, xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại gồm κάλλος – kallos nghĩa là “vẻ đẹp” và γραφή graphẽ "văn bản". Nói cách khác, Calligraphy là nghệ thuật thị giác gắn liền với văn bản, tạo thành từ những biểu tượng ngôn ngữ viết tay và được sắp xếp một cách hợp lí.
Trọng tâm của Calligraphy chủ yếu nằm ở việc thiết kế và thể hiện các con chữ, bằng cọ hoặc những dụng cụ viết có ngòi. Calligraphy là tập hợp gồm các kĩ năng, kĩ thuật định vị và viết chữ cái, để chữ thể hiện được mọi đặc tính toàn vẹn, hài hòa, nguồn gốc, nhịp điệu cũng như sự sáng tạo.
Thư pháp hiện đại phát triển đa dạng từ chức năng của văn bản chữ viết: thiệp cưới, thiệp mừng, văn bản sự kiện…lẫn thiết kế nghệ thuật: thiết kế phông chữ và kiểu chữ, thiết kế logo viết tay, thiết kế đồ họa, nghệ thuật thư pháp…(Theo Designs)
Hoài Thư