9X rẽ ngang từ Đại học sang làm nghề pha chế

(Dân trí) - Sự thu hút của việc pha chế đến với Đỗ Hải Nam rất tự nhiên, để rồi trở thành niềm đam mê lúc nào không hay. Dám hy sinh cho sự lựa chọn, Nam đã có những trải nghiệm thú vị và phần thưởng xứng đáng cho mình.

Từ ĐH Bách khoa … sang học pha chế

 

Không giống như nhiều bartender khác, Hải Nam (sinh năm 1991) tìm được con đường đi khá muộn. Sau ba năm gắn bó với giảng đường đại học, Hải Nam đã dứt khoát dừng lại để rẽ ngoặt sang một hướng mới: pha chế.

 

ĐH Bách khoa là ngôi trường mơ ước cho nhiều bạn trẻ nhưng đối với cậu bạn này, đam mê và dám theo đuổi nó mới là điều quan trọng nhất. Nam chia sẻ: “Môi trường học nào cũng tốt, miễn là chúng ta thu nhận kiến thức và thỏa mãn được sở thích của bản thân.

 

Ba năm trên ghế giảng đường dạy cho mình rất nhiều bài học, còn ba tháng trong quán bar đã dạy cho Nam nhiều thứ quý giá khác. Nó khiến mình nhận ra niềm hạnh phúc và động lực khi làm điều bản thân muốn.

 

Điều thu hút của công việc pha chế đối với Nam chính là sự tự do, gặp gỡ nhiều người mới. Đó là nhiều người bạn tuyệt vời và niềm cảm hứng mỗi ngày mình có thể sáng tạo với những ly thức uống”.
 
Chàng trai Đỗ Hải Nam.
Chàng trai Đỗ Hải Nam.

 

Bên cạnh đó, Nam nghĩ rằng việc mình gắn bó với nghề pha chế cũng là một cái duyên. Ban đầu bạn tìm việc ở quán với vị trí nhân viên phục vụ bàn để kiếm tiền tiêu vặt.

 

Vì cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi khi cứ phải đứng cửa liên tục nên Nam đã “mon men” vào trong khu vực pha chế phụ giúp và rửa cốc chén. Dần dần, bạn bị hút theo những động tác và các ly đồ uống tuyệt vời. Bằng thái độ ham học hỏi, trong thời gian ấy, Nam đã được các anh chỉ dạy rất nhiều kinh nghiệm thực tế.

 

Cơ hội đến khi người quản lý xin nghỉ phép 3 tuần, cậu bạn được pha chế lần đầu tiên cho khách. Đến giờ, Nam vẫn nhớ rất kỹ tâm trạng lúc ấy: “Cảm giác run run khi đối mặt với khách hàng khiến mình mắc nhiều lỗi lầm nhưng may mắn được họ bỏ qua. Nhưng cũng chính khi đó, trong lòng Nam cũng hiểu rõ con đường mình đi sau này nên quyết định theo đuổi đến cùng.

 

Khi đưa ra quyết định táo bạo ấy, Nam gặp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình. Mẹ đã từng nhất quyết không cho mình đi làm. Thậm chí nhiều bạn còn mắng Nam là điên, khùng. Lúc đó, mình đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều và mất thời gian để thuyết phục mẹ ủng hộ đam mê”.

 
Để trở thành một bartender, Nam đã phải mày mò tự học và kiên nhẫn tập luyện.
Để trở thành một bartender, Nam đã phải mày mò tự học và kiên nhẫn tập luyện.
 

Lang thang đi học nghề

 

Vì không muốn đào tạo qua trung tâm nên phương pháp học tập của Nam xuất phát từ các đồng nghiệp xung quanh. Khi mới bước chân vào nghề, bạn phải làm những công việc như: lau ly, cọ sàn, bê bia,... Đó là quãng thời gian khổ luyện và buồn chán, không ít người nản và bỏ cuộc nhưng Nam vẫn luôn giữ vững niềm tin vào bản thân, vào đam mê.

 

Cậu bạn thường dành những ngày nghỉ của tháng để đi tìm hiểu các công thức cũng như hương liệu mới, khiến Nam nhiều lúc cảm giác đây cũng giống như nghề đầu bếp vậy. Sau đó, Nam tiếp tục những ngày lang thang ở các chợ đầu mối vào sáng sớm để đặt mua một số loại thảo mộc và nếm thử.

 

Nam bày tỏ: “Mình thích nhất là lúc được gặp những vị khách có kiến thức về rượu và nghe họ kể về nguồn gốc cũng như câu chuyện liên quan đến nó. Từ đó, Nam có cơ hội học hỏi vốn sống cũng như kiến thức từ chính khách hàng và bạn bè xung quanh.

 

Mình ấn tượng với câu nói của một đàn anh: “Bartender thăng hoa khi trời tắt nắng”. Cái nghiệp bartender là sống về đêm, cần sự nỗ lực không ngại khó, sự kiên trì, lòng quyết tâm và yêu nghề mới có thể thành công”.
 
Hải Nam cùng mọi người trong một buổi học tại trung tâm.

Hải Nam cùng mọi người trong một buổi học tại trung tâm.

 

Chính sự nỗ lực, kiên trì ấy, Nam ngày càng một trưởng thành trong nghề. Bạn thường xuyên được mời tư vấn và đào tạo cho nhiều nhà hàng, quán bar. Nam còn lên sóng dạy học bartender tại trung tâm truyền thông (trên kênh truyền hình VTV3, VTV6, …)  đồng thời cũng liên tục được mời tư vấn khởi nghiệp và đào tạo cho khá nhiều nhà hàng, quán bar.

 

Với Nam, điều khó nhất vẫn là phổ biến văn hóa cocktail tới mọi người. Đa số mọi người nghĩ đến bar như một nơi nhảy nhót vũ trường cùng âm thanh ồn ã, náo nhiệt. Hơn nữa, văn hóa tại Việt Nam cũng khác nhiều so với phương Tây nên khách cũng rất ít khi gọi một cocktail, chủ yếu là bia hoặc những loại rượu phổ biến.

 

Đã từng dạy tại trung tâm ở Hà Nội, Nam hiểu được xu hướng dạy pha chế ở đây thường chú trọng kiến thức, số lượng lại quá đông, khiến học viên không được hướng dẫn tỉ mỉ. Đầu ra cho học viên còn quá ít bởi khi học xong thường chỉ có kiến thức chưa có nhiều trải nghiệm thực tế, trong khi nghề này khi tuyển dụng thường đòi hỏi người có kinh nghiệm chứ không quan trọng bằng cấp.

 

Nam chia sẻ: “Chính vì suy nghĩ ấy, mình cùng các đồng nghiệp mở ra một trung tâm nhằm tạo cho học viên môi trường mở. Trong đó, các học viên được tiếp xúc trong chính quầy bar. Ngoài ra, đây còn là nơi các đàn anh tài năng, giàu thành tích trong nghề đến giao lưu và chia sẻ những câu chuyện thú vị, bổ ích”.

 

Hoàng Dung