8X PRO - Những người trẻ chuyên nghiệp

Chỉ cần đi bộ với người nước ngoài, cũng có thể biết là chúng ta vẫn còn chậm lắm” - Một cô gái 8X, đang làm việc trong ngành PR - đã nói như thế về “làm việc chuyên nghiệp” ở Việt Nam.

Vậy, thế nào là làm việc chuyên nghiệp? Chúng ta sẽ cùng gặp họ, những người đang làm tốt công việc của mình một cách rất trẻ

Phùng Tiến Công - nhân vật từng 2 lần giành giải của cuộc thi Trí tuệ Việt Nam với sản phẩm nghe nhạc trực tuyến.

Tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học - Tin học ở Úc, Công mang sản phẩm của mình về FPT và trở thành Giám đốc Dự án F - Music.

Nhạc số đã trở thành người bạn quen thuộc của nhiều người, dù mới chỉ chính thức ra mắt được chưa đầy 1 năm nay. Chàng trai 24 tuổi này vẫn còn đầy ắp những ý tưởng cho các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến.

Uyên Ly - cô nhà báo sinh năm 1980 - năm qua cũng gây tiếng vang với giới trẻ, khi đăng đàn với dòng bài viết về Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Ly cũng một mình sang Mỹ tìm Nguyễn Trung Hiếu - người đã giúp giữ lại cuốn nhật ký lịch sử này.

Trẻ, nhiệt tình và đầy khao khát, Ly đang lớn dần lên sau từng bài báo và cô cũng đang vươn xa hơn, với Công ty Võ Thị, vì “Tôi muốn những gì mình làm ra, có giá trị đến 50 năm nữa”.

Chuyên nghiệp là làm việc… “đúng tiến độ”

Phùng Tiến Công: Chuyên nghiệp, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là chuyên tâm vào ngành nghề của mình. Ai chuyên tâm làm việc đều đã có thể gọi là chuyên nghiệp. Khi chuyên tâm và dốc toàn lực vào đó thì thường họ sẽ rất giỏi trong phạm vi ngành nghề của họ.

Uyên Ly: Phong cách làm việc chuyên nghiệp, theo mình, cần nhất là đúng tiến độ, đúng hẹn, không bị chi phối vì những chuyện khác nhau khi làm việc và tinh thần hợp tác với những người xung quanh.

Phẩm chất nào là cần nhất đối với một người làm việc hiện đại?

Phùng Tiến Công: Không có sự khác biệt nhiều giữa người “hiện đại” và người “không hiện đại”. Cả hai có lẽ đều muốn được làm điều mình thích. Khi ấy họ cống hiến toàn bộ năng lực cho công việc mà không thấy mệt mỏi. Với mình, quan trọng nhất là niềm đam mê.

Uyên Ly: Theo mình, điều cần nhất đối với một người làm việc nói chung, là tinh thần cầu thị.

Lòng đam mê chiếm bao nhiêu phần trăm trong thành công của một người trẻ?

Phùng Tiến Công: Khó có thể định lượng được lòng đam mê. Nhưng nếu không có, mình nghĩ sẽ cực khó để thành công.

Uyên Ly: Nó chiếm 70% của sự thành công. Phần còn lại là sự tỉnh táo trong đam mê, kiến thức và những kỹ năng làm việc.

Chúng ta chưa thực sự có môi trường làm việc chuyên nghiệp!

Theo bạn, 8X Việt hiện đã có phong cách làm việc chuyên nghiệp chưa?

Phùng Tiến Công: Khó có thể khẳng định là có. Hầu hết những người mình biết (bao gồm cả mình) đều còn thiếu 2 khâu quan trọng: Kinh nghiệm và Bản lĩnh.

Hầu hết đều rất đam mê, nhưng mình nghĩ phải trải qua cả 3 giai đoạn: đam mê -> Kinh nghiệm -> Bản lĩnh thì mới có thể thành một người thực sự chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, các bạn trẻ ngày nay đang bắt rất nhanh với tác phong làm việc nhanh nhẹn và “đúng tiến độ”, so với môi trường ở úc mà tôi từng du học 4 năm, thì đang rút dần khoảng cách.

Uyên Ly: Có lẽ là rất ít. Cái này bắt nguồn từ cách giáo dục, của môi trường làm việc và đặc biệt là bản thân các bạn trẻ rất mải chơi (ngay cả chính mình cũng vậy).

Xã hội chúng ta nói chung chưa chuyên nghiệp, và mọi người chưa học được sự chủ động trong cách làm việc.

Môi trường làm việc tác động như thế nào đến phong cách làm việc chuyên nghiệp?

8X PRO - Những người trẻ chuyên nghiệp - 1

Với Phùng Tiến Công, chuyên nghiệp là chuyên tâm vào công việc của mình. 

Phùng Tiến Công: Môi trường làm việc, hiểu theo nghĩa của câu hỏi, là nơi để Học cách làm việc chuyên nghiệp. Sau khi học có lẽ là Thử. Nếu có một môi trường mà ta vừa được học, vừa được thử thì sẽ rất hữu ích. 

Ở môi trường ấy, ta có thể được những anh chị đi trước truyền thụ kinh nghiệm, được tiếp xúc với những quy trình (ISO), được thực hành những gì chúng ta học.

Uyên Ly: Tất nhiên. Môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ đào thải những người không phù hợp và làm cho những người chủ động trở nên chuyên nghiệp hơn. Cũng trong môi trường chuyên nghiệp, những người trẻ sẽ học dần được thói quen làm việc tốt.

Làm thế nào để chuyên nghiệp?

Kỹ năng nào, theo bạn, là còn thiếu ở những người trẻ - để trở thành một người làm việc một cách chuyên nghiệp?

Phùng Tiến Công: Khả năng sắp xếp và quản lý tiến độ & chất lượng công việc.

Uyên Ly: Cái thiếu nhất của các bạn trẻ là ý thức với cộng đồng và kỹ năng tập trung vào công việc. Có lẽ vì người trẻ thì hay vô tư, chưa biết để ý đến những người xung quanh.

Người ta có thể học phong cách làm việc ở đâu?

Phùng Tiến Công: Ở nơi làm. Ở sách. Ở những người đi trước. Ở Internet.

Uyên ly: Với những người đang đi học, cách đơn giản nhất để làm việc chuyên nghiệp là… học, để biết mình muốn gì và sẽ trở nên chủ động hơn trong công việc, cũng dễ dàng tiếp cận công việc hơn.

Với những người đi làm, thì cần phải học ở mọi người xung quanh, học ở các đồng nghiệp và học ở những người mà bạn được tiếp cận.

Làm việc theo kế hoạch hay làm việc theo hứng thú, cái nào là biểu hiện của làm việc chuyên nghiệp?

Phùng Tiến Công: Hiểu theo nghĩa thuần túy có lẽ là theo kế hoạch. Tuy nhiên nếu kết hợp được 2 yếu tố đó thì mình nghĩ mới có thể giữ được tính chuyên nghiệp lâu dài.

Uyên Ly: Mình ủng hộ làm việc theo kế hoạch. Đặc biệt với những người làm báo như mình. Nếu không lên được kế hoạch sẽ bị động và không hoàn thiện công việc. Hiệu quả công việc phải được đặt lên hàng đầu.

Theo Nguyễn Ngọc Linh
Tiền Phong