8x khiếm thính bỏ ước mơ riêng để chăm lo cho những đứa trẻ cùng cảnh
(Dân trí) - “Bằng kinh nghiệm sống của mình, bằng chính sự đồng cảm của một người điếc, tôi rất muốn giúp cho các em có thể trang bị nhiều kiến thức, không mất nhiều thời gian như tôi để được học lên cao, trở thành những con người thành đạt”, thầy giáo 8X Võ Duy Quang nói.
Trăn trở của một thanh niên khiếm thính với tương lai của những đứa trẻ đồng cảnh ngộ
Câu chuyện về người thầy khiếm thính Võ Duy Quang (sinh năm 1988, giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ Khiếm thính Lâm Đồng) là một hành trình dài của nghị lực và khát vọng vươn lên.
Bằng cả nhiệt huyết và sự thông hiểu của mình, thầy đã tiếp thêm nghị lực để các học trò khiếm thính thêm tự tin, dám ước mơ và thực hiện mơ ước.
Thầy Quang chia sẻ: “Tôi từng mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang nhưng khi nhìn ra thế giới xung quanh mình, tôi thấy rằng xã hội đang rất thiếu những ngôi trường, môi trường sinh hoạt dành cho người điếc giống như mình nên tôi đã quyết định học ngành sư phạm giáo dục đặc biệt”.
Sau 4 năm học tập, Võ Duy Quang tốt nghiệp chuyên ngành Cao đẳng Sư phạm tiểu học, Khoa Giáo dục đặc biệt của Đại học Đồng Nai. Quang quyết định trở về ngôi trường cũ, nơi thầy đã học tập và trưởng thành để truyền thụ kiến thức và chăm lo cho những đứa trẻ khiếm thính giống như mình. Về trường, thầy Quang phụ trách môn ngôn ngữ ký hiệu.
Điều mà thầy giáo Võ Duy Quang trăn trở là: “Nhiều trẻ em điếc từ nhỏ tới lớn không được can thiệp bất cứ phương pháp nào phù hợp do đó các em hoàn toàn bị mất khoảng thời gian từ 0-6 tuổi không có ngôn ngữ, không có kiến thức ở trong đầu.
Ví dụ đối với học sinh lớp 1 hoặc học sinh dự bị vào lớp 1, nhiều em 8-9 tuổi mới bắt đầu đi học, khi đó các em bắt đầu từ con số 0. Đối với các em chúng tôi cần phải kiên nhẫn hơn rất nhiều. Dẫu vậy, còn rất nhiều trẻ em khiếm thính chưa có cơ hội được học tập”.
Trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo nhân dịp lễ tuyên dương 48 giáo viên dạy trẻ khuyết tật tiêu biểu trên toàn quốc ngày 14/11/2018, thầy Võ Duy Quang bày tỏ mong mỏi: “Tất cả học sinh của tôi đều là những người khiếm thính (không nghe, không nói) giống như tôi. Chúng tôi chia sẻ cuộc sống và cảm thấy rất niềm hạnh phúc khi dạy cho các em.
Tuy nhiên chúng tôi gặp khó vì không có sách giáo khoa riêng cho học sinh điếc và giáo trình cũng không được đổi mới thường xuyên. Các em học sinh khiếm thính sau khi học xong cấp 1 thì chưa có cơ hội học lên cấp 2, cấp 3.
Đối tượng người khiếm thính chưa có nhiều cơ hội để hòa nhập vào cộng đồng, nhất là có công ăn việc làm. Mong lãnh đạo Bộ điều kiện để người điếc có cơ hội giáo dục chuyên sâu hơn, cũng như hoàn thiện bộ ngôn ngữ kí hiệu dành cho người điếc”.
Ngọn đuốc sáng mãi trong thế giới lặng im
Sợi dây liên kết lớn nhất giữa thầy Quang và các em học sinh chính là sự đồng cảm. Thầy Quang là một người khiếm thính từ nhỏ, vậy nên, trong mỗi tiết học của thầy tuy chỉ có tiếng của những trẻ khiếm thính và các động tác về ngôn ngữ hình thể, nhưng tiết học lại rất sinh động, lôi cuốn.
“Trước đây khi tôi học lớp 1, tôi từng trải qua cảm giác khổ sở vì tôi không hiểu giáo viên của mình dạy gì. Do vậy, bằng kinh nghiệm sống của mình, bằng chính sự đồng cảm của một người điếc, tôi rất muốn giúp cho các em có thể trang bị nhiều kiến thức, không mất nhiều thời gian như tôi để được học lên cao, trở thành những con người thành đạt. Tôi mong muốn các em có thể vun đắp ước mơ của chính mình.
Hơn ai hết, tôi hiểu sự mặc cảm, tự ti của các em về khiếm khuyết của mình. Do đó, trước khi dạy kiến thức, tôi truyền cho các em sự tự tin, lòng nhiệt huyết để vượt lên những rào cản về khiếm khuyết của cơ thể để có thể học tập, giao tiếp với xã hội tốt hơn”, thầy Quang bộc bạch.
Sự đồng cảm đã gắn kết thầy giáo trẻ và những học trò của mình một cách khắng khít như tình cha con. Như thầy Quang đã nói: “Giống như một người cha, tôi cần phải kiên nhẫn dạy dỗ, để cho các con biết được rằng các con có một loại ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ kí hiệu, nhờ nó các con có thể học lên cao và hòa đồng với xã hội”.
Chính vì mong muốn học trò có thể tự tin bước ra xã hội, thầy Quang không chỉ giảng dạy kiến thức cho học sinh mà còn chăm lo đời sống tinh thần của các em, tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: hướng dẫn các em đọc sách, vẽ, tham gia hội thi thể thao... để học trò mạnh dạn hơn.
Trong 4 năm rưỡi làm nghề giáo, thầy Quang không chỉ là một người thầy cần mẫn mà còn có nhiều sáng tạo trong giảng dạy và luôn đau đáu nỗi lo toan cho tương lai của học trò.
Thầy Quang nói rằng thầy đã học được rất nhiều điều, không chỉ từ những giáo viên đi trước mà ngay từ những em học sinh. Trong sự hồn nhiên, ngây thơ của nhiều em là cả một nghị lực to lớn để vươn tới ước mơ của mình. Đây cũng chính là động lực để thầy Quang gắn bó với nghề.
Một trong những học trò của thầy Quang, em Nguyễn Thị Thủy Tiên, học sinh lớp 3 Trường Khiếm thính Lâm Đồng, chia sẻ bằng ngôn ngữ kí hiệu: “Khi được cô hiệu trưởng thông báo trường sẽ có thầy giáo mới về giảng dạy và thầy cũng là người khiếm thị thì chúng em rất hồi hộp, mong đợi.
Khi được trực tiếp học tập với thầy Quang, em rất thích bởi cách dạy của thầy rất dễ tiếp thu và thầy cũng gần gũi với chúng em. Em muốn học thật giỏi để sau này có thể trở thành giáo viên truyền đạt kiến thức của mình cho học sinh khuyết tật giống như thầy Quang”.
Đối với học trò và đồng nghiệp, thầy giáo Quang giống như một ngọn đuốc cháy bừng nhiệt huyết, lan truyền sự ấm áp và cảm hứng. Ngọn đuốc ấy đã nhen nhóm ước mơ trong lòng cô học trò nhỏ Thuỷ Tiên, để sau này tạo ra thêm nhiều thế hệ học trò tự tin dùng cách thức của riêng mình tạo nên dấu ấn trong thế giới không có âm thanh.
Mai Châm