7 lý do dễ khiến bạn bị nhà tuyển dụng từ chối
(Dân trí) - Tiếp nhận việc bị nhà tuyển dụng từ chối không hề dễ dàng, nhưng bạn cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm cách khắc phục.
Có nhiều lý do khiến nhà tuyển dụng loại bỏ ứng viên; đôi khi đó là vấn đề bạn có thể thay đổi, nhưng cũng có lúc là điều bạn không thể tác động, như nhà tuyển dụng đã tìm được một ứng viên phù hợp từ trong nội bộ.
Nền tảng việc làm Kununu nêu ra một số lý do phổ biến nhất khiến bạn bị nhà tuyển dụng từ chối.
Hời hợt với sự nghiệp
Hời hợt với sự nghiệp ở đây được hiểu là thái độ của bạn về vấn đề lương thưởng, về cách làm việc, về chế độ đãi ngộ. Cũng có khi đó là việc bạn thờ ơ, từ chối học hỏi và không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Thiếu mục tiêu làm việc
Có kinh nghiệm, có kỹ năng và tư duy trong công việc tốt nhưng thiếu mục tiêu là một điểm trừ rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, bạn có bằng cấp, chứng chỉ nhưng lại không có mục tiêu rõ ràng thì sẽ khó vượt qua được cửa ải của công ty bạn đang ứng tuyển. Không có nhà tuyển dụng nào muốn chọn một người không có mục tiêu rõ ràng trong công việc.
Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, có định hướng và mục tiêu cụ thể cũng sẽ giúp nhân sự làm việc hiệu quả hơn. Người thiếu mục tiêu làm việc khó có thể phát triển trong một công ty hay đem lại giá trị cho công ty. Vì vậy, nhân sự nên xác định cho mình một mục tiêu rõ ràng và tốt nhất hãy thể hiện điều đó ngay trong buổi phỏng vấn.
Chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc
Sẽ là một khó khăn không hề nhỏ với những bạn sinh viên vừa tốt nghiệp và mong muốn tìm được công việc đầu tiên cho mình. Vì rất nhiều các công ty hiện nay yêu cầu một lượng kinh nghiệm làm việc nhất định, thông thường tối thiểu từ 6 tháng đến 1 năm. Đó là lý do nhà tuyển dụng đưa ra lời từ chối với các "lính mới".
Để khắc phục điều này, các bạn trẻ có thể tìm kiếm công việc và thực tập sớm ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Các bạn trẻ cũng có thể ứng tuyển vào những nơi có đăng tin không yêu cầu kinh nghiệm và nhận đào tạo trong quá trình làm việc. Vừa học vừa làm cũng là một cách để trau dồi kinh nghiệm và ghi nhớ nhanh hơn.
Trình độ không phù hợp với vị trí ứng tuyển
Một điều quan trọng nhân sự cần phải ghi nhớ đó là kiểm tra cẩn thận các yêu cầu của từng công việc đang ứng tuyển để đảm bảo rằng bản thân có đầy đủ kỹ năng, có năng lực phù hợp.
Hiện nay, có rất nhiều công ty đưa ra các yêu cầu nhất định về trình độ bằng cấp, kinh nghiệm làm việc và khả năng ngoại ngữ. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào những đặc thù công việc khác nhau, nhà tuyển dụng cũng đặt ra những tiêu chí cụ thể và yêu cầu có kiến thức, kỹ năng nâng cao hơn trong một số lĩnh vực nhất định. Nếu bạn chỉ có thể đạt được ở mức cơ bản mà chưa lên tới trình độ cao hơn thì chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ từ chối vì công việc đó không phù hợp với bạn.
Mặt khác, kiến thức và kinh nghiệm của bạn có thể vượt quá mức cần thiết cho công việc. Nếu bạn vượt qua tiêu chuẩn cho một vị trí, nhà tuyển dụng cũng có thể từ chối bạn. Bởi phần lớn, những người có năng lực vượt trội thường có kỳ vọng về mức lương cao và dễ dàng thay đổi công việc một cách nhanh chóng hơn.
Không chứng minh được trình độ của bản thân
Khi tham gia phỏng vấn, nhân sự nên cho nhà tuyển dụng thấy được bất kỳ chứng chỉ, văn bằng hoặc giải thưởng nào nếu được yêu cầu.
Nếu nhà tuyển dụng không thể xác minh trình độ, chứng chỉ mà bạn viết trong hồ sơ xin việc thì sẽ để lại ấn tượng rất xấu. Tuy nhiên, trình độ của bạn không nhất thiết phải giới hạn ở chứng chỉ, bằng cấp hoặc giải thưởng nào. Bạn hoàn toàn có thể thuyết phục được nhà tuyển dụng và khẳng định được giá trị cũng như trình độ của bản thân qua những hoạt động thực tế.
Thiếu kỹ năng làm việc nhóm
Sơ yếu lý lịch và trình độ của bạn có thể rất hoàn hảo cho công việc đang ứng tuyển, nhưng nếu bạn không thể hòa nhập với nhóm, đó lại là vấn đề lớn. Nếu nhà tuyển dụng cảm thấy bạn không phù hợp với đội, nhóm, thì có khả năng bạn sẽ không nhận được công việc.
"Liệu ứng viên có phù hợp với nhóm hay không?" chính là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà người sử dụng lao động đặt ra trong quá trình tuyển dụng — đó cũng là điều mà Todd Nordstrom và David Sturt - các chuyên gia tư vấn chuyên giúp các nhà lãnh đạo và nhân viên đạt được những thành tích vượt bậc luôn quan tâm. Họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhân viên mới phù hợp với nhóm.
Hơn hết, điều quan trọng là được cảm thấy thoải mái và được đánh giá cao trong công việc, vì vậy nhân sự cần phải cởi mở và trung thực nhất có thể trong cuộc phỏng vấn để cả bản thân ứng viên và nhà tuyển dụng đều có thể biết liệu ứng viên có phù hợp hay không.
Không biết cách ứng xử
Cách ứng xử nghiệp dư, thiếu chuyên nghiệp sẽ bị nhà tuyển dụng đưa vào danh sách đen ngay lập tức. Sự nghiệp dư ở đây là sự chuẩn bị hồ sơ xin việc một cách hời hợt, không cẩn thận, tỉ mỉ hay ngoại hình luộm thuộm, hoặc thậm chí là đến muộn giờ phỏng vấn và giao tiếp kém tinh tế tại buổi phỏng vấn.
Để cải thiện điều này, nhân sự nên học cho mình có tác phong gọn gàng, biết kỷ luật bản thân để luôn có trách nhiệm với chính bạn trước khi bạn có trách nhiệm với công việc. Cư xử phải phép, lịch sự sẽ là bước giúp chúng ta nhận được thiện cảm từ mọi người, đặc biệt là với nhà tuyển dụng.