580 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch các xã miền núi trong 10 năm "nông thôn mới"
(Dân trí) - Dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” được triển khai thiết thực. 580 trí thức trẻ đã được tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc các huyện miền núi đã phát huy được năng lực của bản thân vào thực tiễn công tác, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Thành công thu hút tri thức trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới
Tại Hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư thường trực BCH Trung ương Đoàn báo cáo tổng kết 10 năm về phong trào “Tuổi trẻ xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, báo cáo đặc biệt nhấn mạnh việc “Tổ chức các đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng nông thôn mới”.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” được triển khai thiết thực.
Kết quả, đã có 580 trí thức trẻ đã được tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc các huyện miền núi. Bước đầu, các trí thức trẻ đã phát huy được năng lực của bản thân vào thực tiễn công tác, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.
Chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện tham xây dựng nông thôn mới” đã phát huy đội ngũ giảng viên trẻ, sinh viên xuất sắc đã được đào tạo chuyên ngành, đội ngũ cán bộ ở các viện nghiên cứu và các sở ngành đến các địa bàn khó khăn hỗ trợ cư dân nông thôn xây dựng nông thôn mới.
"Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn thanh niên thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng KHCN mới trong sản xuất, kinh doanh", anh Tuấn nói.
Thanh niên tình nguyện đã hướng dẫn cho các bạn học sinh ở xã Ia Le (Gia Lai) sử dụng Internet.
Các hoạt động của các đội trí thức trẻ tình nguyện tập trung vào chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cho nhân dân; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; nghiên cứu các đề tài về nông nghiệp; định hướng cho cư dân các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao; tổ chức các hoạt động tình nguyện xây dựng các công trình dân sinh; giúp dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.
Một số tỉnh, thành đoàn đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh thành lập các đội hình trí thức trẻ, nòng cốt là sinh viên về tình nguyện tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Các hoạt động tình nguyện đã góp phần tích cực trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở nhiều xã.
Hạn chế và giải pháp
Đánh giá chung về hoạt động 10 năm phong trào, Bí thư thường trực BCH TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ ra được những mặt đã làm được, mặt còn hạn chế và các nguyên nhân.
Trong đó, công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại các xã chỉ đạo điểm của một số tỉnh, thành đoàn chưa được quan tâm thường xuyên, còn thiếu chủ động, trông chờ sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành và đoàn cấp trên.
Một số đơn vị còn chưa mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên.
Công tác tuyên truyền tại một số đơn vị vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu và tạo được khí thế thi đua thực sự trong đoàn viên, thanh niên; Nội dung, hình thức tuyên truyền còn rập khuôn, thiếu sự sáng tạo, đổi mới.
Việc hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn thông tin về kinh tế, cơ chế, chính sách, tiếp cận khoa học, công nghệ còn chưa đồng đều, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu, gặp nhiều khó khăn.
Thiếu nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ, giúp thanh niên tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Hoạt động tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa tại nông thôn chưa thể hiện rõ nét, nhiều đơn vị tổ chức hoạt động chưa thường xuyên, mới chỉ đẩy thành cao trào tại các đợt hoạt động cao điểm của Đoàn. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả và thông tin báo cáo ở một số tỉnh, thành đoàn chưa nghiêm túc.
Sau 10 năm tổ chức phong trào, báo cáo đã nêu ra những bài học kinh nghiệm là: Đoàn thanh niên phải bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đồng thời chủ động đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; Lựa chọn các tiêu chí tham gia phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên nông thôn tại cơ sở.
Đồng thời, phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động tuyên truyền tránh dàn trải, hình thức, tập trung vào tuyên truyền các mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo trong hoạt động xây dựng nông thôn mới. Cần củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có trình độ, kỹ năng, nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng được yêu cầu công việc. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi đua, khen thưởng, đảm bảo đúng người, đúng việc để cổ vũ phong trào trong thanh niên.
Mai Châm