5 sai lầm làm hỏng cuộc giao tiếp
(Dân trí) - Giao tiếp khéo léo là cả một nghệ thuật tinh tế đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh và sự rèn luyện không ngừng của mỗi người. Và trong khái niệm của nghệ thuật ấy, không có chỗ cho những sai lầm như dưới đây.
Nhiều người ngay khi nhập cuộc đã nói liên tu bất tận, nói đến quên mất là có người khác xung quanh đang chờ đến lượt nói. Được độc thoại, họ cảm thấy thỏa mãn khi những dòng suy nghĩ của họ được thể hiện dào dạt không bị ngắt quãng bất chấp sự thật là chẳng còn ai lắng nghe những sự “dạt dào” đó của họ nữa.
Những người này nhanh chóng gây khó chịu cho người nghe và dễ bị coi là kẻ ba hoa, mồm năm miệng mười.
Một số chuyên gia cũng hay mắc phải căn bệnh nghề nghiệp nguy hiểm này, như các giáo sư, thư ký, diễn giả, huấn luyện viên và một số người khác sống bằng nghề nói.
Cần phải ghi nhớ rằng, đối thoại tức là nói chuyện hai chiều, có sự trao đổi lẫn nhau giữa những người tham gia. Dù có háo hức được thể hiện những suy nghĩ của mình đến thế nào, bạn cũng cần phải ngừng nghỉ hợp lý để dành thời gian cho người khác được bày tỏ quan điểm của họ.
Hội chứng “Hớt tay trên” và “Tôi cũng vậy”Người nói bắt đầu một chủ đề và người nghe chộp ngay lấy nó và tiếp tục bằng màn độc thoại với chính họ là trung tâm. Ví dụ như, bạn nói: “Cuối tuần trước mình xem một bộ phim rất hay…” và người nghe nói ngay: “Ồ, mình cũng xem một bộ phim đấy…” và bắt đầu miêu tả rất say sưa và nhiệt tình về buổi xem phim của họ hôm đó, nào là họ đi cùng ai, mặc gì, rạp đông hay vắng… thôi thì đủ cả.
Người khởi xướng chủ đề phim không thể nào nói hết ý của họ bởi vì bị “cướp diễn đàn” trắng trợn. Đây là hành vi rất trẻ con và dễ gây bực dọc, nếu lặp đi lặp lại nhiều sẽ khiến người khác khó chịu mà bỏ đi.
Những lời khuyên “không mời”Khi ai đó đề cập đến một rắc rối nào đó, một số người ngay lập tức “tuôn ra” đủ các lời khuyên như: “Bạn đã thử cách này chưa?” hoặc “Tại sao bạn không…”
Nam giới thường có xu hướng này, phụ nữ cũng không phải là “miễn dịch” hoàn toàn. Thái độ “quá nhiệt tình” khuyên bảo người khác khá phổ biến ở những nhân vật “biết tuốt” như giáo viên, giám đốc, nhà quản lý hoặc luật sư.
Trong bất kỳ việc gì, không nên vội vã và nhiệt tình quá sớm. Khi ai đó nói đến vấn đề của họ, hãy để họ nói xong hết tất cả những gì cần nói, sau đó hãy hỏi họ như: “Bạn muốn biết ý kiến của mình hả?” hoặc “Bạn đã nghĩ đến phương án nào chưa?”. Khi họ đã thể hiện sự bế tắc hoặc mong muốn được giúp đỡ, lúc đó vẫn chưa muộn cho một lời khuyên răn góp ý.
Phủ nhận“Tôi không đồng ý với anh”, hoặc thận trọng hơn, “Vâng, nhưng…” là hai trong rất nhiều cách để “kết liễu”một cuộc nói chuyện. Dù trong hoàn cảnh chấp nhận những lời tranh luận thì những lời phủ nhận trực tiếp như thế cũng không thực sự được “hoan nghênh” khi mà cái được mong đợi là sự cộng tác và bàn luận cùng nhau.
Tốt hơn, hãy nghe cẩn thận và kỹ càng quan điểm của người nói để đảm bảo rằng bạn hiểu ý của họ, sau đó nếu chưa đồng tình với họ, bạn có thể nói: “Quan điểm của mình khác với của bạn. Để mình giải thích”. Khi ai đó cảm thấy họ được nghe và được lắng nghe, họ cũng vui vẻ và sẵn sàng hơn trong việc nghe và hiểu người khác bày tỏ quan điểm khác với họ.
“Bủn xỉn” lời nóiTrái ngược hẳn với những người thích độc thoại, thích “nhảy vào miệng” người khác, những người “bủn xỉn” trong giao tiếp chỉ biết nghe và nhận, không biết cho. Họ hạn chế thể hiện sự nhiệt tình, dè xẻn thông tin, tiết kiệm lời khen và sử dụng tối thiểu những yếu tố khác để tạo đà cho một cuộc nói chuyện.
Họ chỉ thích thu thập những gì người khác nói để làm lợi cho bản thân, và không đóng góp được chút gì. Họ không thích mạo hiểm, và trong khi người khác đang chia sẻ các kinh nghiệm của bản thân thì họ chỉ giữ “mặt lạnh” và im thin thít.
“Phong cách” quá thận trọng và chẳng mấy hào phóng này làm cuộc nói chuyện bị mất cân bằng và ở đó sự tin tưởng thực sự không thể nào tồn tại.
Ni Kha
Theo Hodu