5 cách giúp người trẻ đương đầu với tổn thương tâm lý
(Dân trí) - Đa phần các bạn trẻ luôn nghĩ về những nỗi buồn như một phần của cuộc sống. Vậy thực chất, những tâm hồn tuổi đôi mươi đó đã đương đầu với những tổn thương tâm lý của bản thân bằng cách nào?
Hoạt động thể chất để chữa lành vết thương tinh thần
Bạn Quỳnh Như (20 tuổi, sinh viên năm thứ 3 Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: "Nhìn vào bên trong, mình thấy mình có quá nhiều thương tổn. Mình là người khá quyết tâm và luôn trau chuốt trong mọi việc, nên mình rất ám ảnh với sự thành công. Đặc biệt là khi mình đã cố gắng rất nhiều nhưng không có kết quả, mình sẽ dễ bị suy sụp và tiêu cực rất nhiều".
Theo Quỳnh Như, đứng trước nhiều ngã rẽ cuộc đời ở tuổi đôi mươi, nhiều bạn trẻ cảm thấy mông lung và vô định. Không hiểu rõ mình đang làm gì, tương lai sẽ đi về đâu, không biết có nhận lại được thành quả gì không sau khi phải đánh đổi rất nhiều thứ...
Để đối phó với những cảm xúc tiêu cực ấy, theo Quỳnh Như: "Mỗi lần cảm thấy bản thân quá tiêu cực, mình thường ưu tiên những hoạt động liên quan đến thể chất trước.
Ví dụ như mình hay tập thể dục "điên loạn" một lúc để người mỏi nhừ và mồ hôi toát hết ra. Biện pháp ấy cũng rất hữu ích vì nó vừa giải phóng năng lượng tiêu cực mà đầu mình cũng nhẹ nhàng hẳn đi.
Sau đấy mình sẽ ngồi thiền, bình tĩnh nhìn lại mọi chuyện. Hay mình có thể đi bộ nhìn ngắm quang cảnh bên đường hoặc ngồi đan len, đọc sách và viết lách.
Mình nghĩ, khi cơ thể được hoạt động liên tục thì não bộ cũng tự nhiên quên đi những chuyện không vui. Quan trọng là lúc đó mình được nhìn lại vào bên trong bản thân, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì bên ngoài".
Tìm về thiên nhiên để lành lại những thương tổn
"Tìm về thiên nhiên cũng là một trong số những cách mình áp dụng mỗi lần bị tổn thương. Khi ngắm nhìn núi non hùng vĩ, hay biển cả mênh mông, hay chỉ đơn giản là thả mình vào một không gian rất rộng lớn.
Mình cảm thấy khi đứng trước những thứ to lớn như vậy, nỗi buồn của mình bỗng nhẹ bẫng đi. Và có lẽ vì thiên nhiên quá to lớn, nên nỗi buồn ấy của mình tự dưng nhỏ nhoi hẳn đi", Quỳnh Như chia sẻ.
Quỳnh Như còn gợi ý cho mọi người liệu pháp "tắm rừng". Việc tắm rừng là để đắm chìm các giác quan trong cảnh sắc và âm thanh của khung cảnh thiên nhiên.
"Chúng mình không cần phải đi lên rừng, đơn giản chỉ cần đi ra công viên, đi trên con đường yêu thích. Khi đã đến đích, hãy hít thở sâu vài lần và định tâm bản thân. Hãy để tâm trí cùng các giác quan khám phá và thưởng thức. Điều này vừa tốt cho sức khỏe lại vừa giải tỏa căng thẳng", Quỳnh Như nói thêm.
Thay đổi cách nhìn nhận và tiếp nhận về vấn đề tiêu cực
Bạn Đinh Trà My hiện đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ cách cô tiếp nhận với chuyện tiêu cực: "Có lần mình bị người ta lừa tiền, số tiền đó có lẽ không lớn với nhiều người, nhưng đối với một sinh viên chưa thể tự chủ kinh tế thì đó là một khoản tiền lớn.
Lúc đó mình rất sốc và sợ hãi, nhưng sau đó nghĩ lại rằng, việc buồn bã hoàn toàn không có ích gì trong tình huống này".
Đối với Trà My, sự việc mất tiền lại chính là động lực giúp cô tìm được một công việc mới. "Dù chỉ là đi làm để bù vào số tiền đã mất ấy, nhưng mình thật sự đã rất chăm chỉ và cố gắng để học hỏi nhiều điều.
Mình biết nhẫn nhịn và chịu đựng từ trong công việc, cảm giác được mình là người làm ra tiền. Nói chung là của đi thay người. Nếu không thể vãn hồi được số tiền đó thì hãy xem đó là một bài học, cách nghĩ đó đã khiến tâm trạng mình nhẹ nhõm hơn nhiều", Trà My chia sẻ.
Trò chuyện với bản thân để hiểu nỗi buồn của mình
Bạn Cẩm Tú (20 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ về câu chuyện tình bạn đau khổ của cô ấy: "Mình có một cô bạn rất thân chơi với nhau từ nhỏ đến lớn. Cảm giác như thể không gì có thể tách rời chúng mình vậy, nhưng một ngày tự dưng cô bạn ấy rời mình mà đi.
Khoảng thời gian đó đúng vào lúc ôn thi đại học và gia đình mình cũng đang có biến cố. Mình đã suy sụp đến nỗi không thể đứng dậy được.
Khoảng thời gian đó mình vô cùng bi quan, cảm giác như ai cũng tiêu cực với mình và mình cũng không thể đếm nổi những lần bật khóc vì chuyện đó. Mình đã có những suy nghĩ rất bồng bột thậm chí là muốn kết thúc cuộc sống ở đây.
Rồi sau đó mình đã tự trò chuyện với bản thân. Mình đặt ra hàng nghìn câu hỏi cho chính mình: Tại sao chúng mình chơi với nhau bao nhiêu năm rồi lại để xảy ra tình trạng như này?
Tại sao bạn ấy lại nói những lời khiến chúng mình xa nhau? Tại sao bản thân mình lại trở nên như vậy? Rồi tại sao mình lại để bản thân bị cảm xúc tiêu cực chèn ép, dồn nén đến nỗi không tự điều khiển được bản thân và dẫn đến những hành động ngớ ngẩn?".
Cẩm Tú nghĩ rằng khi tự trò chuyện với chính mình, ta sẽ tìm ra được nguyên nhân của nỗi buồn, biết được vấn đề nằm ở đâu, từ đâu mà đến. Vì khi biết được nguyên nhân của vấn đề, chúng ta sẽ đỡ đi được một phần suy nghĩ nặng nề.
"Khi biết được vì sao mình buồn, mình đã chấp nhận rằng sự hiện diện của bạn ấy không phải điều hiển nhiên và do khác biệt quá nhiều trong suy nghĩ mà bạn ấy đã rời đi", Cẩm Tú chia sẻ.
Đối với Tú, quá trình tự trò chuyện với chính mình không những buông bỏ được nỗi buồn, mà còn tìm ra điều bản thân mong muốn.
"Tóm gọn lại sau những mất mát ấy, mình nhận ra rằng những thứ mất đi thì không thể tìm lại được. Điều quan trọng nhất là mình cần tìm lại chính mình, mình cần trở nên tốt hơn, mình cũng suy nghĩ tích cực hơn. Mình tập trung hơn vào việc học và đã tìm được ra hướng đi riêng", Cẩm Tú nói.
Chấp nhận nỗi buồn cũng là một cách để giải phóng nỗi buồn
Đối với nhiều bạn trẻ, những người thân thường là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Nhưng với bạn Đào Linh Hương (20 tuổi, sinh viên Đại học Nội vụ), nỗi buồn đến từ chính những người mà cô yêu thương.
"Từ nhỏ mình đã không ở cùng bố mẹ nên không có cảm giác gần gũi, ngay cả chuyện tâm sự với bố mẹ cũng rất hiếm.
Hồi được nghỉ do dịch Covid-19, gia đình mình được ở cùng nhau trong một khoảng thời gian dài. Tưởng chừng đó là cơ hội để mọi người gắn kết hơn, nhưng chính nó lại là nguồn cơn gây ra nhiều mâu thuẫn.
Mình và bố mẹ rất ít nói chuyện nên đã gặp nhiều mâu thuẫn trong khi trò chuyện. Bố mình đôi khi nói hơi nhiều mà tính mình thì rất bướng bỉnh. Vì thế mà bất đồng quan điểm thường xuyên xảy ra", Linh Hương bộc bạch.
Linh Hương chia sẻ rằng trong khoảng thời gian đó cô thấy rất tiêu cực và suy nghĩ rất nhiều. Cả năm trời chỉ ở nhà, không đi đâu, không gặp gỡ ai. Ngày qua ngày chỉ sống chung với bốn bức tường.
"Lúc đấy mình bế tắc lắm, không biết phải làm gì. Cách duy nhất lúc này là chấp nhận tất cả nỗi buồn ấy. Mình mặc kệ mọi thứ và để bản thân ở trạng thái lơ lửng. Mình không né tránh mà cứ để bản thân được buồn, được khóc. Rồi theo thời gian vết thương đó cũng đã dần lành lại.
Từ khi học cách chấp nhận, mình cảm thấy bản thân tích cực hơn nhiều. Chẳng ai là luôn vui vẻ nên khi nỗi buồn ập đến thì phải chấp nhận thôi. Sau chuyện ấy mình cũng tập trung vào chuyện phát triển bản thân và đầu tư cho tương lai.
Mình nghĩ, khi cuộc đời chia cho mình những lá bài xấu, thì mình phải tự biến bản thân thành người chơi giỏi. Cách chấp nhận đó đã giúp mình thoải mái hơn nhiều", Linh Hương tâm sự.
Tóm lại, trong cuộc sống có vô số nguyên nhân khiến các bạn trẻ buồn bã. Nhưng điều quan trọng là mỗi người cần tìm ra cho mình biện pháp để đối mặt với những nỗi buồn đó.