48 giờ ở trại giam

Theo chân đoàn thực hiện chương trình Hành trình của niềm tin, chúng tớ có mặt tại trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) để sẵn sàng cho những trải nghiệm đặc biệt.

Anh Đặng Tất Dũng đang trò chuyện với phạm nhân.
Anh Đặng Tất Dũng đang trò chuyện với phạm nhân.

 

Những người trẻ mặc áo sọc đen

 

Ấn tượng với chúng tớ nhất là những câu chuyện của những người trẻ trong trại giam vì một phút nông nỗi mà đánh rơi những ngày tháng tươi trẻ của mình trong trại giam Thủ Đức.

 

Mồ côi bố, P.N (sinh năm 1992, TP.HCM) sống thiếu tình cảm từ nhỏ vì mẹ của bạn bỏ nhà đi liên miên. Kể từ ngày mẹ bị bắt vì tội vận chuyển ma túy năm 2006, cô bạn bắt đầu sống bạt mạng với những chuyến đua xe sinh tử. Nghe lời thách thức. N. làm quen với “hàng trắng”.
 

Cho đến năm 2011, N. bị bắt vì tội giống mẹ. “Gặp lại” mẹ trong hoàn cảnh rớt nước mắt, hai mẹ con N. được xếp cùng phân trại 1. Nhiều lúc nhìn thấy con cái của những phạm nhân ở đây đi thăm nuôi họ, N.cũng thấy tủi thân ghê gớm.

 

Trách mẹ thì ít, trách mình cứ đổ thừa cho hoàn cảnh mà không biết phấn đấu, vươn lên thì nhiều.

 

N. tâm sự: “Trong trại là khoảng thời gian hai mẹ con gặp nhau nhiều nhất. Tuy chỉ là những ánh mắt, động viên hỏi thăm nhau nhưng mình cũng thấy ấm lòng”.

 

Trại giam Thủ Đức rộng 48.000 ha có đủ loại “địa hình”: ao hồ, sông suối, đồng bằng, núi non với những thắng cảnh trên khắp Việt Nam như đền Hùng, hồ Hoàn Kiếm, chùa Thiên Mụ…

Một cán bộ quản giáo cho biết: “Phạm nhân đến từ khắp đất nước, nên chúng tôi cho xây thắng cảnh đặc trưng của từng vùng để họ đỡ nhớ quê hương.”

Được biết, đến dịp lễ, tết các phạm nhân thi đua phấn đấu để được lên thắp hương ở đền Hùng, chùa Thiên Mụ.

Còn M.D, từng là cô nữ sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) nhưng chỉ vì thích chứng tỏ mình, giương oai với bạn bè mà D. ngày càng trở nên lêu lỏng, “ăn chơi không sợ mưa rơi”. Hết tiền tiêu vặt, D. tham gia buôn bán ma túy và bị bắt.

 

Anh Nguyễn Đắc Đô, quản giáo trại giam Thủ Đức, cho biết phần lớn các phạm nhân trẻ tuổi khi vào đây đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt hoặc không được ba mẹ quan tâm. Cũng có nhiều bạn phạm tội do muốn chứng tỏ bản lĩnh anh hùng rơm của mình.

 

Rồi anh Đô kể cho chúng tớ nghe một câu chuyện. Một buổi trưa nắng, chạy ngang qua một rừng cao su nơi các phạm nhân đang làm việc, anh Đô nhìn thấy một phạm nhân chừng 18 tuổi, đứng bần thần ở một góc riêng.

 

Anh lại gần trò chuyện thì được biết bạn ấy vừa nhận được tin ba mình bị người trong dòng họ cấm cửa vì “tội” không biết dạy con.

 

Anh Đô khoác vai bạn ấy động viên: “Bây giờ em cố gắng cải tạo, chứng minh với cuộc đời và người thân rằng em luôn muốn làm một con người tốt. Khi nào gặp bất cứ vấn đề gì cần tâm sự thì cứ tìm đến anh…”.

 

Và anh thật bất ngờ khi bạn ấy rơm rớm nước mắt: “Phải chi em được ba mẹ, bạn bè hỏi han như anh, dù chỉ một lần, có lẽ em đã không phải vào đây…”.

 

Những ước mơ hướng thiện

 

Lúc mới bước vào khuôn viên trại giam Thủ Đức, chúng tớ bỗng liên tưởng đến ngôi làng xì trum, các phạm nhân người nào việc nấy người tỉa cây, người canh cổng, người học cắt tóc, người đang tập văn nghệ, người cạo mũ cao su…

 

Anh cán bộ quản giáo tên Thành cho biết những phạm nhân chấp hành tốt đều được tạo điều kiện để được tiếp tục những công việc chuyên môn đúng sở trường hoặc như mong muốn. Tùy theo quá trình phấn đấu, cải tạo sẽ được đưa vào các đội sản xuất, vừa sản xuất vừa “học nghề”.

 

P.N kể những ngày đầu trong đội sản xuất của trại giam, với đôi tay chỉ biết “đốt thuốc” và “rú ga” không quen xếp thịt cá vào khuôn, bạn ấy phải nhờ các chị cùng tổ xắn tay làm phụ mới kịp chỉ tiêu. Dần, cô bạn quen tay và chỉ mất 5 giờ để hoàn thành chỉ tiêu 7kg cá/1 ngày. Thời gian còn lại N. lên thư viện đọc sách hoặc giúp các chị khác.

 

N. chia sẻ: “Giờ mới biết lao động không chán như mình từng nghĩ, chỉ mong ngày trở về kiếm một công việc ổn định…”. Rồi cô bạn say sưa chia sẻ với chúng tôi dự án 4 năm mà bạn ấp ủ: “2 năm đầu đi làm kiếm vốn lận lưng, chờ ngày mẹ ra tù 2 mẹ con sẽ góp sức mở tiệm tạp hóa nhỏ ở nhà hoặc đẩy xe trái cây đi bán. Sớm tối có mẹ con quây quần bên nhau, vui hơn nhiều ”.

 

Còn M.D, với kinh nghiệm từ những lần làm đạo diễn cho các đợt văn nghệ của lớp mấy năm cấp 3, D được phân công làm trưởng đội văn nghệ trại giam từ 2 năm nay. Ở trong trại, phần lớn các bài hát mới, các động tác múa...

 

D. học lỏm qua truyền hình rồi chỉ lại cho các anh chị cùng đội. Với thành tích dẫn dắt đội văn nghệ trại giam Thủ Đức đoạt giải II toàn đoàn trong liên hoan ca- múa- nhạc dành cho phạm nhân toàn quốc Tiếng hát tình đời 2010, D. đang nuôi hi vọng sẽ tìm được một công việc phù hợp với đam mê nghệ thuật khi tái hòa nhập cộng đồng sau khi ra trại trước Tết.

 

Anh Đặng Tất Dũng, giảng viên Đại học Luật, Phó GĐ trung tâm Tư vấn pháp luật & đào tào ngắn hạn, phụ trách chương trình Hành trình niềm tin, chia sẻ: “Điểm chung nhất của các phạm nhân trẻ mà tôi từng gặp ở các trại giam là tính hướng thiện rất cao. Như một trường hợp phạm nhân phạm tội cướp giật. Nhìn vẻ ngoài bạn ấy rất “ngang tàng” nhưng khi nói chuyện thì lại nhắc nhiều đến gia đình. Bạn ấy chỉ mong muốn sau này được học nghề sửa xe để làm lại cuộc đời…”.

 

Đêm đến, khuôn viên trại giam êm ắng lạ thường, chúng tớ thì thầm “phát biểu cảm nghĩ” về chuyến đi. Nhớ đến câu chuyện của các phạm nhân trẻ tuổi, hai đứa dặn dò nhau: “Tuổi trẻ đẹp nhưng dễ vỡ. Phải ráng giữ gìn, đừng để nó rơi”. Rồi chúng tớ cùng “cao giọng” khi nói đến tương lai của những bạn trẻ sắp được mãn hạn tù: “Sẽ có nhiều ước mơ hướng thiện kia thành sự thật. Vì các bạn ấy có tuổi trẻ!”.

 

“Mình không muốn mẹ lên thăm!”

 

Anh Đặng Tất Dũng đang trò chuyện với phạm nhân.
Ngồi trong phòng thăm nuôi của trại giam nhưng H. (19 tuổi, nhà ở Vũng Tàu) cười buồn: “Mình không muốn mẹ lên thăm vì mẹ mình bị bệnh tim rất nặng.”

 

Ba mẹ li dị, H. sống với mẹ. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng mẹ vẫn cố gắng nuôi hai chị em H. ăn học. Hết lớp 9, H. nghỉ học, theo đám bạn trong xóm ăn chơi và phạm tội cố ý gây thương tích.

 

Chuyến thăm mình đợt rồi, H. thấy mẹ mình ốm đi nhiều lắm nhưng khi hỏi thăm thì mẹ H. nói cô vẫn bình thường.

 

Sau này, gặp người quen, H. mới biết mẹ đang bị bệnh tim. H. bùi ngùi: “Mình lo lắm. Ở trại có những anh chị mồ côi trong lúc đang thụ án. Mình chỉ mong sao mẹ khỏe mạnh để mình còn được báo hiếu!”.

Chỉ còn 3 tuần là H. được mãn hạn tù, về với mẹ. H. sẽ học cắt tóc và mở một tiệm cắt tóc nhỏ. “Mình cũng không ước mơ gì lớn lao, chỉ mong được như vậy và kiếm đủ tiền để chữa bệnh cho mẹ. “, H. tâm sự.

 

Theo Duy Minh - Minh Đức
Mực Tím