Khát vọng tuổi trẻ:

40 tuổi sẽ là Phó Chủ tịch nước

(Dân trí) - Với phương châm “Thanh niên phải có ước mơ lớn”, Trần Thị Lê Dung - 23 tuổi, cô sinh viên liên tục nằm trong top 10 sinh viên giỏi nhất trường ĐH KHXH&NV TPHCM, cũng có một ước mơ cho riêng mình: “40 tuổi sẽ trở thành Phó Chủ tịch nước!”

Ước mơ lớn của cô sinh viên nhỏ 

“Khi Dung tuyên bố điều đó, rất nhiều người ngạc nhiên. Vì ở Việt Nam 40 tuổi vẫn là quá trẻ để giữ những cương vị như thế!”- Dung cười, tự tin nói tiếp: “Mình là những người trẻ, mình nghĩ tại sao lại phải phát triển tuần tự mà không có những bước đột phá. Vả lại, bộ máy lãnh đạo nước ta hiện nay đang ngày càng trẻ hóa, bằng chứng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trẻ hơn các Thủ tướng trước rất nhiều”.  

Và Dung cho rằng: “Phó chủ tịch nước thì thiên về quản lý đất nước. Để đất nước phát triển được cần phải có những cái đầu trẻ. Do vậy, 40 tuổi là vừa đẹp, có sức trẻ và táo bạo, có cái đầu tỉnh táo và kinh nghiệm”.

 

Nếu không biết gì về cô gái này, có lẽ nhiều người sẽ bảo cô thật kiêu ngạo. Lê Dung lại là người có quan điểm: “Ước mơ phải nằm trong tầm tay của mình, trong khả năng mình có thể vươn tới…”. Vậy, cô cũng cho là ước mơ của mình nằm trong tầm tay?

 

Có lẽ thế! Vì chỉ mới 23 tuổi nhưng Lê Dung đã có vốn kiến thức và những thành tích đáng nể. Thời sinh viên, cô liên tục nằm trong top 10 sinh viên học giỏi nhất trường. Năm 2005 được tuyên dương Thanh niên tiên tiến TPHCM. Cô còn là thí sinh có số điểm cao nhất và được Ban giám khảo đánh giá có tài năng lãnh đạo khi tham gia diễn đàn Sáng kiến lãnh đạo trẻ châu Á Hitachi lần thứ 8, tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 1/2007.

 

Gần đây nhất, Lê Dung giữ vai trò điều phối viên cho cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Hội nghị APEC 14. Và hiện tại, cô là giảng viên khoa Ngữ văn Anh trường ĐH KHXH&NV TPHCM, phụ trách quản lý sinh viên, Bí thư chi bộ Sinh viên trường, Phó Bí thư thường trực Đoàn trường.

 

Khi được hỏi “Với cương vị một nhà lãnh đạo, Dung sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề gì?”. Không ngần ngại, cô cho biết: giáo dục và dân sinh. Vì theo Dung, giáo dục là nguồn gốc của mọi sự biến đổi và phát triển cả xã hội, bất kể trong lĩnh vực nào. Và mọi sự phát triển kinh tế, xã hội đều để phục vụ mục đích giúp cho cuộc sống nhân dân tốt hơn. Do đó, phải chú ý đến dân sinh trong mọi quyết sách.

 

Và không chờ đến khi làm lãnh đạo, Dung đã đề cập đến vấn đề dân sinh ngay trong diễn đàn Sáng kiến lãnh đạo trẻ châu Á Hitachi với đề tài “Môi trường nước ở đồng bằng sông Cửu Long”. Đề tài này phản ảnh một thực trạng: dù có hệ thống nước máy nhưng hàng vạn hộ dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn dùng nước sông, từ tắm giặt cho đến ăn uống,… vì không đủ khả năng chi trả cho nước sạch.

 

Dung cho biết: “Vấn đề lớn nhất Dung đặt ra trong đề tài này không chỉ là môi trường, mà quan trọng nhất là phụ nữ và trẻ em. Đó là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và dễ bị ảnh hưởng nhất vì vấn đề môi trường. Từ luận điểm đó, Dung cũng có một số ý kiến đóng góp để cải tạo thực trạng nước sạch không đến được với bà con nông dân nghèo. Hy vọng những điều đó sẽ được các cấp lãnh đạo chú tâm tới”.

 

Hãy cứ ước mơ đi!

 

40 tuổi sẽ là Phó Chủ tịch nước - 1
 "Ước mơ là một động lực thúc mình tiến về phía trước".

  

“Dù Lê Dung rất giỏi, rất nỗ lực, nhưng Dung có bao giờ nghĩ ước mơ của mình quá lớn không?”. Dung cho rằng: “Ước mơ là một động lực thúc mình tiến về phía trước. Ước mơ càng lớn, lực thúc ấy càng mạnh. Điều đó sẽ giúp Dung có động lực để tiến nhanh hơn”.

 

Và theo Lê Dung, ước mơ cũng là một mục tiêu của cuộc đời, phải lập ra kế hoạch để chinh phục mục tiêu đó. Cô cũng đã có kế hoạch cho mình. Trước mắt là sẽ trau giồi khả năng chuyên môn, trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc. Do đó, trong 3 năm đầu cô sẽ chuyên tâm vào việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu. Hiện Lê Dung đang theo học thạc sĩ ngành Ứng dụng ngôn ngữ và văn bằng 2 ngành Quan hệ quốc tế.

 

Không chỉ chú tâm nâng cao trình độ, Lê Dung còn muốn nâng cao kinh nghiệm hoạt động xã hội của mình. Vì vậy, cô đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ Sinh viên và Phó Bí thư thường trực Đoàn trường. “Đây chính là bước đi chập chững trên con đường chính trị và sẽ mang lại cho bản thân mình những kinh nghiệm sống động mà không sách vở nào cung cấp được” - Dung tâm sự.

 

Với tất cả các bạn thanh niên, Lê Dung chia sẻ: “Hãy cứ ước mơ đi! Vì khi có ước mơ, bạn sẽ biết mình phải làm gì. Ước mơ ấy sẽ “đá đít” bạn tiến tới. Có thể bạn sẽ không đạt được tất cả những điều mình muốn, nhưng chắc chắn bạn sẽ đạt được một số điều nào đó, thành công ở một mức độ nào đó. Chứ nếu không có ước mơ, bạn sẽ chẳng đạt được gì”.

 

Theo Dung, cách sống và cách nghĩ của mỗi người do rất nhiều yếu tố tác động tới, quan trọng nhất là gia đình. Dung vốn sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ, chị em đều tham gia hoạt động Đoàn. Cho nên, ý niệm sống cống hiến và đầy hoài bão luôn ấp ủ trong cô. Nhưng còn hàng vạn bạn trẻ thiếu may mắn, không được sự quan tâm của gia đình thì sao? Lê Dung cho rằng: “Lúc này vai trò của Đoàn, Hội cần được thể hiện hơn bao giờ hết. Đoàn cần kéo những thanh niên ấy về với xã hội, về với cuộc sống ý nghĩa. Nếu có hiện tượng thanh niên sa ngã, một phần trách nhiệm là của tổ chức Đoàn, Hội”.

 

Và Lê Dung cũng biết trên con đường thực hiện ước mơ chắc chắn gặp nhiều chông gai, trở ngại, thậm chí có thể vấp ngã. “Đó là hiển nhiên, nhưng quan trọng nhất là mình sẽ đứng lên như thế nào. Một người trẻ phải mạnh mẽ và đứng lên một cách dứt khoát. Hãy nhìn lại thất bại để rút kinh nghiệm cho sự thành công mai sau. Đừng nhìn thất bại với ánh mắt nuối tiếc và chán chường”- Dung khẳng khái nói.

 

“Cũng có lúc mình nên nhìn lại và quyết định có nên tiếp tục theo đuổi ước mơ đó hay không. Tùy vào hoàn cảnh, bạn có thể từ bỏ ước mơ ấy nhưng bạn sẽ xây dựng một ước mơ mới, một mục tiêu mới cho cuộc đời. Cuộc đời là không có điểm dừng, không có vị trí kết thúc. Ước mơ cũng vậy, nó luôn vươn cao hơn hay thay đổi từ hướng này sang hướng khác. Nhưng quan trọng là phải luôn có một ước mơ, luôn có một điểm sáng để ta phấn đấu đạt đến”, Dung nói thêm.

 

Tùng Nguyên
Chuyên san Trí Tri số 20