4 "họa sĩ nhí" và lớp dạy vẽ đặc biệt cho trẻ câm điếc
(Dân trí) - Ngày 14/12, bốn "họa sĩ nhí" Hà Nội đã tổ chức lớp dạy vẽ đặc biệt mang tên "Nét cọ trẻ thơ" dành cho học sinh câm điếc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Văn Dương Thành cùng 4 học trò - là các "họa sĩ nhí" ở độ tuổi 12 - 15 tuổi, gồm Nguyễn Quang Minh, Trần Khánh Linh, Lê Châu Anh, Nguyễn Linh Chi đã hướng dẫn các học sinh câm điếc vẽ những bức tranh đầy sống động, ý nghĩa.
Sự hào hứng, thích thú được thể hiện rõ trên gương mặt của 25 khách mời - là những học sinh đến từ trường PTCS Dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội.
Em Sơn Tùng, một học sinh tham gia buổi học, chia sẻ: "Tớ rất thích vẽ tranh. Tớ rất vui khi được đến dự triển lãm tranh và tham gia vẽ cùng các bạn.
Các bạn ấy vẽ rất đẹp, giống như họa sĩ chuyên nghiệp. Các bạn ấy đã hướng dẫn chúng tớ vẽ, còn chúng tớ dạy các bạn ấy ngôn ngữ ký hiệu. Buổi học rất thú vị và đáng nhớ".
Là một trong những học trò lâu năm của họa sĩ Văn Dương Thành, Nguyễn Quang Minh (15 tuổi, đang học lớp 10 Trường Marie Curie Hà Nội), Trưởng ban Dự án L'âme chia sẻ: "Hãy vẽ theo cách của mình. Hãy vẽ những gì mình thấy. Hãy sáng tạo theo trí tưởng tượng của mình. Đừng sợ vẽ xấu và hãy yêu những điều mà bạn vẽ ra!
Ngoài hội họa, thời gian tới, chúng mình sẽ tổ chức nhiều workshop, buổi biểu diễn về lĩnh vực nhảy múa, âm nhạc đến với cộng đồng nhiều hơn".
Cô Mạc Chung Thủy (Hiệu trưởng Trường PTCS Dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội) xúc động nói: "Học sinh rất thích, hào hứng. Và thông qua những chia sẻ của các họa sĩ nhí trường Marie Curie, các con thấy được sự lao động vất vả trong sáng tác nghệ thuật. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều buổi giao lưu nhân văn, ý nghĩa như thế này trong thời gian tới".
Lớp học vẽ này nằm trong chuỗi hoạt động của dự án phi lợi nhuận L'âme do các bạn trẻ Hà Nội tổ chức với thông điệp: "Nghệ thuật không đơn thuần là thưởng thức cái đẹp, nghệ thuật giúp chúng ta xoa dịu tâm hồn".
Dự án này được thành lập với mong muốn đưa các môn nghệ thuật như: âm nhạc, hội họa và nhảy múa (ballet, múa đương đại, hiphop, dancesport...) đến cộng đồng thông qua các khóa học ngắn hạn, các buổi workshop hoặc biểu diễn; qua đó giúp các bạn khơi gợi tiềm năng, niềm đam mê nghệ thuật và làm phong phú tâm hồn...
Có mặt tại lớp học, họa sĩ Văn Dương Thành - cố vấn chuyên môn cho dự án, chia sẻ: "Tôi rất cảm động khi tham gia dự án xã hội có ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp như thế này.
Các họa sĩ nhỏ tuổi ở đây sẽ là những "hạt giống" chia sẻ kiến thức hội họa, kỹ năng, niềm đam mê đến với cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ kém may mắn.
Thông qua nghệ thuật, các em sẽ thể hiện niềm vui, tâm hồn; từ đó sẽ cảm thấy yêu đời, lạc quan, tự tin hơn trong cuộc sống".
Nghệ thuật đã mang mọi người đến gần nhau hơn. Qua những nét cọ, các "họa sĩ nhí" cùng đắm chìm trong nghệ thuật, xóa tan rào cản ngôn ngữ, biến không gian buổi workshop trở nên ấm cúng, gần gũi.