1001 cách học không tốn tiền giữa Sài Gòn
Ở Sài Gòn, nếu nhiều tiền bạn có thể đăng ký học những khóa Anh văn, vi tính máy lạnh, chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã nghĩ cách học tiết kiệm mà góp nhặt được “đầy ắp túi khôn”.
Anh Khoa, tân cử nhân ĐH Sư phạm An Giang vừa có một quyết định làm kinh ngạc người thân và bạn bè. Tốt nghiệp loại khá ngành Toán, tương lai của Khoa vạch rõ ràng: được nhận làm thầy giáo cấp III ở một trường điểm của tỉnh. Thế nhưng, Khoa lại thuyết phục gia đình cho mình "khăn gói quả mướp" lên Sài Gòn ở nhờ người bà con để tự lập một thời gian.
Khoa tâm sự, lúc tốt nghiệp phổ thông vì nhà không khá giả, đành gác giấc mơ học ở Sài Gòn, giờ ra trường, cảm thấy đủ tự tin, cậu muốn biết được không khí và môi trường sống, học tập ở một thành phố lớn của cả nước như thế nào.
Công việc tạm thời đầu tiên của chàng cử nhân này là làm nhân viên phục vụ ở quán cà phê Highland gần tòa cao ốc Sài Gòn Centre Plaza. Khoa đang kiếm thêm một chân dạy kèm môn Toán để tích góp tiền theo một khóa học vi tính. "Rồi tôi sẽ về quê để ổn định cuộc sống nhưng đây là giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi", Khoa vui vẻ nói.
Không chỉ riêng Khoa, hằng năm, TPHCM đón không biết bao nhiêu thanh niên đến như một vùng đất hứa để lập thân, lập nghiệp. Nhưng nhiều người trong số họ bỏ qua những cơ hội học tập quý báu vì lý do: mải kiếm tiền, bị cuốn thời gian theo cuộc sống đầy ắp thứ vui chơi, giải trí hay thiếu tự tin để "hòa nhập"...
Thùy Linh, nhân viên ngân hàng ở Cần Thơ, đến giờ vẫn còn tiếc rẻ tháng ngày sinh viên. Linh tóm tắt 4 năm đại học ở Sài Gòn của mình: Năm 1: bỡ ngỡ, loay hoay với cuộc sống mới. Năm 2, năm 3: đã làm quen với nhịp sống Sài Gòn thì đắt show dạy kèm, nên vừa làm vừa học đến bở hơi tai. Năm 4: vắt giò lên cổ để học, thi tốt nghiệp.
Bây giờ về quê làm việc, nghĩ lại Linh thấy mình chẳng biết Bảo tàng lịch sử TPHCM ở đâu, phải lật sách du lịch ra tìm hiểu.
Khác với Linh, Quốc Thanh, sinh viên Bách Khoa, lại rất biết cách chia thời gian học của mình. Là dân kỹ thuật nhưng rảnh là Thanh quảy ba lô rong ruổi. "Không có tiền du lịch xa, thì học ngay nơi mình đang sống vậy. Chỉ cần tản bộ vài vỉa hè Sài Gòn cũng quan sát khối thứ hay, còn vào Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM thì chỉ có 5.000 đồng à", anh chàng lém lỉnh nói.
Quế Chi, quê Cà Mau, gia đình rất khá giả nên được bố mua cho một căn nhà khang trang tại một con đường đắt đỏ ở Sài Gòn. Với Linh, việc học xa nhà thật ra chỉ là xê dịch về địa điểm, còn ở quê hay Sài Gòn Linh đều giữ nếp sống như nhau. Sáng cưỡi chiếc Attila đi học, trưa về nhà đánh một giấc, chiều lên giảng đường chăm chỉ ghi chép, tối đến lớp Anh văn luyện giọng, nhưng thật ra cũng chỉ để khoe áo thời trang và tán chuyện. Về nhà chui vào căn phòng đầy đủ tiện nghi, Internet nối mạng toàn cầu mà cô nàng chỉ muốn lăn ra ngủ.
Nhiều người trẻ vì túi tiền hơi lép của mình đã vắt óc nghĩ ra những cách vừa lo kiếm tiền, vừa kết hợp học tiếng Anh, hội họa, vi tính… năng nổ tham gia hoạt động xã hội, biết nhìn ngó và ghi nhận và quan sát cuộc sống. Áp dụng phương thức “lấy công làm lời”, ví dụ: không tiền mua một quyển sách mình thích để về nhà nằm đọc cho thoải mái, thì chịu khó đứng nhẵn mặt ở các nhà sách lớn đọc "cọp". Muốn tiếp cận Internet thì chịu khó chen chân ở phòng net của trường, hay của thư viện Tổng hợp thành phố...
Chuyện lấy được bằng C tiếng Anh loại khá và đạt điểm 9 môn Anh văn chuyên ngành Báo chí của Thu Trang, sinh viên khoa Ngữ văn - báo chí, ĐH KHXH&NV, rất ấn tượng với bạn bè cùng khóa. Tiền hằng tháng ba mẹ gửi chỉ vừa khít tiền nhà và ăn uống nên Vân không thể đăng ký học ở trung tâm.
Cô nàng có quyển sổ nhỏ ghi chép cẩn thận những từ mới, cách dùng từ, đặt câu. Mảnh bao bì, hộp giấy nào có chữ tiếng Anh chỉ thoát khỏi tay Trang khi đã được dịch kỹ càng. Mỗi lần lướt net, cô tranh thủ search (tìm kiếm) thật nhiều bài học trên mạng, lưu vào đĩa A rồi về trường in lại với giá rẻ. Chỉ học từ từ như thế mà đến nay, Trang có thể tự tin đọc báo tiếng Anh, giúp các bạn học yếu trong lớp.
Còn Mai Trang, sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết, sáng chủ nhật nào cô cũng cùng người bạn thân của mình cố gắng dậy sớm đi CLB tiếng Anh và Hoa ở Nhà Văn hóa thanh niên TPHCM. Trang chia sẻ kinh nghiệm đi CLB Anh văn bằng những lời khuyên, phải biết "chọn mặt gửi vàng" lựa người giỏi ngồi gần để luyện nghe và nói, giữ gìn cẩn thận tờ chủ đề hàng tuần để luyện dịch và học thành ngữ...
Nhiều bạn trẻ ví Sài Gòn sôi động là một trường "đại học mở", ở đó có thể vừa học vừa hành, bắt nhịp ngay với cuộc sống. Mai Linh, Thu Nga cùng nhóm bạn ĐH dân lập Văn Lang là những người rất hiểu điều đó. Học ngành du lịch nên mỗi lần thành phố tổ chức những Ngày hội du lịch lớn, nhỏ các bạn đều tham gia nhiệt tình, thu thập những brochure của các công ty, hỏi han kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội ...
Còn với Tôn Nữ Ngọc Hân và các bạn ĐH Kinh tế, thì buổi tọa đàm về cuốn sách best - seller Thế giới phẳng (Thomas Friedman) được tổ chức tại Hội Nhà báo TP vừa qua là buổi học "free" hay nhất mà các bạn từng tham gia.
Đôi khi không cần đến tiền, hoặc tốn không quá nhiều tiền như đã nghĩ, nhiều bạn trẻ vẫn tự tin trang bị cho mình một vốn kiến thức tổng hợp phong phú, khả năng giao tiếp nhạy bén và nhất là bản lĩnh của một người trẻ dám nghĩ, dám làm. Đó là nguồn kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà nếu chỉ ỷ lại vào túi tiền rủng rỉnh thì không biết đến bao giờ người trẻ sở hữu được chúng.
Điều chắc chắn là có 1001... cách học không tốn quá nhiều tiền, còn việc học gì, phương pháp như thế nào, nhằm hướng đến điều gì tùy thuộc vào mục tiêu và óc suy nghĩ sáng tạo của người học.
Theo Anh Vân
Vnexpress