Tài năng CNTT Việt cùng “nóng” với Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2018
ản phẩm thuộc lĩnh vực CNTT Kết nối, Di động năm nay thu hút đông đảo số lượng tác giả. Các sản phẩm được Hội đồng sơ khảo đánh giá đi đúng xu thế công nghệ cũng như hướng tới những vấn đề nóng trong xã hội hiện nay. Hội đồng sơ khảo đã phải cân nhắc, lựa chọn rất kỹ lưỡng những đại diện đi tiếp vào vòng trong. Do vậy, sức nóng của vòng bảo vệ chung khảo cũng không hề giảm…
Là nhóm tác giả đầu tiên lĩnh vực CNTT Kết nối, Di động bảo vệ trước hội đồng, nhóm tác giả sản phẩm FVET Vietnam, sản phẩm của Công ty TNHH FVET Việt Nam là ứng dụng di động đầu tiên tại Việt Nam giúp người chăn nuôi hỏi ngay bác sĩ thú y và chuyên gia. Bằng việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản, ứng dụng FVET Vietnam giúp người chăn nuôi có thể hỏi ngay bác sĩ thú y và chuyên gia về các vấn đề mà họ đang gặp khó khăn. Sau khi trình bày sản phẩm trước hội đồng, câu hỏi được quan tâm đầu tiên là khả năng kinh doanh, thương mại của sản phẩm. Đại diện nhóm tác giả chia sẻ, ở thời điểm này, nhóm đã có một đơn vị đề nghị được mua độc quyền sản phẩm. Tuy nhiên, điều các giám khảo quan tâm hơn vẫn là lõi công nghệ được nhóm tác giả ứng dụng để triển khai ứng dụng. Vấn đề này đã được hội đồng giám khảo “xoay” nhóm tác giả phần lớn thời gian.
Nền tảng đặt và điều vận xe trực tuyến EMDDI của nhóm tác giả đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty CP EMDDI không chỉ cung cấp công cụ cho hàng trăm công ty, mà còn là sản phẩm duy nhất thống nhất được sức mạnh cạnh tranh của các công ty vận tải hành khách trước sức ép của các công ty nước ngoài với sức mạnh tài chính vượt trội. Bài trình bày của nhóm tác giả được Hội đồng giám khảo đánh giá rất ấn tượng. Giải pháp đã cộng hưởng sức mạnh của các đơn vị vận tải tăng cường khả năng cạnh tranh bằng công nghệ. Ngoài ra còn đem lại những lợi ích cho người sử dụng.
Đại diện nhóm tác giả khẳng định, EMDDI không kinh doanh vận tải mà chỉ ứng dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ kết nối, tự đặt cho mình sứ mạng hỗ trợ cho các tổ chức vận tải hành khách, trước hết là công ty taxi Việt cạnh tranh được bằng công nghệ. Để làm điều này, phần mềm không chỉ có mọi chức năng đặt và điều xe hợp đồng điện tử mà còn nhận chuyến từ điện thoại, nhận chuyến qua đường, điều xe bằng áp và hỗ trợ cho cả điều xe qua bộ đàm. “Không đơn thuần là một phần mềm ứng dụng, EMDDI thực sự là một nền tảng, cung cấp dịch vụ kết nối và quản trị cho các đơn vị vận tải hành khách. EMDDI không kinh doanh vận tải mà thực sự cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin kết nối, không chỉ cho lái xe và hành khách mà còn kết nối các đơn vị vận tải hành khách. “EMDDI nếu giống Uber/Grap thì chắc chắn sẽ không đăng ký tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt” – đại diện nhóm tác giả chia sẻ.
Ứng dụng hệ sinh thái gọi xe Fastgo của Công ty CP FastGo Việt Nam kết nối những khách hàng có nhu cầu đi xe với các đối tác tài xế. FastGo Việt Nam cung cấp dịch vụ gọi xe ô tô gồm FastCar, FastTaxi và dịch vụ xe hai bánh FastBike. Fastgo hiện đã có mặt tại 5 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và dự kiến sẽ được cho ra mắt tại Nha Trang, Quảng Ninh vào ngày 23/11/2018. FastGo Việt Nam vừa ký kết hợp tác với tập đoàn Asia Sun Group để triển khai dịch vụ FastGo tại Myanmar từ tháng 12/2018. FastGo là ứng dụng gọi xe có bảo hiểm trên từng chuyến đi đầu tiên tại Việt Nam gồm 04 loại: FastTaxi: dịch vụ gọi xe taxi truyền thống (4-7 chỗ); FastCar: dịch vụ gọi xe cá nhân (4-7 chỗ); FastLuxury: dịch vụ gọi xe sang trọng; FastBike: dịch vụ gọi xe 2 bánh; JustGo: dịch vụ gọi xe Taxi và Car gần nhất. Ngoài ra, ứng dụng còn có tính năng bảo hiểm chuyến đi và tính năng vay tiền khẩn cấp.
Tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 với mong muốn góp sức nâng cao chất lượng phục vụ người dân, Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là một hệ thống được xây dựng để giám sát, điều hành xử lý hiện trường và tổng hợp báo cáo và khi xảy ra mưa trên địa bàn Hà Nội. Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước là một hệ thống được xây dựng để giám sát, điều hành xử lý hiện trường và tổng hợp báo cáo và khi xảy ra mưa trên địa bàn Hà Nội, đây là là một hệ thống tích hợp thông tin của các ứng dụng quản lý và thiết bị giám sát tự động đặt ngoài hiện trường như: thiết bị đo mưa tự động, thiết bị đo mực nước tự động, thiết bị giám sát vận hành bơm, camera giám sát điểm ngập, ứng dụng quản lý điểm ngập, ứng dụng quản lý đóng mở cửa phai các hồ. Tất cả các ứng dụng và thiết bị giám sát đều do Công ty chủ động xây dựng và phát triển.
Theo giới thiệu của nhóm, sản phẩm Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước rất dễ sử dụng, có tính thiết thực trong công tác quản lý, giải quyết các vấn đề của hệ thống thoát nước khi mưa bão trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối với sản phẩm Ứng dụng phần mềm HSDC Maps đã được thử nghiệm thực tế, có thể hoạt động trên các thiết bị di động có giao tiếp kết nối cao, có khả năng tương tác và kết nối đồng thời với nhiều loại thiết bị di động và thiết bị cầm tay khác.
Đặc biệt, Ứng dụng HSDC Maps hỗ trợ người dân biết các thông tin như lượng mưa, điểm ngập lụt; hình ảnh thời gian thực tại điểm ngập, cảnh báo mưa dông… một cách chính xác, nhanh chóng, thuận tiện, trực quan. Đảm bảo an toàn cũng như tránh các rủi ro khi di chuyển trên đường trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, người dân có thể gửi tương tác trực tiếp bằng hình ảnh, tin nhắn để thông báo cho Trung tâm giám sát qua công cụ “Gửi thông tin”. Bên cạnh những lợi ích trên, thì ứng dụng HSDC Maps cũng có một số các hạn chế như: truy cập đôi khi bị chậm, mất tín hiệu, hình ảnh trực tuyến bị sự cố mạng, chưa có hạng mục ‘dẫn đường’ thời gian thực khi có úng ngập, mưa bão…
Nguyện vọng của nhóm, sau khi tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018, sẽ xây dựng được một trung tâm điều hành với đầy đủ các chức năng như: Máy đo mưa, đo nước, giám sát vận hành bơm, hệ thống cửa phai tự động, giám sát trực tiếp các điểm úng ngập, hệ thống mô phỏng ngập lụt… Những nỗ lực trên của nhóm tác giả được Hội đồng Giám khảo Giải thưởng đánh giá cao.
Trợ lý ảo thông minh trợ giúp sinh viên PTIT-Chatbot của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ra đời với mục đích hỗ trợ sinh viên mới của các trường đại học, cao đẳng về các vấn đề trong khuôn viên trường cũng như đời sống để các em có những bước chuẩn bị tốt nhất khi bước chân vào môi trường học tập mới. Sản phẩm có khả năng giải đáp các thắc mắc của sinh viên mới trên các lĩnh vực về Nhà trường và đời sống. PTIT-Chatbot có khả năng hỗ trợ giải đáp những vấn đề được quan tâm nhất của sinh viên khi học tập tại môi trường mới như: thông tin liên quan đến học phí, quy định khi đóng tiền học; các hình thức miễn, giảm học phí; các thông tin về vị trí, cách liên lạc với các phòng, ban trong Nhà trường; thông tin về các câu lạc bộ; thông tin về công tác sinh viên, các hoạt động của đoàn thanh niên; các thông tin về quy chế tính điểm, cách đăng ký các môn học; quy định về khen thưởng, học bổng; các thông tin về lịch học, thời khóa biểu; … PTIT-Chatbot cũng có khả năng hỗ trợ quản lý lộ trình học tập của sinh viên như: điểm thi, số lượng tín chỉ, học phần đã hoàn thành; các giải thưởng, học bổng mà sinh viên đã đạt được; … Từ đó hỗ trợ sinh viên có kế hoạch học tập phù hợp, tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ sinh viên hòa nhập nhanh mới môi trường học tập mới, trợ lý ảo còn có khả năng giải đáp các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của sinh viên. Các câu trả lời được thu thập, đóng góp từ những chia sẻ, lời khuyên của các thầy cô trong nhà trường cũng như của sinh viên khóa trên. PTIT-Chatbot có khả năng đặt các câu hỏi ngược lại người sử dụng khi nhận thấy các thông tin thu thập được còn thiếu và chưa đầy đủ cho việc xác định câu trả lời. PTIT-Chatbot có khả năng tương tác với người dùng thông qua giọng nhằm tăng khả năng trải nghiệm và đơn giản hoá quá trình sử dụng.
Phạm Lê – VnMedia