“Khởi nghiệp châu Á TBD”: Sức hút lớn với các tập đoàn đa quốc gia

(Dân trí) - Ngày 19/9 vừa qua, các đại biểu tham dự cuộc thi “Khởi nghiệp châu Á Thái Bình Dương” do Mạng lưới Ươm tạo Doanh Nghiệp châu Á Thái Bình Dương APIN và Tập đoàn Intel đồng tổ chức đã có buổi đàm thoại tại trụ sở của Tập đoàn Intel tại Bangalore, Ấn Độ.

“Khởi nghiệp châu Á TBD”: Sức hút lớn với các tập đoàn đa quốc gia - 1

Ông Kishore Balaji, Giám Đốc Đối Ngoại Doanh Nghiệp Intel khu vực Tây Nam Ấn Độ chia sẻ trong buổi tọa đàm.

Cùng tham gia trong buổi tọa đàm có ông Jitendra Chaddah - tổng giám đốc Intel tại Ấn Độ, ông Kishore Balaji - giám đốc đối ngoại doanh nghiệp Intel khu vực Tây Nam Ấn Độ và ông Suresh Kumar - tổng thư ký Mạng lưới Ươm tạo doanh nghiệp châu Á Thái Bình Dương.

Trao đổi với các đại diện dự thi đến từ 10 quốc gia, tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý cấp cao của tập đoàn Intel tại Ấn Độ đã chia sẻ về mong muốn, định hướng và chiến lược trong việc đầu tư các doanh nghiệp khởi sự trong lĩnh vực Công nghệ thông tin ở các nước châu Á.

Khi nói về môi trường khởi nghiệp ở các nước châu Á Thái Bình Dương, ông Kuresh Sumar chia sẻ: “Môi trường ở các quốc gia châu Á Thái Bình Dương rất thuận lợi đối với các thế hệ khởi nghiệp. Họ có thể tiếp thu tinh hoa, học hỏi các mô hình đã thành công ở các nước đi trước rất nhanh với khả năng địa phương hóa phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Rất nhiều các doanh nghiệp mới khởi sự đã thu về hàng triệu đô chỉ sau 2 năm hoạt động.”

Với sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin những năm trở lại đây, các doanh nghiệp khởi sự đang tạo nên một sức hút rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia. Đề cập đến việc đặt tới 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại thành phố Bangalore, Ấn Độ, ông Jitendra Chaddah, chia sẻ: “Chúng tôi muốn đầu tư nhiều vào lĩnh vực Công nghệ thông tin, phần cứng, phần mềm và các dịch vụ đi kèm. Ấn Độ cũng như các quốc gia châu Á có nền Công nghệ thông tin phát triển mạnh như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam luôn là điểm thu hút lớn đối với các tập đoàn quốc tế như chúng tôi. Tại đây, chúng tôi còn ươm mầm khả năng kinh doanh của cả các bạn sinh viên khi vẫn còn đang học trên ghế nhà trường”.

Trao đổi sâu hơn về hướng đầu tư của tập đoàn Intel tại Ấn Độ, ông Kishore Balaji cho biết: “Chúng tôi hiện đang đầu tư vào các Doanh nghiệp khởi sự cung cấp những sản phẩm mới trong những lĩnh vực mới. Hàng năm, chúng tôi tổ chức rất nhiều chương trình nhằm thu hút các bạn trẻ tài năng hợp tác cùng Intel, tạo nền tảng hỗ trợ tối đa để các bạn trẻ có thể khởi nghiệp thành công, tạo chỗ đứng trên thị trường. Những sự kiện như Cuộc thi Khởi nghiệp châu Á Thái Bình Dương giúp chúng tôi có thể tuyển chọn người tài và có những bước đi quan trọng trong việc đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực Công nghệ thông tin”.

Tham gia trao đổi trong buổi tọa đàm, anh Nguyễn Trọng Duy, Trưởng Phòng Nghiên Cứu Phát triển và Đầu tư TOPICA Founder Institute, cũng chia sẻ về môi trường khởi nghiệp và ươm tạo Doanh Nghiệp ở Việt Nam: “Không chỉ đầu tư và kết nối đầu tư, chương trình TOPICA Founder Institute của chúng tôi còn huấn luyện, tư vấn các Doanh nghiệp khởi sự trong suốt con đường lập nghiệp. Hơn thế nữa, việc kết nối các nhà sáng lập thành đạt đến từ Thung Lũng Silicon và Việt Nam còn giúp đào tạo và huấn luyện các doanh nghiệp khởi sự trong việc mở rộng thị trường ra toàn cầu.

Trong thời buổi hiện nay, cần nhìn nhận và định hướng môi trường khởi nghiệp không chỉ còn gói gọn trong một quốc gia, hay một địa phương, mà còn mở rộng tới các thị trường trong khu vực, trên trường quốc tế. Có vậy, các doanh nghiệp Việt mới tìm được con đường phát triển thực sự vững bền cho mình.”

“Khởi nghiệp châu Á TBD”: Sức hút lớn với các tập đoàn đa quốc gia - 2

Hai đội thi Việt Nam tham dự buổi tọa đàm.

Sáng ngày 21/9, cùng với các đội thi tham dự, hai đại diện đến từ Việt Nam sẽ bước vào buổi thuyết trình vòng 1 để chọn ra những đội thi xuất sắc tiếp tục tham gia vòng 2. Hai đội giành giải cao nhất cuối cùng sẽ có cơ hội tham dự cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu tổ chức tại ĐH Berkeley, Mỹ vào tháng 11 tới.
 
Vũ Văn Tiến