1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai

Hiện nay, đất đai do các cơ quan Nhà nước sử dụng có diện tích rộng, phần lớn nằm tại những vị trí đắc địa nhưng việc khai thác những lợi thế này để tạo ra nguồn lực tài chính lại chưa hiệu quả, thậm chí lãng phí.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là tìm ra các giải pháp để tối ưu hoá những tài sản này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 

Tỷ trọng tăng nhưng tiềm năng còn lớn

 

Một trong những thành công trong việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai đã được thể hiện qua số thu ngân sách Nhà nước. Theo Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, Tỷ trọng nguồn thu NSNN từ đất không ngừng tăng cao. Cụ thể, nếu như 2002, tỷ trọng nguồn tài chính thu từ lĩnh vực đất đai (khoảng 5.486 tỷ đồng) chỉ chiếm 4,43% thu NSNN, thì đến năm 2010 đã chiếm tới 11,21% (67.767 tỷ đồng).

 

Đây là kết quả khả quan trong hoạt động khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, đóng góp vào NSNN. Xét riêng khía cạnh nguồn thu từ tiền sử dụng đất thì giá trị thu được dưới hình thức này cũng tăng theo thời gian. Con số thống kê cho thấy nếu như năm 2005, số tiền thu được từ thuê đất đóng góp 799 tỷ đồng cho NSNN thì đến năm 2010 con số này đã tăng 3,5 lần, đạt mức 2.900 tỷ đồng; tiền thu sử dụng đất năm 2005 là 14.176 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã đạt 48.662 tỷ đồng, tăng gần 3 lần.
 
Mô hình dự án trung tâm thương mại dịch vụ thể thao tổng hợp
Mô hình dự án trung tâm thương mại dịch vụ thể thao tổng hợp

 

Tuy nhiên, thực tế tình trạng đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, thậm chí bỏ trống...vẫn diễn ra phổ biến. Vẫn theo số liệu từ Cục quản lý Công sản, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất lớn, khoảng 1,5 tỷ m2, giá trị tương đương khoảng 594.000 tỷ đồng, trong đó, khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ m2, bằng khoảng 80% diện tích.

"Nếu quản lý tốt và có phương án thu ngân sách từ đất đai thì có thể số thu ngân sách mỗi năm từ 4 đến 5 tỷ USD" - ông Trần Đình Cường, Cục trưởng Cục Công sản - Bộ Tài chính, nói.

 

Đa dạng hóa hình thức khai thác

 

 Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong những năm gần đây, hình thức thực hiện khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai ở Việt Nam dần đa dạng, phù hợp hơn với cơ chế thị trường, chẳng hạn việc đổi đất lấy hạ tầng, việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là những hình thức rất mới trong quá trình thực hiện khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai ở Việt Nam.

 

Đặc biệt, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết và tiền thu được từ hoạt động này, sau khi thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, được dành phát triển hoạt động sự nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, khai thác tiềm lực tài chính từ đất đai bổ sung nguồn lực tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, giảm gánh nặng chi cho NSNN, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ cung cấp cho xã hội.

 

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia cho biết, ngoài chức năng tổ chức thi đấu trong nước và quốc tế phục vụ luỵên tập và đào tạo vận động viên, Khu Liên hiệp đang triển khai thí điểm 3 dự án liên doanh sau khi được sự cho phép của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính cùng các đơn vị chức năng.

 

"Những dự án này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sử dụng khăi thác khu liên hiệp Thể thao quốc gia, hỗ trợ phát triển thương mại và quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh doanh, văn hoá thể thao và du lịch, đồng tạo nguồn thu cho Khu liên hiệp Thể thao quốc gia. Từ nguồn lợi hàng năm thu được, Khu LHTTQG có kinh phí đầu tư các hạng mục công trình, giảm bớt đầu tư từ ngân sách Nhà nước"- bà Hương nói.

 

Ông Trần Đình Cường, Cục trưởng Cục Công sản, khẳng định việc cho phép các đơn vị sự nghiệp được liên doanh liên kết đúng chức năng nhiệm vụ để đa dạng hóa việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, tăng thu cho ngân sách là chủ trương hoàn đúng đắn, góp phần giảm đầu tư công, đã được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, Luật quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, các Nghị định của Chính phủ cũng như các văn bản của Bộ ngành liên quan.

 

"Nếu như trước đây không cho phép các đơn vị sự nghiệp khai thác thì đất đai cũng không sinh lợi gì và gây lãng phí. Vì thế việc cho phép liên doanh đồng nghĩa với việc khai thác hiệu quả tiềm lực đất đai là hoàn toàn đúng đắn. Bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ quy định về thu chi, điều quan trọng nhất là hoạt động kinh doanh của họ gắn với chức năng nhiệm vụ chính mà họ được Nhà nước giao. Chẳng hạn các trường Đại học có thể liên kết triển khai các hoạt động đào tạo; các trung tâm văn hóa thể thao có thể liên doanh triển khai các hoạt động liên quan đến văn hóa thể thao...."- ông Cường nói.

 

 Kiên Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm