Hà Tĩnh:

Nữ đoàn viên 9X và mô hình kiếm tiền triệu ở làng

(Dân trí) - Ít ai có thể ngờ được chủ nhân của nhà xưởng có diện tích 200m2 và một lò ấp trứng có công suất 12.000 trứng/lượt, lại là một cô gái thuộc thế hệ 9X.

Không chỉ dừng lại đó cô chủ nhỏ này còn mở rộng thêm khuôn viên với 100m2 để nuôi úm gà, vịt sau khi ấp. Đó là mô hình kinh tế - lò ấp trứng công nghiệp của nữ đoàn viên Nguyễn Thị Ánh Linh (thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh).
 
Hàng tháng, từ mô hình kinh tế này đem về cho cô gái sinh năm 1991 này hơn 10 triệu đồng (sau khi trừ mọi chi phí). Chính bản lĩnh “nghĩ khác, làm khác” của Nguyễn Thị Ánh Linh khiến nhiều người phải thán phục. Tuy nhiên để có thành quả không dễ đối với cô gái sinh năm 1991.
 
Nguyễn Thị Ánh Linh sinh năm 1991 trong một gia đình đậm chất nông dân ở miền quê nghèo Hà Tĩnh. Năm 2012, Ánh Linh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phúc Yên, ngành kế toán.
 
Sau khi đã 5 lần 7 lượt nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi nhưng không được Linh nhận thấy mình chưa có kinh nghiệm nên xin vào các cơ quan, doanh nghiệp là rất khó. Cô gái trẻ đã nhiều ngày đêm băn khoăn, suy nghĩ, ái ngại vì đã tốt nghiệp còn bắt bố mẹ nuôi chờ việc làm.
 
Không để thời gian trôi qua một cách vô ích, trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm, cô đã tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên ở địa phương, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế, khởi sự doanh nghiệp… do Đoàn tổ chức.
 
Những chương trình bồi dưỡng, tập huấn, những ví dụ, cách làm, gương thanh niên làm kinh tế giỏi ở các đơn vị bạn đã thẩm thấu và tác động tạo ra bước chuyển trong tư tưởng của Ánh Linh.

Nữ đoàn viên 9x và mô hình ấp trứng của mình
Nữ đoàn viên 9x và mô hình ấp trứng của mình

Cô nghĩ: “Nhu cầu về nguồn cung trứng gà, vịt, ngan, ngỗng ấp nở và trứng lộn ở vùng lân cận Thành phố Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà, Lộc Hà sẽ rất lớn, vì xung quanh đây chưa có một mô hình nào nhận trứng của người dân ấp. Người dân mua gà, vịt con ở chợ sẽ không đảm bảo về chất lượng giống mà giá cả lại cao. Việc mở một lò ấp sẽ có tính lâu dài và có thể phát triển, mở rộng quy mô sản suất, vốn đầu tư không quá lớn, ít rủi ro, đồng thời đem lại lợi ích cho cả chính mình và người dân”.
 
Nghĩ là làm, Ánh Linh đã bàn bạc, xin ý kiến bố mẹ, các anh trai của mình về việc tổ chức sản xuất, kinh doanh từ mô hình “Lò ấp trứng công nghiệp” . Cô đã được cả gia đình đồng tình, khích lệ. Sự động viên của gia đình đã tiếp sức cho cô bước tiếp trên con đường khởi nghiệp.
 
Cô đã không quản nắng mưa, rong ruổi trên chiếc xe máy đi đến những cơ sở ấp trứng ở Hương Sơn, Thạch Hà và cả Hưng Nguyên (Nghệ An) để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đầu vào nguyên liệu và cả thị trường đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng bước đầu không đơn giản như cô nghĩ. Các chủ lò ấp ở các địa phương sợ mất “bí quyết” làm ăn nên không chỉ dạy tận tình cho cô. Cuối cùng Ánh Linh phải khăn gói ra Thái Bình để tìm hiểu, tiếp cận từng vấn đề, từng chi tiết của quá trình vận hành, xử lý lò ấp trứng trong những điều kiện cụ thể của một kỹ sư nổi tiếng ở đây.
 
Bản thân là nữ lại có thái độ khiêm tốn, cầu thị, người hướng dẫn đã hết lòng chỉ dạy, truyền đạt cho cô về kiến thức, kinh nghiệm, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả và chia sẻ cả những bí quyết thành công. Sau một thời gian không dài, Ánh Linh đã tiếp cận được một lĩnh vực mới, cô quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp.

Để thực hiện được ý tưởng của mình, Ánh Linh đã gặp không ít khó khăn kể cả trong quá trình vay vốn cũng như xây dựng mô hình, vận hành máy móc. Tuy nhiên với ý chí, nghị lực của thế hệ 9X, cô đã từng bước vượt qua mọi trở ngại và triển khai hoàn thành các quy trình của lò ấp trứng công nghiệp tại khuôn viên vườn nhà. Mô hình của Ánh Linh được tổ chức với 01 nhà xưởng có diện tích 200m2, một lò ấp trứng có công suất 12.000 trứng/lượt, 01 khuôn viên 100m2 để nuôi úm gà, vịt sau khi ấp; tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 250 triệu đồng, sử dụng 02 lao động thường xuyên, bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2013.

Mỗi tháng, từ lò ấp này đem lại 10 triệu đồng lãi ròng cho Ánh Linh
Mỗi tháng, từ lò ấp này đem lại 10 triệu đồng lãi ròng cho Ánh Linh

Mớ trứng đầu tiên khiến Linh không khỏi hồi hộp, thấp thỏm xen lẫn lo âu và niềm vui vỡ òa khi đàn gà, vịt con cất tiếng kêu chiếp chiếp trong lò ấp với tỷ lệ nở trên 90%. Tính toán sơ bộ sau khi đã trừ các chi phí đầu vào, chi phí khấu hao tài sản cố định, mô hình lò ấp trứng công nghiệp đã đưa đến cho cô số tiền lãi hơn 10 triệu đồng/tháng - một con số đáng mơ ước của nhiều cán bộ, công chức mới vào nghề.
 
Sau khi thành công với gà, vịt và nhận được nhiều đơn đặt hàng từ bà con lân cận cũng như các huyện khác, Linh đã mạnh dạn tiến hành ấp trứng ngan, ngỗng. Hai loại trứng này phải áp dụng kỹ thuật khác, trong khi chưa được học hỏi, chỉ dạy về cách ấp, cách đặt nhiệt độ cũng như số ngày ấp nên Ánh Linh phải tự mày mò thực hiện. Thành công đã bén vào tay cô gái trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm Nguyễn Thị Ánh Linh.
 
Mô hình của Nguyễn Thị Ánh Linh thành công đã trở thành điểm đến tham quan, học hỏi đối với nhiều đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Duy Ngân, Phó bí thư thành đoàn Hà Tĩnh nhận xét: “Ánh Linh là một đoàn viên còn ít tuổi nhưng ý chí và nghị lực của cô thì tỷ lệ nghịch với tuổi. Mô hình của đoàn viên Nguyễn Thị Ánh Linh thực sự đã trở thành mô hình điểm mà nhiều đoàn viên, thanh niên phải học hỏi.
 
Hiện nay, với chủ trương tích cực “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” tháng 8/2013, Thành Đoàn Hà Tĩnh đã giới thiệu mô hình này để Đoàn công tác của Trung tâm phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ thuộc Trung ương Đoàn khảo sát, đưa vào kế hoạch đầu tư nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật”.

Cô chủ nhỏ  cho biết: “Trong thời gian gần, em sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô, liên kết với các trang trại chăn nuôi để ổn định đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại em đang theo học lớp thú y, chuyên về chăn nuôi gia cầm, sau khi học xong em dự định sẽ mở một tiệm bán thuốc thú y đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nhân dân và có thể sẽ làm một nhân viên “thú y làng” để giúp dân”.

Phượng Vũ