Lê Thanh Tùng và hành trang từ Vietnam Young Lions

Lần đầu tiên tôi gặp Lê Thanh Tùng vào năm 2008, khi đó, anh chàng mặt búng ra sữa đang cùng người bạn khăn gói từ Hà Nội vào TPHCM tham gia Vietnam Young Lions 2009 (VYL).

Để đến với cuộc thi, Tùng và cộng sự tự bỏ tiền túi mua vé máy bay. Năm đó, Tùng không đoạt giải.

Một năm sau, cái tên Lê Thanh Tùng bỗng nổi như cồn trong giới quảng cáo. Anh cùng cộng sự giành giải nhất cuộc thi VYL 2010. Lúc này, Tùng đã chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp và đang làm việc cho một công ty lớn với vai trò designer.
 
Lê Thanh Tùng và hành trang từ Vietnam Young Lions - 1
Lê Thanh Tùng và cộng sự Trần Lê Ngọc Bích tham gia cuộc thi Young Lions 2010 tại Cannes, Pháp.
 
Giờ đây, trong lần tiếp xúc thứ ba, trước mặt tôi vẫn là Lê Thanh Tùng trẻ măng, thế nhưng, da đã ngăm hơn, ra dáng người chững chạc, từng trải. Anh hiện là Junior Art Director của Công ty Y&R, một công ty lớn trong lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam. Khi biết mình là một thành viên ban giám khảo cuộc thi VYL 2011, Tùng tỏ vẻ bất ngờ rồi cười xòa. Bất kỳ ai tiếp xúc với Tùng đều cảm nhận được nơi anh sự chân thành và giản dị. Suốt buổi trò chuyện với tạp chí Thế Giới Văn Hóa (TGVH), Tùng nhắc đi nhắc lại: “Đừng viết đao to búa lớn nhé. Viết sao để Tùng vẫn là Tùng thôi!”.

Lý do nào đã khiến một sinh viên trẻ như Tùng mạo hiểm từ Hà Nội vào TPHCM lập nghiệp và dấn thân vào lĩnh vực quảng cáo?

Rất ngẫu nhiên nhưng không hề mạo hiểm (cười). Năm 2008, tôi đang theo học đại học ở Hà Nội thì tình cờ biết đến cuộc thi VYL. Trước đó, dù đã tham gia một số cuộc thi về thiết kế và có chút ít kinh nghiệm, tôi rất háo hức đến với cuộc thi này. Đây là một sân chơi chuyên nghiệp về quảng cáo, truyền thông tại Việt Nam để tôi thử sức và học hỏi. Vì thế, tôi cùng người bạn đồng sự tự bỏ tiền túi, mua vé máy bay từ Hà Nội vào TPHCM để tham gia. Kết quả, đội tôi chỉ được lọt vào Top 10 ở vòng chung kết, thể loại Quảng cáo Báo chí. Tuy nhiên, mọi thứ không dừng lại ở đó.

Sau cuộc thi, tôi quen một chị đang làm việc cho một công ty tại TP.HCM và chị giới thiệu tôi làm designer. Tham gia VYL 2009 không mang lại cho tôi giải thưởng nhưng đã mở ra cho tôi một cánh cửa để bước vào lĩnh vực quảng cáo tại TP.HCM. Chẳng biết lúc đó có động lực nào, nhưng tôi đã mạnh dạn từ bỏ con đường đại học để Nam tiến lập nghiệp. Một năm sau, chính Giám đốc Sáng tạo của công ty này khuyến khích tôi tham gia VYL 2010. Đội của tôi đoạt giải nhất thể loại Phim Quảng cáo với ý tưởng quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Lê Thanh Tùng và hành trang từ Vietnam Young Lions - 2


Lê Thanh Tùng sinh năm 1987 tại Hà Nội

 

Biệt danh: Crazy Monkey (Khỉ Dại)

 

Sở thích: chơi guitar, vẽ đồ họa, chương trình truyền hình mang tên Crazy Monkey.

 

Facebook: www.facebook.com/khidai

Theo Tùng, điều gì đã giúp đội NAP&NOD của anh giành chiến thắng cuộc thi năm đó?

Khi tham gia cuộc thi VYL 2010, đội của tôi hoàn thành bài thi rất thoải mái. Đơn giản, chúng tôi tập trung hết sức mình và gần như không chú ý đến giải thưởng.

Bây giờ, từ vị thế một người từng trải, tôi tự thấy tác phẩm của mình cũng không quá độc đáo, mới mẻ, tuy nhiên, chúng tôi thắng nhờ biết kết hợp giữa ý tưởng và cách thể hiện. Thật ra, ý tưởng shock và táo bạo chưa hẳn đã làm nên một tác phẩm hay, đôi khi cách thể hiện đơn giản nhưng dí dỏm, truyền tải được thông điệp là đạt rồi.

Chiến thắng này có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của Tùng không?

Tất nhiên là có! Bỗng dưng trở nên nổi tiếng nên tôi vui lắm. Lúc đầu, cũng thấy hơi áp lực vì mọi người nhìn tôi với ánh mắt khác. Trước đây, Lê Thanh Tùng chỉ là một người bình thường. Giờ đây, nhiều bạn bè trong ngành thường tìm đến tôi nhờ tư vấn cho các ý tưởng của họ. Vì thế, tôi phải cố gắng học hỏi nhiều hơn.

Cái được nhiều nhất sau cuộc thi này là sự tự tin. Trước đây, tôi chỉ là một designer, suốt ngày vẽ và vẽ trên máy tính. Sau cuộc thi, tôi mạnh dạn phát biểu ý kiến trong các buổi brain-storming, khả năng làm việc nhóm cũng nhịp nhàng, chuyên nghiệp hơn.

Tháng 6/2010, đội của Tùng đại diện các bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo Việt Nam tham gia Young Lions 2010 ở Cannes, Pháp. Ý tưởng của đội Tùng được đánh giá cao nhưng không đoạt giải. Tùng nghĩ gì về điều này?

Khi tham gia VYL, các thí sinh được sử dụng máy quay Canon chuyên dụng. Tuy nhiên ở Cannes, chúng tôi bị khớp khi ban tổ chức yêu cầu sử dụng điện thoại Nokia N80 để quay phim. Bên cạnh đó, ở Cannes không có cảnh phù hợp nên dù chỉ mất bốn giờ để nghĩ ra ý tưởng, phần hình ảnh thể hiện bài thi vẫn có nhiều lỗ hổng.

Tất nhiên, kết quả cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là chúng tôi đã làm hết sức mình. Sân chơi ở Cannes vẫn luôn mở rộng và cơ hội chiến thắng vẫn để ngỏ cho người tự tin và biết cách thể hiện ý tưởng.

Được biết Tùng được chọn làm giám khảo thể loại Phim Quảng cáo cuộc thi VYL 2011. Tùng có bị áp lực trước vai trò này khi anh chỉ mới 23 tuổi?

Tôi đã hết sức bất ngờ nhưng tôi không cảm thấy áp lực chút nào (cười). Theo quy chế của VYL, đội chiến thắng sẽ không được dự thi nữa nên nhờ vai trò này, tôi lại có cơ hội sống trong không khí của VYL.

Anh có lời khuyên nào cho các thí sinh tham gia cuộc thi này?

Hãy đơn giản hóa vấn đề (Keep it simple!), tôi đã rất tâm đắc câu này sau chính những trải nghiệm của bản thân. Các thí sinh hãy đi thi với tinh thần thoải mái nhất, thể hiện ý tưởng bằng cách đơn giản nhất. Cuộc sống vốn đã quá phức tạp rồi. Mặc khác, đừng quên trang bị kỹ năng đồ họa, quay, dựng tác phẩm vì chính bạn là người thực hiện.

Xin cảm ơn anh!

Thu Hương
Tạp chí Thế Giới Văn Hóa