"Không khóc ở Kuala Lumpur"
Vừa ra mắt bạn đọc mới chỉ hơn một tháng, nhưng “Không khóc ở Kuala Lumpur” hiện đang là cuốn tiểu thuyết thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ.
“Không khóc ở Kuala Lumpur” - cái tên truyện khá ấn tượng với hai chữ “Không khóc”, nhưng đọc hết cuốn tiểu thuyết này của Linh Lê, thì có cảm giác rằng đây là câu chuyện được viết bằng nước mắt? (Phạm Thu Trang - Hà Nội).
Với câu hỏi này, tôi chỉ trả lời đơn giản thế này, các nhân vật trong “Không khóc ở Kuala Lumpur”, từ đầu đến cuối, từ nỗi đau này đến nỗi đau khác, đều ở tận cùng của giọt nước mắt. Nên khóc hay không khóc cũng không có gì khác biệt, và có nước mắt hay không cũng không quan trọng nữa rồi. Và bản thân tôi là tác giả, cũng trải qua những cảm xúc như vậy trên trang viết của mình.
Đọc “Không khóc ở Kuala Lumpur”, có thể thấy ngay sự thành công của tác phẩm ở cách kể chuyện tự nhiên, chân thành đầy cuốn hút, cùng với một sự lí giải rất tinh tế và cảm xúc. Nhưng cũng khiến không ít người nghĩ rằng đây là một câu chuyện dài về bản thân tác giả?(Lan Phương - Hà Nội)
Tất nhiên là có bản thân tôi xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết này. Nhưng là sự xuất hiện ở những góc tâm hồn, những cảm xúc nào đó của nhân vật, hoặc có thể xuất hiện ở những khoảnh khắc nào đó trong câu chuyện, chứ không phải là ở cốt truyện, tình tiết hay bi kịch của tác phẩm. Một tác phẩm văn học bao giờ cũng hàm chứa những điều như vậy của tác giả đối với đứa con tinh thần của mình. Và tất nhiên, cuốn sách của tôi hoàn toàn không phải là một cuốn tự truyện, vì tôi viết văn, chứ không phải là viết hồi kí.
Nhưng nếu mọi người khi đọc xong, và nghĩ đây là câu chuyện về bản thân tôi thì tôi nghĩ mình nên vui, vì có lẽ tôi đã xây dựng một câu chuyện thành công, và chinh phục được đọc giả bằng lối hành văn của mình.
“Thời khắc đấy, tôi mới cảm nhận rõ ràng nhất là mình bạc tình đến thế nào. Không phải tôi bạc, mà là tình yêu bạc. Kỳ thực là thế, trong tình yêu luôn tồn tại một thứ gì đó rất bạc bẽo…”. Một câu nói rất ấn tượng trong truyện, nhưng qua đó cũng phản ánh một suy nghĩ rất bi quan của Linh Lê về tình yêu?(Nguyễn Hồng Anh - Sài Gòn)
Sex không phải là hơi hướng chủ đạo trong cuốn sách. Và thành thật mà nói, “Không khóc ở Kuala Lumpur” hoàn toàn có thể lôi cuốn và hấp dẫn người đọc mà không cần đến yếu tố này.
Nhưng đây cũng là một vấn đề lớn trong cuộc sống, trong mối quan hệ tình cảm của giới trẻ hiện nay, nên tôi đã thấy không cần phải tránh. Tuổi thanh xuân chúng ta, hẳn nhiên là sẽ có rất nhiều bạn trẻ phải đối diện với vấn đề này, và quan điểm, ý thức của bạn như thế nào thì nó sẽ là như thế ấy.
Trong “Không khóc ở Kuala Lumpur”, các nhân vật của tôi khá phóng khoáng nhưng cũng rất tinh tế trong chuyện này, nên yếu tố sex, dẫu được miêu tả có phần trực diện nhưng thật sự nó đã được viết lên với một hơi hướng rất sâu lắng và mang nhiều tâm tư, trăn trở của chính bản thân tôi.
Một cái kết đượcđẩy lên đến tột cùng của bi kịch và nỗi đau, khiến không ít đọc giả cảm thấy ngột ngạt và ám ảnh với câu chuyện, và cũng dường như khiến cho câu chuyện trở nên quá sức chịu đựng. Tại sao lại để một cái kết như vậy? Liệu đây có phải là ý đồ của tác giả, hay còn có một thông điệp nào khác?(Lê Anh Tú - Sài Gòn)
Tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn bè, và một số đọc giả khi đọc xong cuốn sách về cái cái kết của câu chuyện. Và tôi nói thế này, tôi không có ý định ám ảnh bạn đọc khi để một cái kết như vậy cho tác phẩm, cũng như việc xuất hiện nhiều cái chết trong truyện. Từ đầu đến cuối, tôi viết một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng, và không chịu bất cứ áp lực hay gò bó nào khi xây dựng tình tiết và nhân vật. Tất cả đều được hiểu như là số phận, là định mệnh.
Các nhân vật của tôi hầu như đều là những nhân vật sống bằng bản năng và tố chất rất mạnh mẽ, thậm chí có nhân vật sống hoàn toàn bằng bản năng, và khi để cái bản năng đó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình, thì con người ta sẽ không còn khả năng để quyết định cho số phận của mình nữa, và định mệnh sẽ trả lời. Và đã là định mệnh, thì điều gì cũng có thể xảy ra được. Cũng như An (nhân vật nữ chính của câu chuyện), khi phải rơi vào cái bi kịch đầy trớ trêu và đau đớn như vậy, cô đã không trách móc, oán hận, và nghĩ đó là sự xoay vần của cuộc đời dành cho số phận của cô.
Nếu nhìn nhận cái kết của câu chuyện theo hướng đó, người ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Yếu tố “ngoại” đang dần trở nên phổ biến và thịnh hành trong các tác phẩm dành cho giới trẻ hiện nay. Dường như các cây bút trẻ đã cố tình tận dụng yếu tố này? (Phương Thảo - Đà Nẵng)
Tại sao lại không? tôi nghĩ thế này, không phải ai cũng có cơ hội và điều kiện để có thể đi đến nhiều nơi trên thế giới này, để sống, để chiêm nghiệm, mở rộng tầm nhìn và tâm hồn. Điều đó khiến những người viết trẻ như tôi, khi sống ở một nơi xa lạ như vậy, vừa phải hiểu đất nước, con người, văn hóa nơi mình đang ở, vừa phải có trải nghiệm của riêng bản thân mình, và vừa phải có rất nhiều cảm xúc để hằng đêm trăn trở với chính mình, để có thể viết ra những trang văn mà chất chứa rất nhiều những tâm tư và nhiệt huyết. Rất nhiều cây bút trẻ hiện nay đã thành công trong việc trần hiện như vậy, tôi nghĩ đó là một điều đáng quý và đáng trân trọng chứ. Cái quan trọng là bạn phải có năng lực, có tố chất, có hiểu biết và có sự chiêm nghiệm của bản thân.
Đàn bà viết văn thì thường rất đa đoan. Linh Lê có sợ điều này lại vận vào mình không? (Nguyễn Vân Anh - Hà Nội)
Đàn bà viết văn thì chẳng ai bảo đó là hạnh phúc bao giờ. Nếu người ta bảo người viết văn là khổ, thì đàn bà viết văn còn khổ hơn rất nhiều, vì đó thường là những người đàn bà rất đa cảm, nhạy cảm, và thường không bằng lòng với những cái gọi là “an phận thủ thường” trong cuộc sống, cũng như tình cảm. Nhưng đàn bà viết văn thì thường có những tố chất nổi bật hơn những người đàn bà khác. Họ là những người đàn bà nồng nhiệt nhất, táo bạo nhất, nhưng cũng lại là những nguời đàn bà tinh tế nhất và sâu lắng nhất trong sự chiêm nghiệm của mình.
Với quan điểm của tôi, tôi không cho đó là sự đa đoan, tôi cho nó là một điều rất đẹp của cuộc sống. Cuộc sống sẽ không còn thi vị nếu thiếu những người đàn bà như vậy. Hơn thế nữa, tôi là người biết cân bằng mọi cảm xúc, nên điều này không làm tôi hoang mang.
Sau “Không khóc ở Kuala Lumpur”, Linh Lê sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc những tác phẩm khác của mình? (Trần Minh Ngọc - Hà Nội)
Với văn chương thì tốt nhất không nên nói trước hay hứa hẹn điều gì, tôi không muốn gây áp lực cho ngòi bút cũng như cảm xúc và sự sáng tạo của mình. Chỉ đơn giản thế này, văn chương đối với tôi là bản năng, tố chất và đam mê. Đó là những cái không thể thay đổi và ngừng lại được.
Nhưng nếu có, liệu có thể là một cái kết có hậu hơn như đọc giả mong đợi…? (Phương Linh - Sài Gòn)
Vấn đề này thì tôi hoàn toàn không thể trả lời được gì cả, vì đó là vấn đề của các nhân vật và tình tiết truyện, mà một người viết như tôi, nhiều lúc bị dẫn dụ vào một cách rất tự nhiên, không cưỡng lại được. Thậm chí các nhân vật của tôi cũng vậy, khi bắt đầu hình thành những tính cách và đặc điểm riêng biệt, đã không còn chịu sự kiểm soát của tôi nữa. Và những điều này tôi nghĩ, đó là cái duyên của tác phẩm thôi.