Đừng chết trong ao làng trước khi kịp vươn ra biển lớn

(Dân trí) - Những người trẻ, hai bức tâm thư, và một “cơn sóng”. Tự tôn dân tộc chưa bao giờ thôi nhức nhối, khi tranh cãi nổ ra trong giới trẻ - những người đang trong quá trình nhìn nhận và bước gần hơn vào cuộc đời.

Thế nhưng, chúng ta đang tự tôn hay đang tự chết trong ao làng trước khi kịp vươn ra biển Đông?

Hai bức tâm thư: Vấn đề dân tộc, và những người trẻ
Hai bức tâm thư: Vấn đề dân tộc, và những người trẻ

Mươi ngày qua, hai bức tâm thư của người trẻ, một Nhật Bản và một Việt Nam, đã thật sự tạo nên “cơn sóng” lớn cho nhiều người trẻ khác. Người Nhật nói rằng: Thật ra đất nước chúng tôi mới đầy khó khăn và thiệt thòi, nhưng chúng tôi đã vươn lên hùng dũng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Việt Nam các bạn rất giàu, nhưng lại đầy rẫy những sự thật mất lòng như một ly cà phê đắng. Người Việt lập tức phản biện: Đồng ý là có tồn tại những thói hư tật xấu ấy, nhưng đó chỉ là cá biệt, đừng vơ đũa cả nắm, chúng tôi vẫn còn rất nhiều điều khiến người khác phải tự hào. Những gì bạn nói là minh chứng cho sự thất bại của 4 năm du học tại đây, cho thái độ tự sướng với mình và “bố láo” với người.

Và thế là dân tình dậy song! Kẻ gật gù tán thành, xin chia buồn cùng với tất cả chúng ta khi phải công nhận những điều ấy là sự thật, dù nó quá “đắng”.  Còn những kẻ mở mồm bênh vực mới thật AQ làm sao! Lại có kẻ lồng lộn lên chửi bới, ơ hay cái thằng ngoại quốc biết được mấy mà “bô-lô-ba-la”. Rồi nhóm “sính ngoại”,  được dịp hùa theo. Vậy đấy, hai bức tâm thư, vấn đề dân tộc, và những người trẻ. Người trẻ nghe tin, người trẻ phẫn nộ, người trẻ kiên trì ỏm tỏi trên comment. Để rồi một câu hỏi lớn nổi lên giữa tâm bão: Chúng ta cãi rằng chúng ta rất tuyệt. Ừ vậy thì nói đi, Việt Nam có gì để tự hào?

Là người Việt Nam, bạn có điều gì để tự hào?

Việt Nam có gì để tự hào? Không ít người trẻ chia sẻ cuộc tranh cãi nảy lửa này chẳng quên đính kèm lời chốt hạ: Là người Việt Nam thì phải tự hào về Việt Nam. Thế nhưng khi hỏi thêm nữa: Chính xác thì bạn tự hào về điều gì ?  Thì lại bắt đầu lòng vòng: ừ  - thì  - mà - là… Một số hot bloggers cũng đã để lại câu hỏi bỏ ngỏ cho cộng đồng của mình như Dưa Leo, Robbey hay KyoYork, những tưởng mọi người sẽ hồ hởi đưa ra những câu trả lời mà mình tâm đắc. Nhưng không! Hãy đọc những comment mà xem! Hoặc người ta liệt kê hằng hà sa số những thói hư thật xấu khác. Hoặc trả lời cực kì chung chung, mơ hồ theo kiểu: đất lành - dân hiền - sử hay, nói chung chỉ dòng máu thôi là đủ để tự hào!

Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Chuyện gì đang xảy ra vậy?  Tranh cãi này cứ tiếp nối tranh cãi khác. Thế nhưng giờ đây, vấn đề ai đúng ai sai dường như chẳng còn đáng nói nữa. Khi mà, qua các cuộc tranh cãi đó, ta thấy ràng hơn bao giờ hết cái tính bầy đàn, lí sự cùn và mông lung trong cái ngữ “tinh thần dân tộc” của những người trẻ lộ ra. Đó là tình trạng ném đá tập thể, ném đá xuyên mặt trận và xuyên lục địa của cư dân mạng, chồng chéo những comment í ới lẫn nhau. Đó là những “bước gãy” trong tư duy phản biện khi nói những điều dĩ tất, hoàn toàn chỉ mang tính công kích và đáp trả chứ chẳng vì mục đích giải trình để hiểu rõ nhau hơn. Trên tất cả, đó còn là tình trạng mông lung và nhận thức quá nông về những vấn đề dân tộc mà lẽ ra con dân một nước phải hiểu rõ hơn bao giờ hết.

Hãy kể những cái nhất tích cực của Việt Nam đi. Hãy nói về những điều thật sự khác biệt mà ai đó nghe xong sẽ phải gật gù: Ồ nước mình thì không như thế! Hay nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ lập tức nghĩ ngay đến điều gì? Điều gì cần được tôn vinh và vươn ra thế giới, ví như Kỷ luật Nhật, Trí tuệ Do Thái?

Không khó tìm người
Không khó tìm người  có thể nói: yêu Việt Nam mình lắm, tự hào về Việt Nam lắm! Trong các đoạn clip tuyên truyền, trong những bài hát, hay trong phần kết vội vàng của những bài văn nghị luận xã hội. Cũng có thể bắt gặp ở hầu hết mọi diễn đàn, các cuộc tranh cãi nảy lửa những câu nói được “sản xuất đại trà” như: tự hào là người Việt Nam, tôi yêu Việt Nam… Nhưng như vậy có là yêu nước? Có giải quyết được vấn đề? Có khiến người khác nghe và tin, nhìn vào và nể phục? Có khiến ai đó thêm yêu hơn đất nước và con người ở đây?

(Ảnh mang tính chất minh họa)
(Ảnh mang tính chất minh họa)

Đừng làm những chuyện hết sức vô ích là cãi nhau chí chóe mà chẳng đi tới đâu. Đừng làm một anh hùng trên bàn phím khi chỉ là một công dân rụt cổ ngoài đời. Đừng hùng hồn nói khi kiến thức còn quá ít ỏi. Đừng thắc mắc và lồng lộn lên khi ai đó nói không phải về mình. Mà trước khi gõ trống khua chiêng với hai tiếng “phản biện” hùng hồn đó, hãy chuẩn bị chắc chắn cho mình một câu trả lời đi, khi ai đó hỏi rằng bạn yêu và tự hào điều gì về đất nước mình?

Đừng tự chết trong ao làng trước khi kịp vươn ra biển Đông. Hãy trả lời đi, những người trẻ: Chính xác thì điều gì khiến bạn tự hào với cái tình yêu “to bự” giành cho đất nước này?             

V.Kh
(Bài viết có xử dụng một số tư liệu thông qua Google)