Cưỡi Innova đi… bán sữa
Nhiều bạn trẻ ở Mộc Châu (Sơn La) đã ăn nên làm ra ngay trên quê nhà với nghề nuôi bò sữa. Học đại học rồi về quê… chăn bò sữa không còn là chuyện hiếm ở Mộc Châu.
Kỹ sư điện tử giỏi… chăn bò
Vừa cưới vợ vào đầu năm, vợ chồng Huấn đều tâm đầu ý hợp với nghề chăn nuôi bò sữa. Mặc dù nhà Huấn đang sở hữu đàn bò chất lượng cao, với sản lượng trung bình 25 kg/con/ngày, nhưng hai vợ chồng trẻ vẫn đang lên kế hoạch tăng đàn. “Em đang dự kiến sẽ vào tận TPHCM tìm mua giống bò tốt. Việc này cũng thuận lợi vì được công ty CP giống bò sữa Mộc Châu hỗ trợ vốn 5 triệu đồng/con nếu nhà em tự tìm mua bò”- Huấn cho biết. Theo tính toán của Huấn: “Tăng quy mô đàn bò sữa, tăng sản lượng cũng giúp gia đình tăng thu nhập. Giá sữa ổn định, lãi suất cao và Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã có bảo hiểm vật nuôi, hỗ trợ kỹ thuật cho chăm sóc. Vì vậy, các rủi ro của nghề đã giảm rất nhiều”.
Cưỡi Inova đi… bán sữa
Hình ảnh chăn bò bằng phương thức thủ công đang dần mờ nhạt với nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu.
Khi chúng tôi đến thăm, Nguyễn Văn Quang đang đào thêm 2 hố ủ ướp để dự trữ thức ăn quanh năm. Dáng người nhỏ bé, nhưng Quang làm việc hết sức nhuần nhuyễn. “2 hố ủ này giúp nhà em có thể nuôi lên đến 100 con bò mà không sợ thiếu thức ăn” - Quang cho biết. Học hết cấp 3, Quang vào TPHCM làm việc. Nhưng khi gia đình mở rộng quy mô sản xuất, tăng đàn bò và làm có lãi, Quang quyết định về quê cùng bố mẹ gắn bó với nghề nuôi bò sữa.
Nhà Quang ở tiểu khu 85, nông trường Mộc Châu. Hiện gia đình Quang là hộ có quy mô lớn nhất, tự đầu tư lớn nhất và có số bò nhiều nhất, thu nhập cao nhất trên nông trường. Ông Phạm Văn Nhán, Phó TGD công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết, hộ chăn nuôi gia đình nhà Quang hiện bình quân thu 7,2 tạ sữa/ ngày. Với giá sữa trung bình 8.200 đ/ kg, cộng với tiền thưởng, thành 9.000 đ/kg. Trừ chi phí, mỗi ngày thu về 3 - 4 triệu đồng,
Quang năm nay 26 tuổi cùng vợ trẻ ở tuổi 23, cả 2 vợ chồng đều an tâm, thành đạt với nghề chăn nuôi bò sữa. Gia đình áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín: đào ao, đào giếng khoan lên để trữ nước, bơm nước từ ao lên để rửa chuồng, nước rửa chuồng này lại được tưới cho cỏ, làm tốt đất. Gia đình đang có 2 giếng khoan và sẽ đào thêm 1 giếng nữa. Từ hai năm trước, gia đình Quang đã đầu tư hơn 80 triệu đồng trang bị giàn máy vắt sữa (có thể vắt cho 6 con liên tục) và 1 máy đơn. Giàn máy giúp tăng năng suất, vì mỗi người vắt cực nhanh mới được 10 con, nhưng với hõ trợ của giàn máy, vắt khoảng hơn 20 con bò/buổi cũng chỉ cần 2 người. Một ngày lao động và sinh hoạt của các thanh niên nông dân bắt đầu từ 4h30, và kết thúc vào lúc 20 giờ: vắt sữa, ăn sáng, rồi cắt cỏ, cho bò ăn, rửa chuồng trại, trồng cỏ, làm đất, ủ chua… Và hằng tháng thu nhập cũng gia tăng đều đặn. Bận rộn và rất thành công, Quang và em trai là Nguyễn Văn Hải được coi là những ngôi “Sao mai” trên Mộc Châu. Chị gái của Quang đã lấy chồng cũng có trại ngay bên cạnh. Gia đình nhà chị gái đang sở hữu 20 con bò và 2,6 hec ta đồng cỏ. Gia đình Quang vốn từ Thái Bình lên nhưng giờ đã rất gắn bó với nông trường, với đàn bò sữa.
Giờ đây, những người trẻ trên nông trường Mộc Châu không chỉ ổn định cuộc sống mà họ đang ngày một giàu có hơn.