Yêu cầu chủ động chống hạn, đối phó với El Nino

(Dân trí) - Trước nguy cơ hạn hạn có thể ảnh hưởng trên diện rộng do tác động của hiện tượng El Nino, các địa phương trên cả nước cần chủ động tiến hành các biện pháp phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất và đời sống.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa ra Chỉ thị đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương tăng cường phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Trong Chỉ thị, Bộ trưởng nêu rõ: Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ đầu năm đến nay, khu vực Nam Trung Bộ đã xảy ra hiện tượng nắng nóng kéo dài, lượng mưa phổ biến đạt dưới 50% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, một số địa phương lượng mưa chỉ đạt từ 20% đến 30% như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận; dòng chảy các sông suối hầu hết thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30% đến 80%; các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ thấp, trung bình đạt khoảng 30% đến 40% so với dung tích thiết kế, nhiều hồ chứa nhỏ tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận bị cạn nước.

Nguy cơ hạn trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống (Ảnh minh họa)
Nguy cơ hạn trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống (Ảnh minh họa)

Ở khu vực Bắc Bộ, một số nơi có lượng mưa thấp so với trung bình nhiều năm, một số hồ chứa lớn có dung tích trữ thấp so với cùng kỳ. Ngoài ra, hầu hết các khu vực trong cả nước không xuất hiện lũ tiểu mãn vào thời gian cuối tháng 5, đầu tháng 6.

Theo dự báo, hiện tượng thời tiết El Nino có khả năng xuất hiện ở nước ta với xác suất vào mùa Hè khoảng 70%, mùa Thu, Đông 80%, thời gian ảnh hưởng từ mùa Hè năm 2014 đến hết mùa Xuân năm 2015. Ảnh hưởng của El Nino làm cho nhiệt độ tăng so với trung bình nhiều năm từ 1,2 đến 1,5 độ C, lượng mưa bị thiếu hụt so với cùng kỳ nhiều năm từ 25% đến 50%, mùa mưa khả năng đến muộn hơn và kết thúc sớm hơn, dòng chảy các sông, suối có xu thế suy giảm nhanh sau khi mùa mưa kết thúc.

“Tình hình thực tế cho thấy, hiện tượng thời tiết El Nino đã ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và có nguy cơ tiếp tục diễn ra, có khả năng ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2014-2015 ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là các khu vực Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên,” Bộ trưởng nhận định.

Do đó, Chủ tịch Ủy UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương sớm xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2014-2015, trong đó tính đến biện pháp cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

Các địa phương cần xem xét chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hơn hoặc không canh tác để đảm bảo hiệu quả sản xuất; tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt phương tiện lấy nước để chủ động vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Trong Chỉ thị, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thuỷ lợi chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, vận hành các hồ chứa thủy điện, hệ thống công trình thuỷ lợi để kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; đề xuất kế hoạch xả nước các hồ chứa thủy điện khi vùng hạ du yêu cầu bổ sung nguồn nước chống hạn.

Cục Trồng trọt cần hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, phổ biến các  biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới. Các Cục, Vụ chức năng liên quan phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi, Cục Trồng trọt giúp Bộ chỉ đạo và giải quyết các khó khăn để các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất.

Nguyên An