Bạc Liêu:
Xử nghiêm hành vi xâm hại rừng phòng hộ ven biển
(Dân trí) - UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có chỉ thị các ngành chức năng tổ chức quản lý, tăng cường tuần tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng phòng hộ ven biển.
UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, các ngành và địa phương ven biển đã có những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như có nhiều công tình bảo vệ và phát triển rừng được triển khai, đã khôi phục nhiều diện tích rừng…
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, dẫn đến diện tích rừng phòng hộ ven biển ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Môi trường sinh thái của rừng phòng hộ luôn chịu sự tác động thường xuyên và mạnh mẽ của gió, sóng biển, dòng chảy hải lưu, nhất là sự biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.
Mặt khác, rừng và đất cũng đang chịu sức ép không nhỏ do nhu cầu sử dụng đất đai, gỗ và củi, đặc biệt là nhu cầu sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, đầu tư các dự án du lịch sinh thái. Nhiều hộ dân cư cư trú bất hợp pháp trong lâm phần rừng phòng hộ không có công ăn việc làm ổn định, tiềm ẩn nguy cơ phá rừng rất cao dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của rừng phòng hộ ven biển.
Trước nguy cơ ảnh hưởng của rừng phòng hộ và để phòng ngừa giảm nhẹ thiệt hại, UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết đã có chỉ thị các Sở, Ban, ngành địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng phòng hộ ven biển với nhiều biện pháp quyết liệt nhất.
Trong đó, chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức quản lý, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm rừng phòng hộ đã được quy hoạch. Trong đó, phải xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và các hành vi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng như khắc vỏ cây, dâng cao mực nước, ứ nước lâu ngày, chặt chang rễ cây rừng…
Các địa phương cần quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do cả nơi đi và nơi đến; các địa bàn có dân đi phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ổn định đời sống của người dân để giảm thiểu tình trạng dân di cư ra khỏi địa bàn; các địa bàn có dân đến cần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ, trường hợp xác định người dân thật sự không có điều kiện trở về nơi ở cũ thì tổ chức ổn định cuộc sống, giải quyết đất phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn cho người dân ở các khu vực được quy hoạch.
Tỉnh cũng yêu cầu các ngành liên quan cần xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển nhằm trồng rừng phủ xanh đất trống, tạo thành đai rừng nhiều tầng, liền vùng, đảm bảo diện tích rừng phòng hộ theo quy hoạch.
Huỳnh Hải