Việt- Nhật hợp tác ứng dụng CNTT trong Quản lý môi trường

(Dân trí) - Các công ty Nhật Bản đã và sẽ tiếp tục triển khai thử nghiệm mới nhất về tiết kiệm năng lượng và quản lý môi trường tại nhiều địa phương của Việt Nam.

Tại hội thảo “Tiết kiệm năng lượng và Quản lý môi trường: Thử nghiệm và Kinh nghiệm từ Nhật Bản” vừa diễn ra Hà Nội đã tập trung phác họa một bức tranh cập nhật về các công nghệ tiết kiệm năng lượng; các sản phẩm ứng dụng năng lượng xanh với kinh nghiệm đi trước của các quốc gia phát triển trên thế giới, đặc biệt là thử nghiệm mới nhất về tiết kiệm năng lượng và quản lý môi trường do các công ty Nhật Bản vừa triển khai tại nhiều địa phương của Việt Nam.

Kết quả thử nghiệm cũng minh chứng cho khái niệm về “Smart City” (Thành phố thông minh) theo đó sẽ quản lý/kiểm soát việc sử dụng điện năng thông qua các hệ thống kiểm soát và cảm biến được kết nối.

Việt- Nhật hợp tác ứng dụng CNTT trong Quản lý môi trường

Với công nghệ “Smart City,” người sử dụng có thể thu thập dữ liệu về sử dụng năng lượng theo thời gian thực để phân tích/xử lý các dữ liệu đó. Nhờ vậy, có thể tìm ra các biện pháp để sử dụng điện năng một cách hiệu quả hơn.

Trước đó, theo Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (MIC Việt Nam) và Bộ Nội chính và Truyền thông Nhật Bản (MIC Nhật Bản) vào tháng 9/2010, hai bên đồng ý hợp tác triển khai ứng dụng  công nghệ thông tin vào hoạt động môi trường và tiết kiệm năng lượng thông qua dự án thí điểm trong năm 2012 với mục đích phòng ngừa thiên tai và tiết kiệm năng lượng bằng hệ thống thông tin truyền thông và mạng lưới cảm biến.

Dự án thí điểm này do Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI) thực hiện, dưới sự giám sát và cung cấp ngân sách của MIC Nhật Bản; đối tác triển khai phía Việt Nam là Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung Số Việt Nam (NISCI), thuộc MIC Việt Nam.

Hai bên thực hiện khảo sát, nghiên cứu hiện trạng và xây dựng hệ thống mạng giám sát môi trường, cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai, tiết kiệm năng lượng, dựa trên các công nghệ mới nhất như truyền dẫn không dây mắt lưới, năng lượng mặt trời, tích hợp cảm biến, camera giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu đám mây, ứng dụng công nghệ IT xanh tại Trung tâm dữ liệu… Các công nghệ liên quan tới dữ liệu đám mây như tích hợp, lưu trữ, xử lý, trao đổi do phía Việt Nam cung cấp và được tích hợp với các thiết bị của Nhật Bản.

Kết quả của dự án thí điểm là cơ sở quan trọng để hai bên Việt Nam và Nhật Bản xem xét, phê duyệt và cấp nguồn vốn vay ưu đãi chính phủ (ODA) mở rộng hệ thống mạng giám sát môi trường và cảnh báo thiên tai cho các địa phương tại Việt Nam cũng như nhân rộng mô hình cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan…

Ngoài ra, đây cũng là tiền đề để các địa phương có thể đề xuất mô hình hợp tác công-tư (PPP) cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trong tương lai.

P. Thanh