Việt Nam nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

(Dân trí) - Lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt có xu hướng tăng, nhưng của tiểu lĩnh vực trồng lúa sẽ có xu thế giảm, đặc biệt là giảm tỷ lệ so với tổng phát thải, từ 50,5% năm 2010 xuống còn 36,5% năm 2030 nhờ áp dụng các biện pháp giảm thiểu.

Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính (KNK) năm 2010, và Báo cáo ước tính phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam cho năm 2020 và năm 2030 công bố năm 2014, trong nông nghiệp, so với năm 2010, hai tiểu lĩnh vực có lượng phát thải tăng cả về lượng và tỷ lệ so với tổng phát thải là chăn nuôi gia súc và đất nông nghiệp.

Cụ thể, trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, lượng phát thái KNK sẽ tăng từ  18.03 triệu tấn CO2, chiếm 20,4% năm 2010 lên 24.95 triệu tấn, chiếm 24,8% năm 2020, và khoảng 29.32 triệu tấn, chiếm 26,8% năm 2030.

Với lĩnh vưc đất nông nghiệp, lượng phát thải KNK sẽ tăng từ 23.81 triệu tấn CO2 năm 2010, chiếm 27%, lên 33,94 triệu tấn, chiếm 33.6% năm 2020 và 37.4 triệu tấn, chiếm 34,3% năm 2030.

Hội thảo 
Hội thảo  khởi động các Dự án phát triển nông nghiệp phát thải thấp tại Việt Nam 

“Trong khi đó, tiểu lĩnh vực trồng lúa có xu thế giảm, đặc biệt là giảm tỷ lệ so với tổng phát thải, từ 50,5% năm 2010 giảm xuống còn 36,5% năm 2030,” bà Phạm Hoàng Yến, thuộc Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo thực hiện công ước khí hậu và nghị định thư Kyoto (Bộ TN&MT) nhận định tại Hội thảo khởi động các Dự án phát triển nông nghiệp phát thải thấp tại Việt Nam do Chương trình Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực (CCAFS) cùng các đối tác tổ chức sáng 10/3, tại Hà Nội.

Theo bà Yến, tiểu lĩnh vực đốt phụ phẩm nông nghiệp ngoài đồng có lượng phát thải KNK tăng, song đóng góp cho tổng lượng phát thải không lớn và gần như không thay đổi.

Đến năm 2020, các hoạt động Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) hấp thu khoảng 42,5 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2030 là 45,3 triệu tấn CO2 tương đương. Các nguồn phát thải và hấp thụ chính là từ đất có rừng và đất trồng trọt.

Theo báo cáo ước tính phát thải KNK trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, LULUCF và chất thải tại Việt Nam cho các năm 2020 và 2030, tổng lượng phát thải KNK trong 4 lĩnh vực này tăng từ 225,6 triệu tấn năm 2010 lên 466 triệu tấn năm 2020 và 760 triệu tấn năm 2030.

Kỹ thuật tưới khô ẩm xen kẽ (AWD) sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính (Ảnh minh họa)
Kỹ thuật tưới khô ẩm xen kẽ (AWD) sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính (Ảnh minh họa)

Nhằm thực hiện mục tiêu giảm 20% lượng phát thải KNK của lĩnh vực trồng trọt vào năm 2020, Việt Nam đã và sẽ thực hiện nhiều biện pháp đa dạng, trong đó có việc chuẩn bị thực hiện Các hành động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), một cơ chế giảm phát thải KNK mới đối với các nước đang phát triển được hình thành tại Hội nghị lần thứ 13 các Bên tham gia UNFCCC (COP 13) tại Bali, Indonesia.

Ngoài ra, Việt Nam còn thực hiện Cơ chế phát triển sạch (CDM). Đến tháng 6/2014, Việt Nam có 253 dự án CDM và 11 Chương trình hoạt động theo CDM (PoA)được đăng ký và 10.7 triệu Chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CER) được Ban chấp hành quốc tế về CDM (EB) cấp thông qua các hoạt động CDM. Tổng lượng KNK giảm được của 253 dự án CDM khoảng 137 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng. Trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 4 về số lượng dự án CDM được đăng ký và xếp thứ 11 về lượng CER được cấp.

Trong thời gian tới, các dự án phát thải thấp CH4 trong canh tác lúa nước thông qua việc áp dụng kỹ thuật tưới khô ẩm xen kẽ (AWD) sẽ được triển khai tại một số địa phương có điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp.

Nguyên An