Vì sao khó đối phó với nạn nhập lậu hóa chất?

Mặc dù đã có chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi buôn bán hóa chất trái phép song tình trạng buôn lậu hóa chất vẫn không thuyên giảm. Nguyên nhân là vì sao?

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do các lực lượng chức năng đều “ngại” thu giữ hóa chất nhập lậu bởi nếu thu giữ, họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm lưu kho và xử lý, tiêu hủy, trong khi hiểu biết về việc lưu giữ và xử lý các hóa chất này thì không phải ai cũng biết. "Những việc làm này không những mất thời gian mà chi phí còn vô cùng tốn kém; đôi khi do thiếu chuyên môn còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và chính sức khỏe của cán bộ thực hiện", ông Đào Nhật Đình - Cố vấn kỹ thuật dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam” (gọi tắt là dự án POP) - cho biết.
 
Trước thực trạng nạn nhập lậu hóa chất BVTV tại các vùng biên giới ngày càng gia tăng, mới đây, tại Lào Cai, Ban Quản lý Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV tồn lưu POP tại Việt Nam” đã tổ chức Hội thảo “Tập huấn cán bộ hải quan và các cơ quan liên quan về quản lý xuất nhập khẩu hóa chất BVTV”.
 
Vì sao khó đối phó với nạn nhập lậu hóa chất?
Quang cảnh hội thảo “Tập huấn cán bộ hải quan và các cơ quan liên quan về quản lý xuất nhập khẩu hóa chất BVTV”.

Ông Hoàng Thành Vĩnh - Quản đốc dự án cho biết, mục đích của Hội thảo là cung cấp thực trạng cũng như giải pháp trong quản lý hóa chất BVTV tồn lưu ở nước ta tới các đơn vị liên quan, qua đó, trang bị và tăng cường năng lực tới từng cán bộ Hải quan giúp họ có kiến thức để nhận dạng các loại hóa chất BVTV, có năng lực để xử lý các vi phạm và kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn cho chính bản thân khi tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Thông qua đợt tập huấn, cán bộ Hải quan và các cơ quan liên quan không chỉ nắm được phương pháp nhận dạng các loại hóa chất BVTV bị cấm và hạn chế sử dụng; trao đổi, chia sẻ các thông tin về hiện trạng lưu giữ và quản lý hóa chất BVTV thu giữ mà còn được trực tiếp thực hành nghiệp vụ tại hiện trường kho thuốc Lào Cai, qua đó, trang bị thêm kiến thức và biện pháp an toàn lao động cho bản thân trong quá trình tiếp xúc với các loại hóa chất BVTV POP.
 
Vì sao khó đối phó với nạn nhập lậu hóa chất?
Hội thảo là dịp để trang bị thêm kiến thức và biện pháp an toàn lao động cho bản thân trong quá trình tiếp xúc với các loại hóa chất BVTV POP.

Trên thực tế hiện nay mặc dù đã có chế tài xử phạt các hành vi vi phạm như lưu trữ, vận chuyển, buôn bán, nhập lậu trái phép các hóa chất bị cấm…nhưng vấn nạn buôn lậu hóa chất vẫn đang ngày càng tăng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2011, ước tính hàng tháng có khoảng 5-7 tấn hóa chất BVTV bất hợp pháp bị thu giữ. Con số lượng không bị thu giữ trên thực tế còn nhiều hơn do trốn được hoặc chính quyền không đủ năng lực để thu giữ, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc và một số tỉnh phía Nam giáp Campuchia..

Do vậy, để ứng phó với những hành vi biến tướng khôn lường của dân buôn lậu, yêu cầu cấp thiết được đặt ra lúc này là làm sao để lực lượng Hải quan và các cơ quan liên quan trở nên nhạy bén và chủ động hơn trong quá trình xử lý các nguồn hóa chất nhập lậu.

Trong quá trình làm thủ tục Hải quan thì hóa chất BVTV là mặt hàng khó phân loại và kiểm tra nhất.
Trong quá trình làm thủ tục Hải quan thì hóa chất BVTV là mặt hàng khó phân loại và kiểm tra nhất.
 
Về vấn đề này, ông Dư Minh Đức - Phó trưởng phòng thu thập xử lý thông tin Cục điều tra chống buôn lậu Lào Cai chia sẻ: “Trong quá trình làm thủ tục Hải quan thì hóa chất BVTV là mặt hàng khó phân loại và kiểm tra nhất. Hơn nữa, việc xác định các hành vi vi phạm cũng gây ra không ít khó khăn, vì vậy những kiến thức, nội dung mà hội thảo mang lại đã giúp ích rất nhiều cho cơ quan Hải quan trong việc nhận dạng và xử lý các mặt hàng hóa chất BVTV xuất nhập khẩu”.

Kết thúc 2 ngày làm việc, hội thảo đã đưa các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý xuất nhập khẩu hóa chất BVTV tại khu vực cửa khẩu, biên giới. Đây chính là tiền đề quan trọng giúp giảm thiểu việc lưu hành nội địa các hóa chất BVTV bị cấm, hạn chế sử dụng, từ đó góp phần giảm tỷ lệ các chất POP đưa vào nước ta qua con đường này.

Vân Anh