Vai trò của báo chí trong đánh giá tác động môi trường của các dự án

(Dân trí) - Ngày 14/1, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Sự tham gia của báo chí, cộng đồng, các tổ chức xã hội trong thúc đẩy công khai thông tin, tham vấn ý kiến và giám sát môi trường đối với các dự án phát triển”.

Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Diễn đàn các nhà báo môi trường (VFEJ) và Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet)  dưới sự  hỗ trợ của Quỹ  châu Á và Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung của Anh  (FCO) tổ chức.

Tiến trình thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước, bên cạnh các thành tựu và thay đổi ý nghĩa, cũng đã dẫn tới nhiều đánh đổi và hệ lụy về môi trường và xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của nhân dân. Vì thế, yêu cầu các bên liên quan công khai thông tin, tham vấn ý kiến cộng đồng và giám sát tác động môi trường-xã hội  đối với các dự án phát triển đặt ra ngày càng cấp bách. Minh bạch thông tin và tham vấn rộng rãi là động lực để nhà nước và doanh nghiệp thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình, giúp cho cộng đồng,  các tổ  chức xã hội  thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, từ  đó thúc đẩy quản trị tốt hơn. 

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

“Có thể nói, công khai thông tin, tham vấn ý kiến và giám sát môi trường đối với các dự án phát triển là công cụ cần thiết cho các bên tiến tới sự đồng thuận trước, trong và sau  khi  triển khai  các dự  án  phát triển, đồng thời  cũng là một giải pháp  để  hạn chế  những tranh chấp, xung đột  môi trường do mâu thuẫn lợi ích đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh hiện nay”, ông Nguyễn Việt Dũng, phó giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên nhấn mạnh.

“Báo chí và các phương tiện truyền thông góp phần chỉ ra những hạn chế này thông qua điều tra, phản ánh những vụ việc phát sinh trong thực tế, điển hình như đề xuất dự án thủy điện Đồng Nai  6&6A hay vụ công ty Nicotex Thành Thái  chôn lấp trái phép thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa. Báo chí và các tổ chức xã hội cũng đã tạo diễn đàn mở và kênh đối thoại để người dân, các nhà nghiên cứu và các bên liên quan chia sẻ ý kiến và bình  luận, qua đó góp phần nâng cao chất lượng quá trình ra quyết định của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hiệu quả  của tiến trình này chưa cao do những rào cản về  nhận thức, pháp luật và mức độ  hợp tác của các bên liên quan”, ông Dũng nói thêm.

Quang cảnh hội thảo
Việc xây dựng nhà máy thủy điện cần công khai thông tin, tham vấn ý kiến và giám sát môi trường 

Theo một đại diện của Sở Tài Nguyên – Môi trường Quảng Nam, sự tham gia, giám sát của báo chí luôn có 2 mặt: đó là mặt tích cực và mặt tiêu cực. Tuy nhiên, từ trước đến nay đa số báo chí đều nói về mặt tiêu cực còn mặt tích cực thì không nói.

Trả lời câu hỏi vì sao báo chí chỉ đưa những mặt tiêu cực, nhà báo Phan Lợi, trưởng đại diện báo Pháp Luật TPHCM tại Hà Nội cho rằng, báo chí lúc nào cũng đứng về sự thật. Bởi cái quan trọng nhất của báo chí là đưa thông tin.

Nhà báo Phan Lợi cũng chia về kết quả nghiên cứu và dự án mới công bố tháng 12 vừa qua mang tên “Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí”. “Tôi được nghe các anh chị sở tài nguyên – môi trường, chi cục môi trường phản ánh về việc báo chí đưa thông tin không đúng thì tôi có một kết quả như thế này: Theo quy định của luật báo chí thì mọi kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo được báo chí truyền tải trên mặt báo hoặc chuyển bằng công văn đến các cơ quan nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết, trong vòng 30 ngày, người đứng đầu của cơ quan đó phải trả lời đều báo nêu. Trả lời đúng hay không đúng và nếu đúng thì giải quyết công việc đó như thế nào. Tức là phải thông báo kết quả hoặc là hướng giải quyết. Thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi tiến hành trên 19 tỉnh, thành đối với 279 nhà báo đang làm việc ở các lĩnh vực đụng chạm đến quyền lợi người dân gồm các lĩnh vực kinh tế, quản trị tài nguyên khoáng sản, điều tra, chống tham nhũng… thì chỉ có 25% các nhà báo nói rằng các cơ quan nhà nước phản hồi, còn lại 75% là lờ đi không trả lời. Trong số 25% trả lời đúng thời hạn thì chỉ có 10%  trả lời một cách tử tế là thông báo kết quả còn lại là trả lời chung chung. Điều đó là có một tỷ lệ rất thấp phản hồi trên báo chí. Trong báo chí cũng có vấn đề cải chính và xin lỗi khi đăng sai. Nếu như các cơ quan nhà nước phản hồi các nội dụng báo chí đăng không đúng, báo chí có nghĩa vụ phải cải chính. Các cơ quan nhà nước nêu đặt ra là có sử dụng quyền đó với báo chí không. Tuy nhiên, về mặt nghiệp vụ báo chí, khi đưa một thông tin gì đều phải có nguồn, không báo giờ báo chí tự đưa ra để giật cái tít không nên xây dựng thủy điện ở đó ”, nhà báo Phan Lợi nói.

Khánh Hồng

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm