TPHCM tìm kiếm công nghệ xử lý rác thải đô thị

(Dân trí) - Dân số hơn 9 triệu người, mỗi ngày toàn thành phố phát sinh khoảng 7.500 – 8.000 tấn rác thải. Tuy nhiên, hầu hết lượng chất thải này, bao gồm chất thải nguy hại đều được xử lý bằng cách chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, thải ra nhiều chất khí gây hiệu ứng nhà kính.

Để quyết vấn đề đó, những năm gần đây, TPHCM đã đầu tư nhiều giải pháp để xử lý. Và để xây dựng thành phố trở thành thành phố xanh, phát triển bền vững, TPHCM sẽ nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp hữu hiệu hơn nằm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, cũng như tận dụng nguồn năng lượng từ rác thải để sản xuất điện, phân bón, thu hồi khí phát điện.

Đó là nội dung của buổi Hội thảo “Giải pháp xử lý rác đô thị – Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” do Sở Khoa học & Công nghệ TP tổ chức chiều ngày 14/5.

Trung bình mỗi ngày TPHCM phát sinh từ 7.500 – 8.000
tấn rác thải
Trung bình mỗi ngày TPHCM phát sinh từ 7.500 – 8.000 tấn rác thải

Thông qua hội thảo lần này, những công nghệ xử lý rác thải tiên tiến nhất của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan như công nghệ chôn lấp, thu hồi khí phát điện; công nghệ đốt/ tiêu hủy rác phát điện; xử lý sinh học hiếu khí… đã được giới thiệu đến UBND TP.

Thời gian gần đây cũng đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại TPHCM như: Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) đề xuất dự án đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày, hoặc Tập đoàn Hansol (Hàn Quốc) đề xuất dự án đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày.

Phương pháp xử lí rác thải rắn bằng thiêu đốt kết hợp thu hồi nhiệt, phát điện là xu hướng tiên tiến, cho phép xử lý nhanh, hợp vệ sinh, không chiếm nhiều diện tích đất, không gây ô nhiếm đất, nước và môi trường.  Rất nhiều nước đã xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt kết hợp phát điện chiếm tỷ lệ cao như Singapore 100%, Thụy Sĩ 80%, Nhật Bản 73%, Đan Mạch 70%, Thụy Điển 55%, Hà Lan 51%,…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà, hiện nay, ý thức của người dân về phân loại, xử lý rác thải vẫn còn khá kém. Do đó, nâng cao ý thức của người dân về xử lý rác thải là một nhiệm vụ quan trọng, cần có sự tuyên truyền, phối hợp của nhiều ban ngành, đoàn thể.

Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, chúng ta vẫn đang sử dụng công nghệ chôn lấp rác vốn đã lạc hậu, trong khi đó nhiều nước trên thế giới như Singapore, Thụy Sĩ, Nhật Bản,… đã áp dụng nhiều phương pháp mới, đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường hơn.  Do đó, trong thời gian tới, TPHCM sẽ nghiên cứu để đưa vào áp dụng một công nghệ xử lý rác thải mới.

Quốc Anh