Sản xuất panel trần nhà từ bã mía

(Dân trí) – Vượt qua hàng trăm ý tưởng khác, nhóm sinh viên của trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng đã giành giải bảo vệ môi trường tại Cuộc thi “Holcim Prze 2013” với đề tài sản xuất panel trần nhà từ phế phẩm nông nghiệp.

Sau những giờ thực tập vất vả tại xưởng, các bạn sinh viên ra quán nước mía uống nước. Thấy bã mía vứt bừa bãi khắp nơi, nhóm bạn trẻ Đoàn Nguyên Vân Hiếu, Trương Thế Minh và Tạ Bảo Long  (khoa Điện, Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) đã nảy ra ý tưởng sản xuất panel trần nhà từ bã mía.

Theo bạn Vân Hiếu (trưởng nhóm) cho biết, ý tưởng làm panel trần nhà từ phế phẩm nông nghiệp của tụi em có thể tận dụng được một lượng bã mía đang bị vứt bữa bãi. Ngoài ra, còn có thể tận dụng được vỏ trấu tại các vựa lúa lớn, xơ dừa. Ưu điểm của trần nhà làm từ phế phẩm nông nghiệp là giá rẻ phù hợp với các nhà xưởng, nhà máy… từ đó cải thiện được điều kiện làm viêc của người công nhân.

Sản phẩm panel trần nhà được làm từ phế phẩm nông nghiệp
Sản phẩm panel trần nhà được làm từ phế phẩm nông nghiệp

“Hằng năm Việt Nam sản xuất được khoảng 40 triệu tấn lương thực và thải ra hàng chục triệu tấn phế phẩm nông nghiệp các loại. Các phế phẩm nông nghiệp đã được nhân dân ta sử dụng vào nhiều mục đích như: làm sợi từ dừa, lọc nước; sử dụng trấu, rơm rạ để đun nấu, trồng cây và nấm… Tuy nhiên việc sử dụng cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ không đáng kể và chưa có sản phẩm nào mang tính công nghiệp và tạo nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Số lớn còn lại bị vứt bỏ, lãng phí và thường gây ô nhiễm môi”, Vân Hiếu nói.

“Trong khi một lượng lớn các phế phẩm nông nghiệp đang hằng ngày làm ô nhiễm môi trường chưa có đầu ra thì chúng ta đang rất cần một loại vật liệu có khả năng làm trần cho các công trình công nghiệp và dân dụng như nhà kho, nhà xưởng, nhà máy, nhà hàng, quán xá, chợ… và cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được vật liệu tốt nhất phù hợp với các đối tượng này., Vân Hiếu nói thêm.

Ba bạn trẻ nhận giải bảo vệ môi trường tại Cuộc thi “Holcim Prze 2013”
Ba bạn trẻ nhận giải bảo vệ môi trường tại Cuộc thi “Holcim Prze 2013”

Đây là loại panel làm trần thân thiện với môi trường, không sử dụng nguyên liệu độc hại với con người, hoặc vật liệu từ các chất CFCs hay HCFCs như các loại vật liệu chống nóng khác.

Để ép các tấm panel có thể thiết kế các loại máy ép khác nhau: ép bằng tay, ép thủy lực …Trong giai đoạn triển khai qui mô nhỏ, có thể sử dụng các máy ép đơn giản bằng tay vẫn có thể sản xuất hàng chục m2 panel trong một ngày, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu với chi phí nhỏ. Với số lượng lớn, các bạn đã thiết kế ra máy ép panel với khuôn tiêu chuẩn là 600x600mm.

Thế rồi nhóm bạn trẻ bắt tay vào mày mò, triển khai đề tài. Việc thu gom nguyên liệu đối với các bạn khá đơn giản. Tuy nhiên việc tìm ra keo kết dính, chọn tỷ lệ giữa nguyên liệu, chất phụ gia và keo gặp nhiều khó khăn do không có chuyên môn về hoá học . Với sự nổ lực của bản thân các em và sự hỗ trợ của các thầy cô giáo trong khoa sau một năm trời, các bạn đã hoàn thành đề tài của mình để mang tới cuộc thi và nhận được sự khen ngợi từ ban tổ chức.

Để kiểm tra hiệu quả sử dụng, các bạn đã chọn một công ty trên địa bàn TP Đà Nẵng đã lắp ráp cho thấy hiệu quả chống nóng từ panel rất tốt.

Các bạn trẻ mong muốn một ngày nào đó có điều kiện để triển khai và đưa đề tài của mình vào thực tiễn.

Khánh Hồng