Bến Tre:
Ruộng đồng nứt nẻ, lúa cháy khô vì hạn, mặn
(Dân trí) - Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở tỉnh Bến Tre diễn biến rất phức tạp làm hàng trăm ha lúa bị thiệt hại, giảm năng suất. Ngành nông nghiệp đang tập trung các giải pháp để ngăn mặn, cứu lúa.
Dọc theo Quốc lộ 57 từ huyện Mỏ Cày Nam về các xã ven biển của huyện Thạnh Phú (Bến Tre) tình hình xâm nhập mặn, hạn hán diễn ra gay gắt. Nhiều cách đồng không sản xuất vụ lúa đông xuân để ruộng khô, nứt nẻ; một số thửa gần tới ngày thu hoạch thì lúa bị lép, cháy sém.
Ông Nguyễn Văn Ba, ngụ xã Tân Phong ngao ngán: “Nước xâm nhập vào nội đồng hơn 1 tháng nay nên tôi không dám lấy nước vào ruộng. Diện tích lúa 5.000 m2 của tôi bị lép, một số bị cháy nên giảm hơn 50% năng suất. Bây giờ thu hoạch chút nào đỡ chút nấy và lấy rơm để nuôi bò chứ không còn cách nào khác”.
Theo thống kê, xã Tân Phong xuống giống diện tích lúa đông xuân được 76 ha, bị thiệt hại do hạn hán khoảng 30%. Ông Phan Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho biết: “Năm nay do nước mặn về sớm nên ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa đông xuân. Năm rồi năng suất ước đạt 4 tấn/ha nhưng năm nay giảm hơn 1 tấn/ha, cá biệt có một số thửa bị mất trắng do nước mặn xâm nhập”.
Tại huyện Ba Tri (Bến Tre) nơi có diện tích lúa đông xuân xuống giống lớn nhất tỉnh với khoảng 12.600 ha (chiếm 73% diện tích lúa của cả tỉnh) cũng bị thiệt hại nặng do hạn, mặn gây ra. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, do hạn, mặn kéo dài nên dự kiến lúa bị giảm năng suất từ 10-20%. Riêng tại khu vực cống Rạch Nò thuộc xã Tân Xuân và Bảo Thạnh, với 300 ha lúa, do nằm cuối nguồn nên bị thiệt hại nặng. Các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Bình Đại cũng có diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại, giám năng suất do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Ông Lê Văn Tài, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú cho biết: “Vụ đông xuân này toàn huyện gieo, cấy 339 ha, đến nay thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn khoảng 58 ha chủ yếu trong giai đoạn lúa còn nhỏ. Hiện tại, diện tích lúa gần chín thiệt hại giảm năng suất từ 10 đến 20%, năng suất trung bình chỉ còn 3 tấn/ha”.
Trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp địa phương đang ráo riết thực hiện các giải pháp phòng, chống nhằm giảm đến mức thấp nhật thiệt hại lúa của bà con nông dân. Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri đã khảo sát tình hình thiệt hại và có kế hoạch hướng dẫn nông dân phòng chống hạn, mặn, hạn chế thiệt hại gây ra. Ngành nông nghiệp phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông khuyến ngư hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống hạn, mặn, phèn; phối hợp với Trạm thủy nông theo dõi tình hình mặn và xâm nhập mặn trên các sông, các cống, kênh mương nội đồng, nhằm có kế hoạch vận hành, đóng, mở các cống trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời, thông báo hàng tuần về diễn biến xâm nhập mặn cho người dân biết để có kế hoạch sản xuất phù hợp và trữ nước sinh hoạt.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã tổ chức đắp, gia cố, đóng kín 64 cống đập quy mô lớn và hàng trăm cống nhỏ; tổ chức lực lượng canh các cửa cống, theo dõi độ mặn để tranh thủ lấy nước ngọt vào nội đồng; đẩy mạnh công tác thủy lợi nội đồng, vệ sinh, nạo vét kênh rạch chứa nước; vận động người dân bơm nước dự trữ, bơm chuyền 2 cấp để cứu lúa và hoa màu.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã tổ chức đoàn đi khảo sát tình hình hạn, mặn ở các địa phương trong tỉnh đôn đốc các đơn vị liên quan kịp thời nạo vét kênh nội đồng, sửa chữa những cống ngăn mặn hư hỏng để phòng chống hạn mặn.
Minh Giang