Quản lý thuốc bảo vệ thực vật: Cần có cơ chế phối hợp mới
Thị trường thuốc bảo vệ thực vật đang có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên, cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) giữa các cơ quan chức năng thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, cần đổi mới.
Theo số liệu từ Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, hiện ở Việt Nam đang tràn lan các sản phẩm BVTV nhái, không chất lượng. Từ chỗ chỉ có 4 - 5 hoạt chất và hỗn hợp hoạt chất được đăng ký năm 1996, đến năm 2011, Việt Nam đã có 800 hoạt chất và các hỗn hợp hoạt chất được đăng ký nhập khẩu. Con số này đã vượt xa số lượng các hoạt chất được đăng ký sử dụng, gây tác động không tốt đến thị trường thuốc BVTV cũng như công tác quản lý.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV Hà Nội cho biết, để quản lý hiệu quả hóa chất BVTV, Cục đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng tại các cửa hàng, công ty buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn. Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn bán, sản xuất, sang chai, đóng gói thuốc BVTV ngoài danh mục hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hồng, “thực tế, việc quản lý hóa chất tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do những bất cập trong việc phân chia vai trò, trách nhiệm, kho chứa, kinh phí lưu trữ cũng như tiêu hủy”.
Do đó, để giải quyết tất cả những vấn đề trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp giữa 6 bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Công an và Quốc phòng…theo nguyên tắc: Đảm bảo, tuân thủ các quy định hiện hành về thẩm quyền của các bên; không tăng thẩm quyền hoặc tạo thêm quyền mới; bảo đảm nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính và có các cơ quan phối hợp; đảm bảo sự thống nhất, kịp thời hỗ trợ nhau trong công tác phối hợp; việc phối hợp phải dựa trên một mục tiêu chung được các bên xác định rõ ràng.
Ngoài ra, để có thể hoạt động trôi chảy, cần có một cơ chế phối hợp mới, nhịp nhàng và ăn khớp hơn, cụ thể, sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương; Phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương; Phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các lực lượng chức năng tại chính địa phương đó.
Ví dụ: Trong việc phát hiện hành vi nhập lậu thuốc BVTV qua biên giới cần có sự phối hợp giữa cơ quan Công an, Hải quan, Cục BVTV, bộ đội biên phòng và Quản lý thị trường. Theo đó, Cơ quan hải quan có trách nhiệm kết hợp với cơ quan BVTV cấp giấy phép đối với một số trường hợp trong việc kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa nhập khẩu. Những vật mà cơ quan BVTV buộc tái xuất, tiêu huỷ hoặc sau khi kết luận được phép nhập khẩu thì cơ quan BVTV phải thông báo cho cơ quan Hải quan - nơi có vật nhập khẩu biết, đồng thời cơ quan BVTV chủ động phối hợp với cơ quan Hải quan và các cơ quan khác giải quyết, xử lý những vấn đề liên quan khi có yêu cầu.
Để giải quyết hiệu quả và tăng tính bền vững, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần siết chặt các cơ chế phối hợp giữa 6 bên liên quan trong công quản lý hóa chất BVTV nhằm giảm thiểu các hành vi vi phạm (nhập lậu, sử dụng thuốc nhập lậu...).. từ đó, hạn chế những tiêu cực do hóa chất không rõ nguồn gốc gây ra.
Vân Anh